Nông thôn mới Sơn La, các vùng quê đáng sống đang dần rõ nét ở vùng biên giới
Nông thôn mới Sơn La, các vùng quê đáng sống đang dần rõ nét ở vùng biên giới
Văn Ngọc
Thứ năm, ngày 06/02/2025 08:06 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, huyện biên giới Yên Châu (tỉnh Sơn La) đã vượt qua khó khăn, thử thách, tạo nên diện mạo mới với những gam màu tươi sáng cho bức tranh nông thôn.
Clip: Diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) đã có nhiều đổi thay.
Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Sau chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, đến nay huyện Yên Châu (Sơn La) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, với hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên.
Những ngày đầu Xuân, có dịp trở lại Yên Sơn, xã vùng III của huyện Yên Châu (Sơn La), chúng tôi nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này với những ngôi nhà cao tầng; hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng; các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xây dựng kiên cố.
Xã Yên Sơn có 10 bản với 1.414 hộ, 5.564 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Kinh, Thái, Mông và Xinh Mun cùng sinh sống. Chỉ hơn chục năm về trước, khi chưa triển khai xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Đây là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương khi triển khai xây dựng nông thôn mới.
Một góc của trung tâm xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La) nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Ngọc
Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La) cho biết: Mục tiêu cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, UBND xã chỉ đạo các bản vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo lợi thế của từng vùng. Nổi bật là đưa cây mận hậu, nhãn, dứa vào trồng tại các bản Kim Sơn 1, 2 và bản Đán; trồng rau trái vụ, dâu tây ở bản Chiềng Hưng; thâm canh lúa nước ở bản Chờ Lồng; phát triển cây na, mía, chè, chăn nuôi đại gia súc ở bản Bó Phương, Yên Quỳnh.
Cùng với đó, xã Yên Sơn đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, huy động sức dân xây dựng nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Từ năm 2013 đến nay, xã đã được Nhà nước hỗ trợ hơn 76,9 tỷ đồng, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 7,7 tỷ đồng, cùng hàng trăm nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất, cây cối, tài sản để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và nhà văn hóa. Đến nay, 29,6km đường liên bản, trục chính nội bản và ngõ xóm được kiên cố hóa; chợ đầu mối, trạm y tế, nhà văn hóa xã và 9 nhà văn hóa bản được xây dựng.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; khuyến khích các hộ liên kết thành lập các HTX. Đến nay, toàn xã có 5 HTX nông nghiệp; gần 450 ha cây ăn quả; hơn 460 ha mía; 40 ha rau, chè; duy trì trên 63.000 con gia súc, gia cầm, gần 900 đàn ong. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 12% và xã Yên Sơn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông dân xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc
Chia tay mảnh đất Yên Sơn, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 6C về xã Lóng Phiêng, đây là xã biên giới đầu tiên của huyện Yên Châu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2023. Không dừng lại ở đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lóng Phiêng đã quyết tâm giữ vững, nâng cao các tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã tiếp tục phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình sản xuất phù hợp gắn với thị trường; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) phấn khởi chia sẻ: Đời sống vật chất, tinh thần của bà con xã vùng biên ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42,3 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt trên 85 triệu đồng/ha; 94,5% tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,83%. Đáng mừng nhất là cả xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Nông dân xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc
Đối với tiêu chí về môi trường, xã Lóng Phiêng chỉ đạo các bản xây dựng các công trình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn đường bản, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ có hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Chỉ đạo thành lập tổ thu gom rác thải tại khu trung tâm xã và các bản dọc quốc lộ 6C; rác thải rắn được thu gom và đem đi xử lý theo quy định. Đối với các bản không có tổ thu gom rác, các đoàn thể xã đã vận động nhân dân tự phân loại, xử lý rác thải, đào hố rác tại gia đình.
Ông Vì Văn Chăm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Mùa, xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Nói chung là bước đầu tiên cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhưng được Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, cả bản cùng nhau họp và tuyên truyền về lợi ích của con đường để phát triển kinh tế xã hội cho bản, cho nhân dân, từ đó, người dân đã hiểu và hiến đất, cây cối để làm đường. Bên cạnh đó, bà con trong bản cùng nhau hàng tuần, hàng tháng vệ sinh môi trường làng, bản xanh - sạch - đẹp.
Hệ thống giao thông tại các bản vùng cao xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) được đầu tư. Ảnh: Văn Ngọc
Tiến tới huyện nông thôn mới
Ông Lù Văn Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Huyện Yên Châu có 14 xã, trong đó có 4 xã biên giới. Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã đề ra kế hoạch và giải pháp cụ thể, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm là duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, đồng thời tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại, đảm bảo về đích đúng hạn. Đến nay, toàn huyện có 7/14 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 13,28 tiêu chí, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Năm 2024, huyện đã đầu tư trên 9,1 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và đóng góp của người dân để phát triển hạ tầng. 100% các xã đạt tiêu chí quy hoạch, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và quốc phòng, an ninh.
Nhiều tiêu chí khác như: trường học, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, giảm nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường, an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật đều có tiến bộ so với những năm trước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Châu đã đạt được những kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới, được nâng lên rõ rệt.
Đời sống văn hóa tinh thần đồng bào các dân tộc huyện Yên Châu (Sơn La) ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, địa phương này phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, hết năm 2025, huyện Yên Châu phấn đấu đưa 6 xã còn lại tối thiểu đạt 15/19 tiêu chí. Đối với 4 tiêu chí khó thực hiện như thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, huyện Yên Châu sẽ thực hiện theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau".
Tiếp tục thành lập các tổ công tác xuống từng xã, xem xã nào tiệm cận tiêu chí nào thì tập trung nguồn lực để hoàn thành tiêu chí đó. Cùng với đó, huy động nguồn lực có trọng tâm trọng điểm để ưu tiên cho các xã có lộ trình về đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đầu bình quân mỗi năm có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các tổ chức chính trị xã hội và tổ công tác phải làm tốt công tác tuyên truyền – vận động nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các xã đến lãnh đạo các bản phải thống nhất trên dưới một lòng quyết tâm xây dựng làng, bản sáng – xanh – sạch – đẹp.
Huyện Yên Châu đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Ngọc
Cùng với đó, để xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện Yên Châu đặc biệt quan tâm đến tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Huyện lựa chọn các mô hình phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách thay thế cây trồng không hiệu quả bằng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tìm đầu ra để nâng cao giá trị và thu nhập cho bà con.
Tin rằng, với sự hỗ trợ, giúp đỡ nguồn lực từ cơ quan cấp trên cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân, huyện Yên Châu sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.