Nóng tuần qua: Ô tô hạ giá hàng trăm triệu vẫn ế hàng

Thu Trang Chủ nhật, ngày 22/03/2020 15:55 PM (GMT+7)
Tác động của dịch Covid-19 khiến cho thị trường tiêu dùng trở nên ảm đạm. Sức mua giảm mạnh trong tuần vừa qua.
Bình luận 0

Ô tô giảm giá mạnh, khách mua vẫn hờ hững

Xu hướng giảm giá xe vẫn tiếp tục diễn ra vào tháng 3/2020. Nhu cầu về ô tô trong thời điểm này khá thấp, cho dù khuyến mãi giảm giá liên tục. Ô tô tồn kho từ 2019 vẫn còn nhiều, những chiếc xe này càng để lâu thì càng giảm giá trị, vì vậy để giải phóng hàng tồn, các đại lý vẫn tiếp tục đại hạ giá.

Với các mẫu xe có giá dưới 500 triệu đồng, VinFast Fadil đang được các đại lý giảm giá từ 41-64 triệu đồng tùy phiên bản; Honda Brio cũng được các đại lý khuyến mãi từ 25-45 triệu đồng, tùy phiên bản; Grand i10 được giảm 15 triệu đồng từ nhà sản xuất; Toyota Wigo và Mitsubishi Mirage giảm giá từ 10-20 triệu đồng.

Ở mức giá cao hơn, Toyota Vios được giảm thêm 10 triệu đồng, Kia Cerato cũng được giảm thêm 10 triệu đồng, Honda City ưu đãi 30 triệu đồng...

Các mẫu SUV cỡ lớn vẫn được giảm giá mạnh nhất. Toyota Việt Nam giảm giá cho mẫu Fortuner từ 45-100 triệu đồng, Mitsubishi Pajero Sport giảm từ 60-90 triệu đồng, Mazda CX-8 giảm từ 50-100 triệu đồng, Honda CR-V giảm giá từ 30-60 triệu đồng tùy phiên bản.

Bên cạnh đó, một loạt mẫu xe mới chuẩn bị ra mắt như Mazda 2, Honda City, Suzuki Ertiga, Mitsubishi Pajero Sport,... được trang bị những công nghệ mới hiện đại, giá bán hợp lý hơn. Cạnh tranh mạnh, khiến các DN sẽ phải đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá để tăng doanh số.

img

Thị trường ô tô chứng kiến sự ảm đạm khi sức mua giảm sút mạnh

Thịt lợn ế hàng, tiểu thương bỏ bán

Trong tuần qua, giá thịt lợn tuy có giảm hơn chút nhưng vẫn ở mức khá cao. Tại các chợ dân sinh, thịt mông có giá 150 nghìn đồng/kg, thịt chân giò 170 nghìn đồng/kg, thịt vai 160 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ 170-180 nghìn đồng/kg...

Giá thịt quá cao khiến người dân quay lưng với thịt lợn. Sức mua giảm mạnh so với trước, nhiều thương lái phải nghỉ bán vì ế ẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tuyên bố rằng, nếu các doanh nghiệp không giảm giá thịt lợn, sẽ tăng cường nhập khẩu thịt trong thời gian tới.

Phát biểu trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, trong bất cứ thời kỳ nào, nhất là lúc khó khăn, nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, có vai trò rất lớn, góp phần ổn định xã hội.

img

Giá thịt lợn neo ở mức cao khiến người dân quay lưng

Thủ tướng khẳng định giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý “ở đây tôi nói theo thị trường chứ không bao cấp được”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt lợn hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.

Giá xăng giảm mạnh “chưa từng có” kể từ 15h ngày 15/03

Giá xăng dầu thế giới thời gian qua liên tục sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Trong kì điều chỉnh giá xăng dầu ngày 15/3 vừa qua, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu Liên bộ Công thương – Tài chính đã có mức điều chỉnh  giảm mạnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường. Theo đó, xăng E5RON92 giảm tới 2.290 đồng/lít xuống còn 16.056 đồng/lít, xăng RON95-III cũng giảm 2.315 đồng/lít xuống còn 16.056 đồng/lít. Các mặt hàng xăng dầu khác cũng giảm mạnh.

Tiểu thương chợ đầu mối tung hàng bán lẻ rẻ như bán buôn

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt nhà hàng đóng cửa, hàng ngàn sinh viên, học sinh được nghỉ học dẫn đến tình trạng hàng hóa ứ đọng, khó tiêu thụ. Hàng chục tiểu thương chợ đầu mối mối phía tây Hà Nội chuyển sang bán lẻ để mong hết hàng.

Hàng hóa thực phẩm bán tại đây tiêu thụ chậm khiến cho nhiều tiểu thương trong chợ phải kéo dài thời gian bán hàng và chuyển dần từ hình thức bán buôn sang bán lẻ. Theo các tiểu thương tại các chợ, dạo trước thực phẩm bán buôn là chủ yếu, trường hợp bán lẻ chỉ có hàng tồn đã được người mua loại ra chiếm chưa đến 1/10 lượng hàng lấy về. Giờ hàng không tồn, không loại cũng phải bán lẻ với số lượng lớn. Mặt khác, rau xanh và các thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản là những mặt hàng chỉ tiêu dùng trong ngày không thể để tồn sang ngày khác. Chính vì điều này nên các chợ đầu mối ở Hà Nội sau khi bán buôn không hết hàng đã phải đồng loạt chuyển sang hình thức bán lẻ cho người tiêu dùng.

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lo ế hàng

Trong buổi họp do Bộ Công Thương tổ chức để đánh giá năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng khẩu trang ra thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - nhấn mạnh năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp dệt may hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp luôn sẵn sàng chia sẻ cùng cộng đồng để chung tay phòng chống dịch, tuy nhiên nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hiện tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có thể đáp ứng nhu cầu 40 triệu chiếc khẩu trang/tháng theo nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Dệt Lụa Nam Định Đào Văn Phương cũng thông tin về khó khăn đầu ra cho sản phẩm. Theo ông Phương, Công ty hiện ứng dụng công nghệ sinh học (sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước) phối hợp với một số doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam sản xuất, đưa ra thị trường 3 triệu chiếc khẩu trang.

Năng lực của công ty có thể đảm bảo sản xuất 10 triệu khẩu trang một tháng, song đại diện doanh nghiệp lo lắng tình trạng đầu ra sản phẩm nên đề xuất Bộ Công Thương kết nối với doanh nghiệp phân phối.

                                                                                                                

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem