NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 1.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 2.

Những ai yêu thích NSƯT Phú Đôn thì sẽ biết thông tin anh mới nghỉ hưu sau 40 năm cống hiến tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Cảm xúc lúc này của anh thế nào?

- Tôi cảm thấy rất vui khi nhìn lại chặng đường 40 năm - một quá trình cống hiến nếu nói là nhiều cũng chưa hẳn nhưng cũng không ít của mình. Khi mình đã hoàn thành nghĩa vụnhà nước, tạm gọi là vừa lòng, nên khi về nghỉ hưu tôi cảm thấy rất thoải mái.

Dù đã về hưu nhưng có vẻ anh còn rất nhiều trăn trở?

- Tôi chỉ có thể nói thế này, không chỉ ngành nghề nghệ sĩ biểu diễn văn học nghệ thuật như chúng tôi, mà những ngành nghề khác như ngành khoa học, ngành y, giảng dạy… thực sự ở lứa tuổi như tôi vẫn có thể làm được nữa. Nhưng quy định và chế độ của Nhà nước là như vậy, trước tiên chúng ta phải chấp nhận. Nhưngtôi tiếc một chút, đó là sức của tôi cũng như những ngành nghề như tôi nói ở trên nếu được cống hiến thì dĩ nhiên sẽ rất tốt cho xã hội. Bởiở độ tuổi này, chúng tôi có kinh nghiệm, có sức sáng tạo, nếu nghỉ trắng 100% thì quả là lãng phí.

Tuy nhiên, đối với nghề diễn như của tôi, việc về hưu chỉ là thủ tục, còn cống hiến cho nghệ thuật, có khi nghỉ rồi lại có nhiều việc hơn (cười lớn). Nghỉ rồi được chủ động, có nhiều thời gianrỗi hơn, có quyền lựa chọn hơn. Tất nhiên không phải ai cũng vậy, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp nghệ sĩ sẽ bận rộn hơn khi đang ở trong cơ chế nhà nước.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 3.

Trong suốt 40 năm làm nghề, vai diễn nào để lại ấn tượng với anh, khiến anh luôn đau đáu và mất nhiều công sức nhất để nhập vai?

- Thực ra, tôi không có vai diễn nào ấn tượng cả. Với tôi, tất cả mọi thứ đều ở phía trước hết, mỗi vai diễn qua đi thực sự với tôi chỉ là sự tiếc nuối. Sau khi xem lại, nhất là phim ảnh mình không làm lại được nữa, mới thấy lẽ ra mình nên thế này thế kia. Còn bên sân khấu, mỗi một đêm diễn mình lại dần hoàn thiện vai diễn.

Tại sao tôi lại nói dần hoàn thiện vai diễn, bởi cuộc sống luôn vận động và phát triển, có những vở diễn được khán giả yêu mến, có sức sống sau 1 năm, 2 năm, thậm chí 10 năm. Vì thế, chúng tôi phải hoàn thiện vai diễn sao cho hợp với hơi thở cuộc sống và cách suy nghĩ của từng giai đoạn. Cho nên, để nói về vai diễn ấn tượng nhất của tôi, có lẽ phải khiến bạn thất vọng rồi.

Người ta nói so với đóng phim truyền hình và điện ảnh thì kịch khó diễn hơn rất nhiều. Vậy còn với anh – một người từng kinh qua nhiều vai diễn ở nhiều thế loại, anh đánh giá thế nào về câu nói trên?

- Tôi cho rằng đấy là quan niệm của từng người. Còn với riêng tôi, ở cả 3 thể loại bạn vừa nhắc ở trên,không có cái nào khó hơn, mỗi cái có một cái khó và dễ riêng, vì thế chúng ta không nên so sánh dựa trên một chiều như vậy. Nhưng với một người làm nghề lâu năm và có kinh nghiệm thì chúng ta nên xác định thế này, cùng là tâm lý nhân vật giống nhau nhưng cách thể hiện của 3 mô hình phải là 3 cách diễn khác nhau. Có thể bên ngoài bạn nhìn thì giống nhưng thực chất là khác hoàn toàn.

Người ta thường gọi anh với biệt danh "diễn viên có gương mặt khắc khổ nhất màn ảnh". Anh nghĩ sao?

- Các bạn nhà báo đã đặt cho tôi biệt danh này, sau đấy nhiều người thấy nó đúng, chắc là nó đúng thôi. Bởi họ dựa trên hình hài khuôn mặt theo nghĩa đen và cái nghĩa nữa là tôi hay vào vai ở những thể loại gương mặt khắc khổ. Chắc họ ấn tượng một vai hoặc một series vai nào đó của tôi nên đã đặt biệt danh này. Thực tế, tôi không dám nhận mình là người giỏi trong nghề diễn, bởi có rất nhiều bạn bè, đàn anh, thậm chí là cả đàn em cũng có người giỏi hơn tôi rất nhiều. Nhưng được khán giả yêu mến, các bạn nhà báo ưu ái và nói ấn tượng với tôi qua những dạng vai đó khiến tôi rất tự hào.

Thành thật mà nói, anh có cảm thấy bất công khi mình sở hữu gương mặt này không?

- Mỗi người có một điểm mạnh nào đó để tự hào, tôi cho rằng những thứ thuộc về cha sinh mẹ đẻ và tạo hóa dành tặng cho mình thì không có gì bất công cả. Ở đâyhoàn toàn công bằng.

Nói sâu xa và rộng một chút, người có hình thể của một người giàu thì họ vào vai người giàu, người có bộ mặt khắc khổ sẽ vào những vai người nghèo, hay những người có bộ mặt dữ dằn sẽ vào vai xã hội đen, tướng cướp, mặt thư sinh phúc hậu đóng những vai người tốt, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang… Đây là tạo hóa dành tặng cho các nghệ sĩhình hài để họ hóa thân vào các dạng vai. Nhưng đấy chỉ là hình thức bên ngoài, để khán giả hình dung và dễ chấp nhận nhất.

Trong một lần làm việc với êkip nước ngoài, họ bảo tôi rằng cách phân vai của Việt Nam hệt theo kiểu phim hoạt hình. Chứ nếu là một đạo diễn kỳ công và giỏi nghề, họ sẽ có cách khai thác ngược lại, một ông to béo nhưng lại đau khổ, còn một ông nhỏ con, nhìn khắc khổ nhưng lại là người giàu có và sống sung sướng. Ngược có khi lại là thuận.

Phải chăng gương mặt khắc khổ khiến anh khó lòng nhận nhiều thể loại vai diễn khác nhau?

- Điều này không hề khiến tôi cảm thấy thiệt thòi, thậm chí còn giúp tôi có những thuận lợi riêng. Chẳng hạn, tôi tham gia các vở kịch, phim truyền hình hoặc điện ảnh thì không ai có thể cạnh tranh được với tôi về mặt này (cười), vì không ai có khuôn mặt khắc khổ như tôi cả.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 4.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 5.

Nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã cống hiến tuổi thanh xuân, chắc hẳn anh có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng để nói về một sự cố nào đó, với anh đó là câu chuyện nào?

- Tôi chưa bao giờ nhớ hay ấn tượng với những sự cố trong suốt quá trình làm nghề của mình. Thỉnh thoảngtôi xem VTV kết nối, thấy nhiều bạn diễn viên trình bày bị ngã rất đau hay bị rơi xuống nước rất rét… Theo tôi quan niệm, đó là nghề nghiệp, bạn không có quyền kêu than, trình bày với mọi người là khi trời nóng tôi phải mặc rất nhiều áo để quay cảnh mùa đông, hay ngược lại khi mùa đông tôi phải mặc những chiếc áo mỏng manh để quay mùa hè. Bởi vì đấy là đặc điểm của nghề nghiệp, đã làm nghề thì phải chấp nhận, có thể bị cảm lạnh, có thể bị say nắng, có thể bị mệt quá mất hơi… đấy là chuyện bình thường. Với tôi, nếu đã là một nghệ sĩ đích thực, một nghệ sĩ chân chính thì không được phép kêu về vấn đề đấy.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 6.

Anh từng chia sẻ vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi mới lên 6. Cơ duyên nào đưa anh đến với vai diễn đó?

- Chuyện đã lâu lắm rồi, cách đây 54 năm (1966). Bố của tôi – NSƯT Lại Phú Cương-là một trong những người sáng lập và đi đầu của Nhà hát Kịch Việt Nam thời còn ở chiến khu thành lập Đoàn kịch Nhân dân Trung ươngở Việt Bắc năm 1952. Sau khi về, lúc tôi còn nhỏ, vô tình nhà hát dựng vở cần vai trẻ con, vì thế tôi đã được bố cho tham gia. Trong 2 năm tôi làm 2 vở, vở đầu tiên có tên "Búp trên cành" dựa trên tứ thơ của Bác Hồ: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan".

Tôi được phân vai trẻ con đúng lứa tuổi của mình, trong vở còn có chú Đoàn Dũng, cô Kim Thư, cô Tú Mai… họ đều là thế hệ vàng đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Và vở thứ hai – một vở nói về chiến tranh phá hoại của Mỹ, tôi vào vai một em bé mồ côi, bố mẹ bị bom chết nên được các cô chú của một công xưởng(xí nghiệp Bộ Quốc phòng ngày xưa sơ tán) mang về nuôi, và tận cuối vở tôi mới xuất hiện.

Phải chăng vai diễn năm lên 6 tuổi là lý do để sau này anh đầu quân về Nhà hát kịch Việt Nam?

- Nó cũng là một lý do tương đối lớn. Sau thời gian 2 năm tham gia hai vở kịch, cộng thêm lý do chiến tranh phải đi sơ tán, tôi trở về đi học, và bị học chậm 1 năm. Đến lúc quay trở về đi học, tôi không ấn tượng gì về những vai diễn và sân khấu nữa vì ngày đó còn quá bé. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, ban đầu tôi không có ý định thi vào trường sân khấu đâu vì đã thi vào trường khác rồi. Thế nhưng năm 1978, vô tình Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ cùng tuyển diễn viên, tôi đánh tiếng thi thử xem sao.

Đầu tiên, tôi dự tuyển bên Nhà hát Tuổi trẻ và đã trúng tuyển rồi. Nhưng bước ngoặt khi tôi gặp cô Phạm Thị Thành, trước cô công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, sau đó cô đi học đạo diễn tại Nga về, cô nói chân tình:"Đôn ơi, bên Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có lớp đấy, nếu Đôn về học bên đó cô nghĩ rằng tốt hơn, bởi vì bên đấy có truyền thống. Ngày xưa mình bé đã gắn bó rồi, về bên đấy khả năng thuận lợi hơn, nếu Đôn đồng ý thì để cô làm công văn chuyển sang, Đôn không cần dự tuyển nữa mà về học luôn". Nghe cô nói vậy, tôi mừng quá, đồng ý luôn.

Khi về Nhà hát Kịch, bố tôi vẫn đương nhiệm, và nằm trong thành phần ban giám khảo tuyển sinh, ông không chấp nhận tôi. Ông nói đã về đây thì phải sòng phẳng như mọi người. Và tôi đã đồng ý bởi từng vượt qua vòng thi tuyển bên Nhà hát Tuổi trẻ nên khá tự tin.

Ngày xưa phải vượt qua 3 vòng sơ khảo, chung khảo, phúc khảo mới được tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam. Mỗi một vòng là một sự khắc nghiệt đến nghẹt thở, ban đầu có 4.500 thí sinh dự tuyển nhưng chỉ chọn lấy 40 người để đào tạo thôi. May mắn, tôi đã vượt qua và sống với nghề đến giờ.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 7.

Ai là thần tượng và là người truyền cảm hứng trong sự nghiệp nghệ thuật của anh?

- Nếu để nói là thần tượng (Idol) như giới trẻ bây giờ thì tôi không có. Nhưng để nói về người khiến tôi ấn tượng trong diễn xuất thì đó là NSND Đào Mộng Long – nghệ sĩ nhân dân đầu tiên của Việt Nam, ông là chồng của cô Phạm Thị Thành. Dù sở hữu thân hình gầy nhom, đầu hói, nhưng sức diễn của ông vô cùng ghê gớm. Sức hút của ông khủng khiếp đến nỗi khiến các diễn viên xung quanh lu mờ. Tôi luôn tự hỏi tại sao ông lại tạo ra một vầng hào quang lớn đến vậy. Về sau này khi đã có sự nghiệp vững vàng tôi mới nghiệm ra, ông đã biến cái không thể thành có thể, biến nhược điểm của cơ thể thành ưu điểm.

Trong buổi lễ chia tay anh, diễn viên Khuất Quỳnh Hoa chia sẻ câu chuyện vui ngày mới vào nghề luôn sợ ánh mắt soi xét của anh, cũng như ở Nhà hát Kịch Việt Nam xuất hiện biệt danh "Đôn đanh đá", "Đôn khoai ngứa". Chắc hẳn, đó sẽ là kỷ niệm vui với anh?

- Thực ra bây giờ các bạn ấy không sợ tôi đâu, không hiểu thì mới sợ, còn ai đã hiểu tôi rồi thì luôn mong ánh mắt của tôi. Tôi luôn nói: "Tôi không thừa hơi để nói vấn đề về nghề nghiệp, cuộc sống với các anh chị làm gì cả, chỉ vì tôi yêu thương nên mới nói, còn tôi đã không thích ai thì nửa lời cũng không nói với người đó".Cho nên về sau các cháu, các em hiểu đều yêu quý tôi và thèm những lời nói và ánh mắt soi xét của tôi.

Nghệ sĩ thường hay nhạy cảm, nhất là khi mình góp ý với họ về cách diễn trước mặt đám đông, mà tôi nói thật, không khéo trong cách nói chuyện nên những biệt danh "Đôn đanh đá" hay "Đôn khoai ngứa" cũng từ đó mà ra.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 8.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 9.

Gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, quen thuộc với khán giả trong nhiều dạng vai. Nhưng anh chỉ mới được phong NSƯT một năm trước khi về hưu. Anh cảm thấy thế nào?

- Tôi chưa khi nào suy nghĩ quá nặng nề về chuyện đạt thành tích này, danh hiệu kia. Với tôi, việc được phong NSƯT hay NSND không bằng việc khi ra đường, gặp 20 người thì cả 20 người đều nhớ tên bạn là Phú Đôn hay tên của những vai diễn bạn từng đóng. Đó mới là điều trân quý với nghề diễn mà tôi có được. Tình cảm của khán giả là quan trọng nhất.

Sau khi nghỉ hưu, anh đã có dự định gì cho mình và gia đình chưa (ví dụ cả nhà đi du lịch chẳng hạn, hay trồng hoa, nuôi cá…)?

- Hiệngia đình tôi còn nhiều khó khăn, tất cả mọi thứ đều hạn hẹp và hai bé nhà tôi còn đang rất nhỏ. Nói để hưởng thụ còn xa vời lắm, tất nhiên có điều kiện mình vẫn đi thôi. Tuy nhiên,mục đích chính lúc này của tôi là phải duy trì cuộc sống để nuôi các con ăn học.

Một câu hỏi hơi tế nhị, anh hơn vợ những 25 tuổi, anh có bí quyết gì để giữ cho tình cảm gia đình luôn ấm êm?

- Vợ tôi kém tôi 25 tuổi nhưng giữa chúng tôi không có khoảng cách.Tôi không có bí quyết nào cho riêng mình, mà điều quan trọng đó là phải yêu thương nhau và hết mình vì gia đình. Đó là lý do để chúng tôi gắn bó với nhau và có một gia đình nhỏ ấm êm suốt 20 năm qua.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 10.

Sau khi nghỉ hưu, anh đã ngỏ ý nhận lời dự án nào chưa?

- Lúc này tất cả mọi thứ đều đang trông chờ vào chữ duyên. Ăn có mời làm có khiến, nếu các bạn, các em có chương trình sân khấu mời mà tôi cảm thấy phù hợp với mình, tôi sẽ nhiệt tình tham gia.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 11.

NSƯT Phú Đôn: Về hưu vẫn còn nhiều trăn trở, nỗi lo - Ảnh 12.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem