Nữ công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được hỗ trợ chăm sóc, nuôi con nhỏ

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 30/11/2024 10:42 AM (GMT+7)
Mặc dù tiền lương tối thiểu vùng liên tục tăng qua các năm, nhưng đời sống công nhân, nhất là công nhân nữ ở các khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên do được cho là vì lao động nữ đang còn nặng gánh nuôi con.
Bình luận 0

Để tìm hiểu thêm về những đề xuất, kiến nghị cũng như giải pháp mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra để hỗ trợ công nhân, trong đó có nữ công nhân nuôi dạy con, phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Khảo sát mới đây của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy đời sống của một bộ phận lớn công nhân đang gặp khó khăn. Cá nhân bà nghĩ sao về điều này?

- Đúng là thực tế hiện nay phần đông người lao động có cuộc sống khá khó khăn. Trong 10 năm qua, các KCN, KCX đã không ngừng phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến cuối năm 2023, cả nước có 431 KCN tại 221 huyện, thị thuộc 59/63 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu lao động.

Nhóm công nhân, lao động tại khu công nghiệp chủ yếu là lao động trẻ nhập cư, mức sống thấp và thời gian làm việc kéo dài, thu nhập lại thấp. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong chăm sóc con cái cũng như lo nơi ăn học cho con. Nhiều công nhân phải gửi con vào các cơ sở tư nhân, nhưng chất lượng giáo dục tại các cơ sở này không đảm bảo, gây ra mối nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc bạo hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ nữ công nhân chăm sóc nuôi con nhỏ hiệu quả - Ảnh 1.

Bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ về Đề án hỗ trợ công nhân lao động trong KCN, KCX chăm sóc nuôi dạy con. Ảnh: NN

Nhận thức rõ điều này nên trong nhiệm kỳ này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động một loạt chương trình, chiến lược, đề án quan trọng, trong đó có "Đề án về hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trong việc chăm sóc và nuôi dạy con". Đề án hiện được giao cho Ban Nữ công thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu và triển khai.

Xin bà thông tin một số nét chính trong đề án hỗ trợ công nhân trong việc chăm sóc, nuôi dạy con?

Đề án này xác định rằng việc chăm sóc trẻ em con công nhân lao động là nhiệm vụ của công đoàn. Đề án đặt mục tiêu bao gồm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân và trẻ em, đồng thời xây dựng gia đình công nhân vững mạnh. Giải pháp chính là tăng cường tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, và triển khai các mô hình chăm lo thiết thực cho người lao động.

Theo khảo sát năm 2024 của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện tại 5 địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, TP HCM, Long An, tỷ lệ người lao động được hỏi có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/tháng chiếm 15.1%; 9,5% người lao động có thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng, trong đó 72,2% người lao động phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm và không đủ trang trải cuộc sống.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Nữ công sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, giám sát, và hỗ trợ công nhân thực hiện. Kinh phí thực hiện: Kinh phí được cấp từ tài chính công đoàn và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đề án lần này có đặt mục tiêu “Phấn đấu mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất có ít nhất 1 nhóm trẻ độc lập tư thục được công đoàn hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và các điều kiện đảm đảm chất lượng đối với nhóm trẻ độc lập tư thục.”

Ngoài ra đề án cũng tập trung chủ yếu vào các động chăm lo đoàn viên, người lao động. Xây dựng thêm các mô hình tư vấn công việc, đào tạo việc làm, tư vấn chương trình nuôi dạy con cho con em công nhân, người lao động.

Đề án này là một phần trong các giải pháp lâu dài để cải thiện đời sống cho công nhân lao động, đặc biệt là trong việc chăm sóc con cái của họ, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.

Nhiều chính sách hỗ trợ nữ công nhân chăm sóc nuôi con nhỏ hiệu quả - Ảnh 2.

Việc chăm sóc đời sống của con em công nhân góp phần giúp công nhân, lao động yên tâm làm việc. Ảnh: Hữu Quang

Với những người lao động làm việc tại KCN – KCX phải sống xa con, xa nhà, đề án có chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa bà?

- Trong đề án cũng đã đề ra mục tiêu, giải pháp để hỗ trợ công nhân lao động có thể cải thiện được điều kiện sống, cải thiện thu nhập để đón con lên ở cùng.

Có 4 giải pháp cụ thể là: Khuyến nghị tăng cường chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc bảo vệ trẻ em là con em công nhân lao động tại khu công nghiệp. Ví dụ như: Nghị Định 145, Nghị định 105 của Chính phủ, quy định các chính sách phát triển nhà trẻ mẫu giáo cho trẻ em công nhân có con học mẫu giáo...; thứ 2 là trực tiếp làm việc với người sử dụng lao động để cải thiện tiền lương, công việc của lao động, nhất là lao động nữ; giải pháp thứ 3 là đẩy nhanh việc thực hiện thiết chế công đoàn nhất vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo... tạo điều kiện để công nhân lao động thuê có chỗ ở ổn định, an toàn, có nơi cho các con học tập; thứ 4 trích quỹ tài chính công đoàn để hỗ trợ đồ dùng, đồ sinh hoạt, nhu yếu phẩm... cho lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nỗ lực kết hợp với nhiều bên từ chủ sử dụng; Chính phủ… để thương thảo, gửi kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng sống cho con, em công nhân. Nghị định 105 quy định đối tượng được hỗ trợ học phí chỉ khoanh vùng trong khu công nghiệp thôi, nhưng chúng tôi cũng đang đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ ra cả con công nhân làm việc ở các cụm công nghiệp, khu nghiệp...

Vậy Công đoàn Việt Nam đã có giải pháp như thế nào đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thiết chế công đoàn để có nhà ở giá rẻ bán hoặc cho thuê giúp người lao động yên tâm chăm sóc, nuôi dạy con?

- Vấn đề xây dựng nhà ở là một trong 4 mục tiêu lớn được đặt ra tại đề án. Để thực hiện giải pháp xây dựng nhà ở trong thiết chế công đoàn, chúng tôi căn cứ vào Quyết định 1729 năm 2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng thiết chế Công đoàn ở các khu công nghiệp, khu Chế xuất.

Để thực hiện mục tiêu này, Công đoàn cũng đã rất nỗ lực để làm việc với Chính phủ và chuẩn bị nguồn lực để đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn liên quan tới việc phê duyệt mặt bằng chuẩn bị xây dựng vì thời gian giải phóng mặt bằng khá lâu, phải mất từ 1-2 năm.

Dự kiến trong năm 2024- 2025, chúng tôi sẽ xây dựng Thiết chế Công đoàn tại 3 tỉnh là: Tiền Giang; Bến Tre; Bắc Ninh và sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh khác trong những năm tiếp theo. Hy vọng tới năm 2028, khi tổng kết đề án sẽ có thêm nhiều thiết chế công đoàn để cải thiện đời sống công nhân, lao động và giúp nhiều con em công nhân đi học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem