Nông thôn mới với đường hoa đẹp ở một xã có hơn 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng

Hạnh Hồng Thứ ba, ngày 10/12/2024 18:53 PM (GMT+7)
Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách của Đảng, Nhà nước và cùng sự đồng lòng của người dân, hiện nay, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã thay da đổi thịt; nông thôn đổi mới, đời sống, vật chất tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt.
Bình luận 0

Hơn 15 trước, Phú Mỹ là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mỹ Tú. Một trong những nguyên nhân địa phương này chưa thể phát triển, vươn mình là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng.

Từ khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình dự án khác của Trung ương và địa phương được đầu tư triển khai, vùng nông thôn của Phú Mỹ từng bước thay da đổi thịt.

Diện mạo mới tại một xã có hơn 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng - Ảnh 1.

Đường hoa nông thôn mới ở xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Xã Phú Mỹ giờ đây, đã nhựa hóa hoặc bê tông hoá tất cả tuyến đường trục xã và liên xã, đường ấp và đường liên ấp, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Ảnh: Hồng Hồng

Anh Lý Đương, ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ cho biết, gia đình anh ngoài trồng lúa trên diện tích 1ha, gia đình còn làm thêm nghề thu gom rau màu của bà con quanh vùng đi giao lại cho các tiểu thương ở chợ trung tâm TP.Sóc Trăng.

"Bây giờ, đường xá trong xã đều đã đầu tư khang trang, mở rộng thông thoáng, nên xe ô tô, xe gắn máy có thể vô tận rẫy màu để lấy rau củ quả dễ dàng, không phải lo chở bằng ghe xuồng hay lội sình xách từng giỏ, vác từng bao đầy vất vả như trước đây nữa", anh Đương nói trong phấn khởi.

Bằng các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình giảm nghèo bền vững, xã Phú Mỹ giờ đây, đã nhựa hóa hoặc bê tông hoá tất cả tuyến đường trục xã và liên xã, đường ấp và đường liên ấp, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Diện mạo mới tại một xã có hơn 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng - Ảnh 2.

Hiện tất cả 4 trường học ở xã Phú Mỹ đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mức độ 1, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng học tập của các cháu học sinh trong phum sóc. Ảnh: Hồng Hồng

Là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện Mỹ Tú, chiếm hơn 92% dân số toàn xã, qua thời gian triển khai xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, Phú Mỹ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang hiện đại.

Ông Đồ Thanh Hoàng, người dân ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ cho biết, điển hình như trường Tiểu học Phú Mỹ B, ở ấp Bưng Cóc, sau khi được đầu tư và đưa vào giảng dạy từ 3 năm trước đã mang lại niềm phấn khởi cho các em học sinh và người dân địa phương.

Xã Phú Mỹ thời gian qua, luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành nên đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất các điểm trường đạt chuẩn theo quy định.

Hiện tất cả 4 trường học ở xã Phú Mỹ đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mức độ 1, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng học tập của các cháu học sinh trong phum sóc.

Diện mạo mới tại một xã có hơn 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng - Ảnh 3.

Chị Danh Thị Sóc Kha, ở ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình vừa được xét hỗ trợ cho ngôi nhà cùng 1 cặp bò sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia, chị rất phấn khởi vì có sinh kế để cải thiện đời sống. Ảnh: Hồng Hồng

Thầy Trần Minh Thái - Hiệu trưởng Tiểu học Phú Mỹ B cho biết, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Mỹ.

Từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc triển khai kịp thời đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở xã Phú Mỹ vươn lên, khởi sắc. Đây cũng chính là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất, hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định đời sống.

Chị Danh Thị Sóc Kha, ở ấp Sóc Xoài cho biết, trước đây gia đình không có tư liệu sản xuất nên đời sống luôn chật vật. Khi được Nhà nước, địa phương xét hỗ trợ cho ngôi nhà cùng 1 cặp bò sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia, chị rất phấn khởi vì có sinh kế để cải thiện đời sống.

"Hiện cặp bò đã mang thai được vài tháng. Mới đây, gia đình cũng được hỗ trợ thêm dụng cụ chứa nước sinh hoạt", chị Sóc Kha nói.

Phum sóc đổi mới đã giúp xã Phú Mỹ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm nay. Ngoài hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, bà con ở đây cũng xây dựng được nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh màu, màu dưới chân ruộng, nuôi bò thịt, bò sữa...

Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập với bình quân đầu người đạt gần 57 triệu đồng/người/năm. Tính đến hết năm ngoái, số hộ nghèo của xã Phú Mỹ chỉ còn 0,14%, hộ cận nghèo còn 3,52%.

Sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, Chính quyền địa phương vì sự ấm no của đồng bào, người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem