Đạo diễn - NSDN Lan Hương vừa diễn báo cáo vở kịch hình thể Một cõi đi về và dự kiến sẽ cho ra mắt khán giả vào ngày 1.4.2015.
“Không “phá” nhạc Trịnh”
Không giống như kết cấu của một vở kịch thông thường là sẽ kể một câu chuyện với “ba hồi”: mở nút – cao trào, xung đột – mở nút, hay giống như các vở kịch hình thể trước đây của đạo diễn Lan Hương, Một cõi đi về kể bốn câu chuyện có chủ đề chung là tình cảm gia đình.
Đó là câu chuyện về cô bé nhà nghèo nhặt được một khoản tiền lớn của người nước ngoài đã gửi lại số tiền quý giá đó cho công an để trả người đánh mất. Tiếp đến là câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ vì những mệt mỏi của “cơm áo gạo tiền” mãi mới nhận ra tình yêu từ sâu thẳm mà người này vẫn luôn dành cho người kia hay chuyện về “đôi vợ chồng trí thức nhất thành phố” hoặc bà lão “gần đát xa trời” muốn nhìn lại quãng đời mà mình đã đi qua...
Và sợ dây kết nối bốn câu chuyện này chính là các bài hát của Trịnh Công Sơn: Lời mẹ ru, Ở trọ, Tiến thoái lưỡng nan, Cuối cùng cho một tình yêu, Cát bụi và đặc biệt là bài Để gió cuốn đi được chọn làm nền trong suốt vở kịch.
Cảnh trong vở Một cõi đi về
Nói về ý tưởng của vở kịch, NSND Lan Hương cho biết, chị mê Trịnh Công Sơn, từ lâu đã ấp ủ làm một vở về Trịnh Công Sơn. Nhưng chị không muốn làm về con người hay cuộc đời của nhạc sĩ mà đưa tinh thần, triết lý nhân sinh, tư tưởng về “cõi tạm”, “luân hồi” trong âm nhạc của ông lên sân khấu. “Tôi chỉ muốn đưa “bộ não” của Trịnh Công Sơn lên sân khấu chứ tôi không có ý định làm vở kịch để vẽ chân dung Trịnh Công Sơn. Nó không trả lời câu hỏi: Trịnh Công Sơn là ai?” – chị nói.
Có một điều đặc biệt, trong vở kịch, âm nhạc của Trịnh Công Sơn được đạo diễn Lan Hương “thể nghiệm” với các nhạc cụ dân tộc như sáo ta, nhị và những cây đàn dân tộc khác. Trong khi, thường âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn được thể hiện qua các nhạc cụ phương Tây. Một điều đặc biệt nữa, có một đoạn Cát bụi còn được NSND Lan Hương “ngẫu hứng” cho hát theo thể.... ca trù. Chị bảo, là bởi chị rất yêu âm nhạc dân tộc nên muốn “xe duyên” nhạc Trịnh Công Sơn với âm nhạc truyền thống dân tộc và chị thấy kết quả “cũng được”.
Tuy thế, hẳn sẽ khó tránh khỏi có “tín đồ” nào đó của nhạc Trịnh sẽ “tức giận” với sự “xe duyên” táo bạo này. NSND Lan Hương vẫn tỏ ra tự tin bởi chị vẫn giữ được trọn vẹn âm nhạc của Trịnh Công Sơn: “Tôi không phá cái gì của Trịnh Công Sơn mà phải để những tín đồ của nhạc Trịnh giận dữ. Sẽ chỉ có người thích hoặc không thích chứ sẽ không có ai “nổi giận” được”.
Nỗi lo kịch hình thể thành... lẩu thập cẩm?
Nếu ai từng e ngại” về sự “trừu tượng” của kịch hình thể thì tới Một cõi đi về lần này, họ sẽ thấy nó đã “dễ hiểu” hơn bởi câu chuyện giản dị, gần gũi, đời thường và đã… nhiều thoại. Nhưng khi kịch hình thể lại có khá nhiều lời thoại, nó có còn là kịch hình thể, hay nó chỉ còn là “nồi lẩu” với thập cẩm kịch nói, múa, hát…?
Trả lời cho nghi ngại này, đạo diễn Lan Hương bảo, kịch hình thể vẫn cần phải có thoại ở những đoạn cần thiết. Trước đây chị làm kịch hình thể rất ít thoại là bởi chị “bị ép” làm kịch hình thể là “không được nói”. “Đã là kịch nghĩa là phải có chuyện, mà chuyện thì phải có thoại. Nếu không có thoại thì nó lại thành kịch câm chứ đâu phải là kịch hình thể nữa”. NSND Lan Hương cho biết, vở kịch hình thể này chị không còn bị ép “kiệm lời” quá nên nó đã “dễ chịu hơn rất nhiều” với chính chị và với cả khán giả.
“Trước đây xem kịch hình thể của tôi, khán giả cũng hiểu nhưng mà hiểu một cách ấm ức. Giờ thì xem kịch hình thể của tôi cũng bình thường, dễ chịu, như đi xem múa, nghe nhạc Trịnh thôi” – NSND Lan Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, NSND Lan Hương cho biết thêm, hiện vở Một cõi đi về mới chỉ được Nhà hát Tuổi trẻ đầu tư làm nhạc, còn sân khấu vẫn “chết cứng” và phục trang của vở diễn thì vẫn… đi mượn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.