Nữ giới dân tộc thiểu số thiệt thòi trăm bề

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 08/04/2016 06:08 AM (GMT+7)
Theo một điều tra mới đây, phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là những đối tượng phải chịu rất nhiều thiệt thòi như bị lạm dụng tình dục, thất học, tảo hôn, bị đánh đập... mà nguyên nhân sâu xa là do bất bình đẳng giới.
Bình luận 0

Nghỉ học lấy chồng từ thuở 15

Em Sùng Thị Vừ ở xã Sủng Thài, huyện Yên Minh (Hà Giang) năm nay mới 18 tuổi nhưng đã có 2 mặt con, đứa lớn 3 tuổi, đứa bé hơn 1 tuổi. Vừ cho biết, nhà nghèo, lại đông con (4 trai 2 gái) nên chị gái Vừ học hết lớp 5 thì nghỉ để đi làm nương rẫy với bố mẹ, 15 tuổi thì lấy chồng. Nhà không có người làm nên bố mẹ bắt Vừ nghỉ học khi vừa vào cấp 2 để nhường cho 4 em trai đi học tiếp. “Con gái học nhiều để làm gì, thế là em nghỉ học, 15 tuổi cũng lấy chồng rồi sinh con như chị gái. Ở bản hầu như đứa nào cũng thế, con gái luôn phải nghỉ học sớm để ưu tiên cho các anh em trai” – Vừ kể.

img

Phụ nữ và trẻ em gái vùng cao, vùng DTTS chịu sự bất bình đẳng giới rất lớn (ảnh minh họa). Ảnh: T.A

Tới đây, 387.196 giáo viên tiểu học, 468.282 giáo viên trung học và 200.000 giáo sinh trên toàn quốc sẽ được tham gia khóa học về lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong giáo dục.

Câu chuyện của Vừ không phải là cá biệt, mà là tình trạng khá phổ biến ở những vùng sâu, xa, vùng DTTS - nơi hầu hết phụ nữ, trẻ em gái bị thiệt thòi hơn so với nam giới. Bà Trần Thị Phương Nhung – Giám đốc Chương trình về giới của Tổ chức  Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), tại Hà Nội cho biết: “Trẻ em gái và phụ nữ ở nông thôn, miền núi vẫn bị ràng buộc bởi các phong tục, tập quán. Đáng lo ngại là nạn tảo hôn ở trẻ em gái và DTTS vẫn phổ biến ở những khu vực này, khiến tỷ lệ trẻ em gái bỏ học, thất học nhiều”.

Bất bình đẳng ngay trên sách vở

Không chỉ bất bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội, phụ nữ và trẻ em gái còn bị đối xử thiếu công bằng ngay cả trong… sách vở. GS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, dân số, môi trường và những vấn đề xã hội, đại diện Ban đổi mới chương trình và sách giáo khoa cho rằng, trong sách giáo khoa có rất nhiều hình ảnh gây bất bình đẳng. “Trong 3 cuốn sách mà chúng tôi khảo sát là sách tự nhiên xã hội lớp 1, giáo dục công dân lớp 6 và lớp 10 có rất nhiều bài viết, hình ảnh mang nặng định kiến giới như khi nói về việc lau nhà, rửa bát, đi chợ thì vẽ hình ảnh mẹ và con gái; việc đá bóng, vi phạm luật giao thông thì thường là hình bé trai và bố. Hay trong sách văn học, các câu ca dao tục ngữ nói về thân phận hẩm hiu, khổ sở của phụ nữ quá nhiều...” – ông Thịnh nói.

img

Nguồn: Điều tra của Tổng cục Thống kê về hiện trạng mù chữ theo độ tuổi của phụ nữ ở 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2014-2015.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nhung cho rằng, việc bất bình đẳng trong sách vở sẽ tác động mạnh đến nhận thức của các em học sinh, theo thời gian nó trở thành định kiến. Đây chính là nguồn gốc mà ngành giáo dục cần nhìn nhận và điều chỉnh, góp phần thay đổi, cải thiện nhận thức về bình đẳng giới ở thế hệ trẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem