Đại gia lữ hành Vietravel chuẩn bị lên sàn
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo cổ phiếu của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) sẽ lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán VTR. Ngày giao dịch đầu tiên vào thứ Sáu, ngày 27/9.
Khối lượng chứng khoán đăng ký là 12,6 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 126 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cp, ứng với mức định giá trên 500 tỷ đồng.
Vietravel sẽ lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán VTR.
Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển Giao thông Vận tải - Tracodi. Công ty chính thức đổi tên vào năm 1995 lấy tên là Vietravel.
Vietravel được nhắc tới nhiều thời gian gần đây với dự án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dự án này đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 30 máy bay vào năm 2025. Doanh nghiệp định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter).
Asanzo bất ngờ tuyên bố trở lại, mở thêm nhà máy
Trong cuộc họp báo tổ chức tuần qua, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo khẳng định, công ty đã nhận được kết luận của các cơ quan chức năng và ngoài những thiếu sót hành chính, không có kết luận nào cho thấy công ty Asanzo vi phạm pháp luật trong việc mua bán xuất nhập khẩu, ghi nhãn xuất xứ hàng hoá.
Ông Tam khẳng định, từ 17/9, công ty sẽ hoạt động trở lại bình thường và vào tháng 10 tới đây, Asanzo sẽ khai trương thêm một nhà máy mới (nhà máy thứ 5) tại quận 9, TP. HCM.
Một số tờ báo sau đó dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) Đinh Tiến Dũng, cho biết hiện tại, Thủ tướng vẫn chưa ký quyết định cuối cùng kết luận vụ việc.
Mới đây, trong thông cáo phát đi, ông Masashi Kubo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam - công ty con Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) cho biết, Asanzo đã giả mạo bằng chứng sở hữu công nghệ Nhật Bản từ một công ty liên doanh của Tập đoàn Sharp. Sharp khẳng định "đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ việc kiện Asanzo nhằm bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu".
Mạng xã hội Lotus chính thức ra mắt
Tuần qua, Lotus - mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo và phát triển đã chính thức ra mắt. Dự kiến, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử (open beta) trong khoảng từ 3-6 tháng trước khi hoạt động chính thức.
Lotus - mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo và phát triển đã chính thức ra mắt.
Lotus được đầu tư và phát triển bởi VCCorp với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước. Theo thông tin tại sự kiện, mạng xã hội này đã huy động được 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp cho biết một trong những tính năng đáng chú ý nhất của Lotus đó là cho phép người dùng kể chuyện bằng hình ảnh. Đặc biệt, người dùng có thể tích lũy đồng tiền ảo (token) qua quá trình sử dụng nội dung, như đọc tin, chia sẻ tin, hay tạo ra nội dung cho nền tảng.
Lotus đặt mục tiêu trước mắt hướng tới 4 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày, sau đó sẽ tiếp tục nâng các mục tiêu lên cao hơn.
Vietnam Airlines hú hồn vụ "hạ cánh quên bung càng"
Một số tờ báo của Australia tuần qua bất ngờ đưa tin, chiếc Boeing 787 mang số hiệu VN-A870 của Vietnam Airlines đã suýt hạ cánh mà bánh sau không bung ra.Kiểm soát không lưu của sân bay đã liên lạc với tổ bay ngay khi phát hiện máy bay không bung bánh sau ra trong quá trình hạ cánh. Tổ bay đã ngay lập tức phải thực hiện nâng độ cao hạ cánh lại.
Lên tiếng sau đó, Vietnam Airlines thừa nhận, đây là chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Melbourne (Australia) ngày 18/9.
Chiếc Boeing 787 mang số hiệu VN-A870 của Vietnam Airlines đã suýt hạ cánh mà bánh sau không bung ra.
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam khẳng định, sau sự cố trên, chuyến bay đã hạ cánh bình thường tại sân bay Melbourne và đảm bảo an toàn. Vietnam Airlines cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách tại Australia để kiểm tra và làm rõ sự việc.
Xôn xao vụ cổ phiếu FTM "sập sàn"
Cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex) tuần qua là tâm điểm của thị trường khi có tới hàng chục phiên nằm sàn liên tục kể từ ngày 15/8 đến nay. Theo tính toán, cổ phiếu này mất 83% giá trị, sau khi tăng giá khoảng 70% trong gần 5 tháng trước đó.
Một số tờ báo đưa tin, đại diện 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng bị thiệt hại vì FTM đã nhóm họp và nhận định, cổ phiếu FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá. Các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê, hiện có gần 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM.
Hiện tại, các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.
Tại thời điểm ngày 30/6/2019, giá trị đầu tư còn lại của VNG tại Tiki đã về 0 do khoản lỗ hơn 506 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.