dd/mm/yyyy

Nửa đêm theo nông dân Đức Thọ đi bắt cáy bờ sông La

Vào khoảng 2-3h sáng, khi thủy triều sông La xuống thấp, là lúc người dân thôn Vĩnh Đại, xã Đức Vĩnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh) ra bờ sông bắt cáy.

Đi săn cáy không chỉ kiếm thêm thu nhập, mà còn góp phần lưu giữ một nghề truyền thống của người dân ven sông La.

Khi thủy triều trên sông La xuống kiệt cũng là lúc người dân thôn Vĩnh Đại đi đặt bẫy bắt cáy.
Khi thủy triều trên sông La xuống kiệt cũng là lúc người dân thôn Vĩnh Đại đi đặt bẫy bắt cáy.

Có dịp được cùng chị Lữ Thị Hồng Trinh (thôn Vĩnh Đại) ra bãi bồi ven sông La để bắt cáy, chúng tôi mới cảm nhận được cái nghề hết sức thú vị này.

Trông những con cáy đang cố thoát ra ngoài chiếc bẫy được người dân tận dụng từ những chiếc chai nhựa rất vui mắt.

Địa điểm thích hợp nhất để đặt bẫy bắt cáy là dọc các triền sông, bờ ruộng và bờ kênh có nước lên xuống.
Địa điểm thích hợp nhất để đặt bẫy bắt cáy là dọc các triền sông, bờ ruộng và bờ kênh có nước lên xuống.

Chị Lữ Thị Hồng Trinh cho biết: "Thời điểm thích hợp nhất để đặt bẫy bắt cáy là vào khoảng 2 - 3h sáng, bởi lẽ thời điểm này cáy bắt đầu đi kiếm ăn, đến khoảng 7 - 8h sáng là đi thu bẫy, nếu để quá trưa khi nắng lên con cáy sẽ bị chết.

Chiếc bẫy được người dân tận dụng từ chai nhựa có thể bắt được từ 3-5 con cáy.
Chiếc bẫy được người dân tận dụng từ chai nhựa có thể bắt được từ 3-5 con cáy.

Bắt cáy là nghề truyền thống, nghề phụ của người dân nơi đây, đã lưu giữ từ nhiều đời nay, mỗi đêm một người đặt khoảng 500 cái bẫy và bắt được từ 5-7 kg cáy.

Người dân đặt bẫy để nhử cáy.
Người dân đặt bẫy để nhử cáy.

Mùa cáy chỉ rộ lên từ tháng 4 đến tháng 8, khi gió Lào lên. Cáy sống chủ yếu ở các bờ ruộng, bờ sông, bờ kênh, hay bãi bồi ven sông. Ngày nắng càng to, thì đêm tối cáy bò ra đi tìm thức ăn càng nhiều.

Có rất nhiều kiểu săn cáy khác nhau. Người thì đào hang, người đi soi đèn bắt vào ban đêm, hay dùng chai nhựa cắt phần đầu, dùng mồi nhử bằng cám gạo rang thành thính trộn với mắm tôm bỏ vào chai rồi đặt rải rác dọc bờ sông. Trong lúc bò lên miệng chai để ăn mồi, con cáy sẽ bị rơi xuống và nằm gọn trong chai.

Tuy nhiên, theo người dân ở đây cho biết, cũng không dễ mà bắt được loài nổi tiếng “nhát” này. Chỉ cần thấy có động nhẹ thì cáy đã nhanh chóng chui tọt xuống hang.

Trên cả những mảnh ruộng đã thu hoạch cũng có thể đặt bẫy để bắt cáy.
Trên cả những mảnh ruộng đã thu hoạch cũng có thể đặt bẫy để bắt cáy.

Mặc dù phải vất vả đi săn bắt cáy vào thời điểm nửa đêm về sáng, giờ mà ai cũng đang say giấc ngủ, nhưng bù lại, trong khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, mỗi người có thể bắt được từ 5 đến 7 kg cáy, bán với giá dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg. Đây được xem là nguồn thu nhập tương đối khá đối với bà con nông dân.

7 - 8 giờ sáng là thời điểm thích hợp nhất để đi thu bẫy cáy.
7 - 8 giờ sáng là thời điểm thích hợp nhất để đi thu bẫy cáy.

Anh Nguyễn Văn Lạc, thôn Vĩnh Đại, xã Đức Vĩnh cho biết: "Tôi làm nghề bắt cáy được gần chục năm rồi, mỗi đêm bình quân được khoảng vài ba trăm nghìn, lúc nhiều có thể kiếm được 4 đến 5 trăm ngàn đồng.

Sau mỗi đêm đặt bẫy có thể bắt được từ 5-7 kg cáy.
Sau mỗi đêm đặt bẫy có thể bắt được từ 5-7 kg cáy.

Cũng như cua đồng, cáy là loại thực phẩm có tính mát, thường được dùng để nấu canh ăn vào mùa hè. Đặc biệt, cáy xay nhuyễn, trộn lượng muối, nước vừa đủ, rồi đem phơi nắng khoảng 10 ngày sẽ cho ra mắm cáy, ruốc cáy, một thứ nước chấm vừa ngon, vừa bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng.

Cáy được thương lái thu mua tận nhà với giá từ 40 đến 60.000/1kg tùy vào ngày cáy nhiều hay ít.
Cáy được thương lái thu mua tận nhà với giá từ 40 đến 60.000/1kg tùy vào ngày cáy nhiều hay ít.
Người thu mua làm giá cho cáy leo, tránh tình trạng cáy dẫm đạp lên nhau mà chết.
Người thu mua làm giá cho cáy leo, tránh tình trạng cáy dẫm đạp lên nhau mà chết.

Ông Trần Văn Thi, Trưởng thôn Vĩnh Đại cho biết: "Nghề bắt cáy mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Hiện chúng tôi đang đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng mô hình OCOP: mắm cáy, ruốc cáy, ruốc rươi để góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời lưu giữ một nghề truyền thống của người dân ven sông La.

Đức Phú