Một mẫu đăng ký thuê PG. (Ảnh chụp màn hình)
Từ cô gái quê mùa đến... PG nhậu thuê chuyên nghiệp
Thông qua một người trong nghề, chúng tôi tìm được và có cuộc trò chuyện với một cô gái tên Hồng Thắm. Thắm cho biết cô sinh năm 1993, quê ở Tiền Giang, trước kia từng là sinh viên nhưng hiện đã bị đình chỉ học tập.
Thắm chia sẻ: “Cách đây khoảng 2 năm, em lên Sài Gòn như một cô gái quê mùa, chẳng biết gì cả, mọi thứ còn lạ lẫm lắm. Học kỳ đầu, em làm thêm ở siêu thị nhưng làm nhiều mà lương thấp, chỉ làm được 2 tháng là em nghỉ, chuyển sang làm PG. Ban đầu cứ lo nghề này xấu, nhưng thấy công việc tử tế, hợp đồng đầy đủ nên em không suy nghĩ nữa. Sau vài lần theo mọi người đi ăn uống, nhậu nhẹt, thấy em uống được nên một anh trong công ty gợi ý đi uống bia thuê, tiền còn cao hơn”.
Từ đó, cô gái này bước chân vào nghề nhậu thuê. Cứ sau một ngày học tập, chiều về, Thắm lại tranh thủ sửa soạn để tới các quán nhậu theo lịch hẹn, có khi được khách hàng chạy “xế hộp” tới tận đầu hẻm đón đi. Ngày này qua ngày khác, những buổi ăn nhậu về khuya đã khiến cô gái trẻ phải bỏ mọi tiết học vào buổi sáng, kể cả đó là buổi thi. Hậu quả, vào giữa năm 2015, Thắm đã bị nhà trường tạm đình chỉ học tập vì nợ môn quá nhiều.
Mặc dù vậy, Thắm khẳng định mọi cuộc vui đều không bao giờ đi quá giới hạn. “Em uống được, có lúc uống nhiều thì thấy hơi mệt chứ em vẫn đủ tỉnh táo để về đến nhà an toàn. Thật ra em cũng có vài mẹo để uống bia không say, như ăn 2 viên phô mai trước khi vào cuộc nhậu khoảng 30 phút, nhưng bản chất người làm nghề này là phải uống được”, Thắm chia sẻ.
Thắm tiết lộ thêm, có thể ban đầu thỏa thuận với khách là 3 tiếng nhưng thực tế đã vào tiệc thì thời gian đó giảm đi hay tăng lên cũng không thành vấn đề. Cứ sau mỗi buổi nhậu, vừa được ăn uống no say, Thắm vừa nhận về khoảng 700.000 - 1 triệu đồng tiền công và thêm khoảng 200.000 - 500.000 đồng tiền bo tùy khách.
“Ơ, thu nhập cao vậy à em?”, PV đặt câu hỏi. Thắm “chậc” một tiếng rồi đáp lại: “Phải đánh đổi nhiều thứ lắm, từ sức khỏe tới việc học và cả tương lai. Mà theo nghề này có ai trụ được lâu. Mới đây có một chị sinh năm 1989 quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải bỏ nghề về quê sinh sống vì không còn sức khỏe mà ở Sài Gòn thì chẳng làm được gì khác”.
Nhiệm vụ của PG nhậu thuê là góp vui cho buổi tiệc, cao hơn là chuốc say đối tác của khách hàng của mình. (Ảnh minh họa)
Theo Thắm, cô may mắn vì tự nhiên đã có thể uống bia, rượu rất tốt, đã học xong phổ thông và vẫn mang “mác” sinh viên, kết hợp với ngoại hình ưa nhìn, ứng xử lanh lẹ nên gặp nhiều thuận lợi trong nghề nhậu thuê. “Theo em biết, có những chị vừa đi nhậu thuê vừa đi học bình thường, sau khi tốt nghiệp thì bỏ nghề, làm công việc khác ổn định hơn. Hồi trước em thường nói chuyện, đi ăn uống, mua sắm với chị kia tên Nga, chị ấy từng đi tiếp khách là người nước ngoài, nói tiếng Anh. Kèo đó chị Nga nhận về tổng cộng đâu cả 5 triệu đồng thì phải”, Thắm chia sẻ.
Nhậu thuê: Nghề đầy cám dỗ
Nhờ Thắm cho thông tin liên hệ, chúng tôi tiếp tục có một cuộc trò chuyện với chị Nga qua điện thoại. “Nghề này có rất nhiều thứ để nói nhưng gói gọn lại là tốt có, xấu có, ai không đủ bản lĩnh sẽ rất dễ sa ngã. Hồi còn làm nghề này, tôi lấy tên là Thy chứ không phải tên thật là Nga đâu. Tôi thấy phần lớn mấy bé đi nhậu thuê bây giờ đều xem đó là nghề, bỏ bê mọi thứ trong học tập, cuộc sống thì quá nguy hiểm”, chị Nga nói.
Chị Nga kể thêm: “Tôi không biết nghề nhậu thuê có vi phạm pháp luật gì không, nhưng nó khác nghề làm đào trong các quán bia, quán karaoke. Người ta thường tìm người nhậu thuê để tiếp đối tác, bởi họ quan niệm đàn ông chỉ nói chuyện với nhau trên bàn nhậu thì phải. Vậy nên, khách hàng thường là người tử tế, họ quan tâm tới đối tác làm ăn, cái hợp đồng trước mắt chứ không hẳn là cô gái mà họ thuê”.
Về vai trò của PG trên bàn nhậu, chị Nga cho biết, nhiệm vụ của người nhậu thuê là mời đối tác của khách hàng, chén anh - chén em sao đó cho khách hàng say khướt. Còn trong lúc ngồi trên bàn nhậu, phải nói chuyện khôn ngoan để xứng đáng với vị trí ảo là thư ký hay trợ lý của khách hàng.
Chị Nga cũng tâm sự rằng, nghề này có quá nhiều cạm bẫy. Chị tâm sự: “Nhậu vào ai lại không say, say rồi thì các hành động có thể sẽ đi quá giới hạn. Cái khó là ai làm gì mình thì mình cũng phải ứng xử rất rất khôn khéo, chứ không có chuyện hùng hổ lên đâu. Tôi muốn nhắn những ai nhậu thuê phải tự biết bảo vệ mình, chỉ một sai lầm có thể khiến ta ân hận cả đời”.
“Thời của tôi là vì gia đình quá khổ nên mới phải dấn thân. Không phải ngày nào cũng có tiệc, mà các khoản thu nhập ngoài lo cho bản thân, mỗi tháng còn phải gửi về quê 1 - 1,5 triệu đồng lo cho gia đình nữa”, chị Nga ngậm ngùi, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.