Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 9/7, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chiều 7/7 bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân B. (18 tuổi, trú Nghệ An) dương tính với bệnh bạch hầu.
Theo ông Cấp, rất may mắn khi tại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ đã điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
"Do chưa có tình trạng biến chứng nên bệnh nhân đã nhanh chóng được điều trị ổn định và được chuyển về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi", ông Cấp thông tin.
Theo ông Cấp, những năm gần đây, bệnh viện vẫn tiếp nhận ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới. Năm 2023, bệnh viện cũng tiếp nhận một số bệnh nhân tại tỉnh Hà Giang, Điện Biên, phần lớn ca mắc nhẹ.
Sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
"Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở. Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…", ông Cấp thông tin.
Thông tin từ UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa thông tin có 8/15 mẫu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang gửi có kết quả âm tính.
Trước đó, ngày 7/7, CDC tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa lấy mẫu 8 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1). Trong đó, lực lượng chức năng lấy mẫu lần 2 đối với nữ sinh M.T.S. (một trong hai người chung phòng với nạn nhân tử vong do bệnh bạch hầu) và lấy mẫu lần 1 với các F1 khác.
Chiều 8/7, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 7 F1 khác để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm (chưa có kết quả).
Trước đó, huyện Hiệp Hòa ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bạch hầu là M.T.B. (18 tuổi, quê huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), tạm trú trên địa bàn chung phòng với nạn nhân P.T.C. đã tử vong. Người này đã được chuyển ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) để điều trị.
Trước đó, ngày 1/7, hai nữ sinh M.T.S. và M.T.B. bắt xe từ huyện Kỳ Sơn đến huyện Hiệp Hòa và làm việc tại quán karaoke có tên Quán Lá.
Từ ngày 2 đến 5/7, hai cô gái này đến 4 quán karaoke tại các xã Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa) và quán karaoke 1990 ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Thời gian có mặt từ 19h30 đến 23h.
Khi biết bạn cùng phòng tử vong do mắc bạch hầu, lại có biểu hiện đau họng, hai cô gái này chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua cũng không nên quá hoang mang.
"Hiện bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, giúp phòng tránh nguy cơ phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác", ông Phu nhấn mạnh.
Theo ông Phu, để phòng bệnh bạch hầu, quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine. Hiệu lực bảo vệ của vaccine bạch hầu khoảng 10 năm. Sau 10 năm hiệu lực của vaccine giảm dần, có những người sau thời gian nhiều hơn mới sụt giảm. Vì thế người dân cần tiêm nhắc lại vaccine sau 10 năm để phòng bệnh. Ngoài ra, sau khi nhiễm bệnh bạch hầu vẫn có nguy cơ mắc bệnh lại, vì vậy người dân không nên chủ quan, cần chú ý phòng tránh bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.