Nữ giáo viên trẻ đam mê làm thiện nguyện

Như Lực Chủ nhật, ngày 09/02/2025 13:13 PM (GMT+7)
Nhiều năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A3, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tranh thủ từng ngày nghỉ để lên kế hoạch, huy động tiền của, áo ấm, chăn màn, làm đường sá, kéo điện thắp sáng thôn bản… cho học sinh cũng như bà con ở các tỉnh miền núi khó khăn.
Bình luận 0

Tình yêu, tình thương trong hoạt động thiện nguyện

Cô Huyền đã có hơn 10 năm gắn bó với các hoạt động thiện nguyện. Cô giáo sinh năm 1993 không nhớ hết mình đã lội qua bao nhiêu con suối, trèo qua bao nhiêu con đèo mang áo ấm đến cho bao nhiêu học sinh trên cả nước.

Nữ giáo viên trẻ đam mê làm thiện nguyện- Ảnh 1.

Cô Huyền (áo tím)  trao quà từ thiện cho bà con dân tộc vùng núi khó khăn trong một chuyến từ thiện. Ảnh: NVCC

Năm 2024 nữ giáo viên trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền đã thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa mang giá trị nhân văn, giúp trẻ em, đồng bào vùng cao như: Dự án Mang ánh sáng về bản cấp 8.000m dây điện và chi phí lắp đặt, quà tết cho bà con xóm Lũng Rì (xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) với số tiền trị giá 346 triệu đồng; tổ chức cho học sinh gây quỹ Dự án trung thu cho em tặng quà cho 2 điểm trường mầm non Làng Mảnh và Giàng Pằng 37 triệu đồng; Hỗ trợ làm đường nội thôn với chiều dài 1,5km, chiều rộng 3m ở làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với số tiền 60 triệu đồng; Tặng quà cho lớp học do cô Chu Thị Tú Liên mở dạy miễn phí cho học sinh ở huyện Văn Chấn, Yên Bái với số tiền hơn 44 triệu đồng; Kết nối hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi bão Yagi ở huyện Trấn Yên và huyện Lục Yên (Yên Bái) với số tiền khoảng 190 triệu đồng; Tổ chức cho học sinh bán hàng gây quỹ cứu trợ lũ lụt ở Quảng Bình với số tiền khoảng 80 triệu đồng… Với những hành động đẹp này, cô Huyền đã nhận được nhiều thư cảm ơn, khen ngợi của các cấp chính quyền địa phương.

Chia sẻ về cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện, cô Huyền cho biết, năm 2014 khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã được tham gia nhiều phong trào thiện nguyện của trường như phong trào hiến máu cứu người, chương trình mang áo ấm cho trẻ em vùng cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. 

Qua đó, cô Huyền cảm nhận được sự khó khăn, thiếu thốn của trẻ em, bà con dân tộc miền núi, từ việc các em học sinh không có áo ấm đến trường, không có điện để sinh hoạt, không có thịt để ăn, không có chăn ấm để đắp… tất cả đã dấy lên tinh thần "tương thân, tương ái" trong cô.

Sau mỗi chuyến thiện nguyện, cô Huyền lại ao ước làm sao để trẻ em vùng núi có nhiều bữa cơm có thịt hơn nữa. Ý nghĩ này khiến cô trăn trở trong từng "miếng ăn, giấc ngủ". Năm 2016, Huyền một mình đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo, bánh kẹo và tiền để tổ chức trao quà tết cho học sinh tại điểm Trường Tiểu học Na Hối (Lào Cai).

Sau chuyến thiện nguyện này, cô Huyền rất vui mừng. Mừng vì bản thân mình giúp được nhiều em học sinh có cái tết ấm no hơn trước, và mừng hơn nữa là bản thân có kinh nghiệm hơn trong việc làm thiện nguyện.

"Một mình đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ em thấy hơi vất vả, nhưng sau mỗi chuyến thiện nguyện em thấy trẻ em, bà con dân tộc vùng cao còn nhiều thiếu thốn, thiệt thòi quá. Càng nghĩ càng thương các em, đây cũng là động lực để em thực hiện những chuyến thiện nguyện khác. 

Nhiều lúc trao quà cho các con học sinh em lại không kìm được nước mắt, mọi người hỏi vì sao lại khóc? Em khóc vì vui mừng, vì mình đã cống hiến được một phần sức lực nhỏ bé cho xã hội…"- cô Huyền nói.

Nữ giáo viên trẻ đam mê làm thiện nguyện- Ảnh 3.

Cô Huyền (thứ 3 từ trái) trong chuyến đi giám sát công tác làm đường nội thôn dài 1,5km ở làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Ảnh: NVCC

Theo cô Huyền, công việc thiện nguyện thường diễn ra ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi hẻo lánh, nơi dân cư thưa thớt, nên nếu không có "tình yêu" thì không thể gắn với hoạt động thiện nguyện. 

Những buổi cuối tuần cô lại bận bịu với những chuyến xe đò đi lên các tỉnh miền núi để khảo sát các vùng khó khăn, lên kế hoạch kêu gọi thiện nguyện. Hoặc những ngày nghỉ đó, cô lại "tay xách, nách mang" đồ đạc đưa đến các vùng khó khăn.

"Nếu không có sự đồng cảm, không có tình yêu thì không thể làm được công tác thiện nguyện…" - cô Huyền chia sẻ.

Hậu phương hết lòng ủng hộ

Anh Nguyễn Thanh Tùng (chồng chị Huyền) chưa bao giờ phàn nàn việc vợ mình đi làm việc "vác tù và hàng tổng". Anh luôn động viên vợ cố gắng làm tốt hơn nữa hoạt động thiện nguyện để mang lại nhiều hạnh phúc đến cho trẻ em, người nghèo vùng sâu vùng xa.

Bà Nguyễn Thị Phán (mẹ chồng chị Huyền) - được mệnh danh là người cứu cánh cho Huyền trong những chuyến thiện nguyện, từ công việc nội trợ ở nhà đến việc góp tiền cho công tác từ thiện. 

Bà Phán luôn động viên chị Huyền cố gắng thực hiện được nhiều chuyến thiện nguyện giúp các trẻ em và người dân tộc miền núi thiếu thốn. Gần như những thiện nguyện nào của con dâu, bà Phán cũng giành một phần tiền ủng hộ. Những hôm biết Huyền phải dậy sớm đi xe khách đi từ thiện bà Phán lại dậy đồ xôi, làm thức ăn cho con và đoàn. 

"Tôi rất vui mừng khi có cô con dâu vừa ngoan hiền, vừa hiếu thảo như Huyền. Ở nhà Huyền luôn sắp xếp, lo toan mọi việc đâu ra đấy, những hôm Huyền vắng nhà, tôi lại cố gắng chăm sóc 2 cháu nhỏ để động viên Huyền dành thời gian cho hoạt động thiện nguyện…"- bà Phán nói.

Vợ chồng cô Huyền sở hữu nhà hàng Cuốn Sinh ở Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội). Hàng tháng cô Huyền luôn trích ra một khoản lợi nhuận của nhà hàng để đi làm thiện nguyện. Có những lần cả nhà hàng lại tổ chức mang thực phẩm đến một số điểm trường khó khăn nấu cơm.

"Em rất vui vì có mẹ chồng, có chồng luôn hết lòng yêu thương, tạo điều kiện cho em làm thiện nguyện. Nhiều lần đi từ thiện con ốm, mẹ và chồng em lại động viên em không phải lo lắng cứ toàn tâm cho công việc, nhưng không lo sao được anh. Lo lắm, nhưng cũng vững tin hơn khi có mẹ và chồng chăm con anh ạ!", cô Huyền chia sẻ.

Bên cạnh sự sẻ chia, đồng hành của gia đình, theo cô Huyền còn có sự đồng hành rất lớn của các nhà hảo tâm là các thầy cô giáo Trường THCS Đoàn Thị Điểm và các phụ huynh… Cả sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất. 

"Khi khảo sát các điểm trường thiếu điện, thiếu đường, em lại kêu gọi trên các nhóm mạng xã hội và các thầy cô cùng các phụ huynh trong trường. Điều làm em vui mừng khôn xiết là được thầy cô và phụ huynh ủng hộ rất nhiệt tình. Có những dự án tưởng chừng như không làm được, nhưng sau khi kêu gọi các nhà hảo tâm là phụ huynh ủng hộ nhiệt tình, số tiền quyên góp được nhiều nên dự án cũng suôn sẻ…", cô Huyền nói.

Để khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái ở các em học sinh, hàng năm cô Huyền thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện cho học sinh trong lớp. 

"Con học lớp cô Huyền chủ nhiệm tôi rất an tâm, con không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy cả kỹ năng sống. Cô Huyền thường lên kế hoạch đi phát quà từ thiện như thăm các em bé điều trị tại Bệnh viện Nhi, trung tâm bảo trợ, hay làng chài, khi có kế hoạch cô sẽ phát động các con vẽ tranh bán, hay như làm vòng tay bán hàng để gây quỹ… 

Các con được trải nghiệm thực tế từ việc làm ra sản phẩm đến việc bán hàng kiếm tiền và tự tay đi trao những phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn", một phụ huynh có con học tại lớp 8A3 chia sẻ.

Số tiền kêu gọi ủng hộ từ thiện luôn được cô Huyền công khai, cô thường tổng hợp chi tiết danh sách mạnh thường quân ủng hộ và các kế hoạch mua sắm đồ làm từ thiện. Do vậy, các hoạt động từ thiện cô kêu gọi luôn nhận được sự tin yêu của các nhà hảo tâm. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem