“Tấm áo” mới đầy sức sống
Chúng tôi đến xã Tân Hương - một trong những địa phương phấn đấu cán đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2019. Dọc các con đường giao thông liên thôn, liên xóm được bêtông hóa sạch đẹp là những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát; đám trẻ nhỏ tíu tít cùng nhau đến trường; những cánh rừng một màu xanh ngát hay những lồng đầy ăm ắp cá, tôm… tất cả đã làm nên một diện mạo NTM.
Mô hình chăn nuôi dê của bà Triệu Thị Loan ( thôn Khe Mạ) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.H
"Là xã vùng ven hồ rộng lớn, đông dân cư, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 53%, trình độ dân trí chưa đồng đều; do đó, một trong những tiêu chí khó đạt tại Tân Hương là tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư và tiêu chí số 17 về môi trường. Qua khảo sát, nắm tình hình, toàn xã hiện còn 35 hộ còn nhà ở dột nát”.
Ông Nguyễn Văn Huê -
Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương
|
Ông Nguyễn Văn Huê - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương phấn khởi cho biết: "Mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để xảy ra tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích, từ đó, tạo sự lan tỏa trong nhân dân để họ hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong xây dựng NTM. Năm 2018, xã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn từ các chương trình, dự án đạt gần 33 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là 1,5 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí NTM”.
Nếu như cách đây vài năm, khái niệm NTM đối với những người dân nơi đây vẫn còn khá mơ hồ, khó hiểu thì giờ đây NTM là những gì gần gũi, thiết thực nhất như đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng, kênh mương thủy lợi được bêtông hóa; trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Thôn Loan Hương là minh chứng cho sự đổi thay nhờ xây dựng NTM. Thôn cách trung tâm xã chừng 3 cây số và cuộc sống của người dân nơi đây khoảng 5 năm về trước gặp biết bao khó khăn. Trước kia, chưa có nhà văn hóa, những buổi họp thôn, người dân phải đi họp nhờ nhà người dân. Vì họp nhờ, nên buổi đủ người, buổi vắng; do đó, những vấn đề của thôn khó bàn bạc, thống nhất; đồng thời, không có nhà văn hóa cũng thiếu chỗ cho người dân trong thôn sinh hoạt, hội hè... Thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng nhà văn hóa thôn, năm 2016, xã, thôn cùng nhân dân họp bàn thống nhất quan điểm là cần thiết phải xây dựng nhà văn hóa. Qua đó, người dân trong thôn mỗi hộ đóng góp 1,5 triệu đồng cùng ngày công lao động. Sau 2 tháng, nhà văn hóa thôn Loan Hương rộng trên 120m2 được hoàn thiện là minh chứng cho sự đoàn kết, đồng lòng của người dân.
Đổi thay từ lòng dân, ý Đảng
Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã Tân Hương khóa XXII, Đảng bộ xã đã có Nghị quyết chỉ rõ những việc cần làm ngay, cấp thiết, nhằm đưa xã cán đích NTM vào cuối năm 2019. Được sự quan tâm của Huyện ủy Yên Bình cùng sự nỗ lực, chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân, đến nay, xã Tân Hương đã đạt 14/19 tiêu chí NTM.
Trước những tiêu chí NTM chưa đạt được, Đảng bộ xã đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục. Đối với tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, cán bộ xã tích cực đến tận nơi tuyên truyền, vận động để các hộ đang ở riêng có thể về chung sống với ông bà, cha mẹ; giao trực tiếp cho mỗi tổ chức chính trị - xã hội phụ trách giúp đỡ ít nhất một hộ có nhà dột nát.
Xã Tân Hương hiện nay đã có 13.690m đường bêtông; 7/11 thôn có nhà văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 3 - 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22 triệu đồng năm 2014 lên 30 triệu đồng năm 2018…
Đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình bà Triệu Thị Loan ở thôn Khe Mạ mới thấy đời sống bà con được nâng lên rõ rệt. Bắt đầu chăn nuôi dê từ năm 2015, bà Loan luôn duy trì đàn dê từ 25 - 30 con để cung ứng cho thị trường, các nhà hàng tại thành phố. Bên cạnh đó, bà còn duy trì đàn lợn, đàn gà và trồng rừng 2 - 3ha, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Tân Hương sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên bước đường xây dựng quê hương giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.