Nước Pháp tham lam, gây nên cuộc chiến thế kỷ tại Việt Nam

Thứ tư, ngày 27/09/2017 20:40 PM (GMT+7)
Thỏa thuận Hồ Chủ tịch – Sainteny, dù không được như phía Việt Minh mong muốn, nhưng đây là một hiệp định khung mà từ đó có thể mở đường đi tới một quan hệ sống động và tích cực giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nếu nó được tạo điều kiện thuận lợi"…
Bình luận 0

Tập hợp các tài liệu nước ngoài của những nhà nghiên cứu Mỹ và Pháp, dịch giả Lê Đỗ Huy đã cho chúng ta nhìn nhận đa chiều hơn về Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và nước Pháp, với người đại diện là Cao ủy Pháp tại Đông Dương, ông Sainteny. Nước Việt Nam non trẻ muốn có thêm thời gian củng cố lực lượng và tránh phải đối đầu với 2 kẻ thù cùng lúc. Trong khi đó, nước Pháp có quá nhiều tham vọng chiếm lại Đông Dương. Cơ hội hòa bình đã bị bỏ lỡ. 9 năm sau đó, với thất bại toàn diện ở Điện Biên Phủ, người Pháp mới nhận ra sai lầm của mình.

img

Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Bourget, Paris (22-6-1946).

Vẫn các tài liệu mật của Mỹ viết:

Hồ Chí Minh là người tạo nên ấn tượng mạnh nhất tại cuộc mít tinh nhằm giải thích Hiệp định Việt – Pháp này. Ông đã chỉ ra rằng dù Việt Nam giành được độc lập từ tháng 8.1945, nhưng chưa có nước nào xác lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải, Hiệp định 6.3 sẽ mở đường cho sự công nhận của quốc tế, đồng thời hạn chế lực lượng của Pháp ở Việt Nam ở mức 15 ngàn quân, với thời hạn (đóng quân của Pháp) là 5 năm.

Tuy nhiên, vì Hồ Chủ tịch đã đặt uy tín cá nhân vào bước đi này (hòa hoãn với Pháp), nên vị lãnh tụ của Việt Nam đã kết thúc các luận chứng trên của mình bằng câu: "Tôi, Hồ Chí Minh, đã cùng với đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước".

Nếu Hiệp định 6.3 đối với Việt Minh là một Hiệp định Brest – Litovsk, nó lại được Cao ủy Pháp, Đô đốc d’Argenlieu và những kẻ theo chủ trương chiếm lại Đông Dương của de Gaulle xem là một Hiệp ước Munich.

Dù một cách chính thức, viên đô đốc Pháp này chấp thuận và đề cao Hiệp định 6.3, nhưng trong nội bộ (người Pháp) ông ta lại tỏ một thái độ hoàn toàn khác.

Ngày 8.3, gần 1 tuần trở về sau khi đi Pháp nhận chỉ thị, d’Argenlieu đã nói với tướng Valluy, người được Leclerc cử đến để thông tin với viên Đô đốc này về việc quân Pháp đổ bộ xuống Hải Phòng (theo Hiệp định 6.3): “Tôi rất kinh ngạc, khi thấy nước Pháp có một đạo quân viễn chinh tuyệt vời tại Đông Dương, vậy mà các tư lệnh Pháp của đạo quân này lại muốn đàm phán hơn là chiến đấu”…

Gây cuộc chiến thế kỷ

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam dự hội nghị ở Fontainebleau.

Giáo sư Spencer Tucker viết tiếp trong sách Việt Nam: Lịch sử chiến tranh, về tiến trình “hậu Hiệp định 6.3”:

Thỏa thuận Hồ Chủ tịch – Sainteny, dù không được như phía Việt Minh mong muốn, nhưng đây là một hiệp định khung (framework) mà từ đó có thể mở đường đi tới một quan hệ sống động và tích cực giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nếu nó được tạo điều kiện thuận lợi"…

Để thương thảo nhằm thực hiện tạm ước 6.3, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn một đoàn đại biểu sang Pháp. Nhưng khi đoàn tới nơi, chính phủ Pháp vừa sụp đổ, và phải mất hàng tuần để thành lập một chính phủ mới.

Cùng thời điểm đó, ngày 1.6.1946, sau khi Hồ Chí Minh lên đường sang Paris, cao ủy Pháp d’Argenlieu đã phá tan những gì mà Sainteny vừa đạt được. Ông ta ra tuyên bố tại Sài Gòn về một “Cộng hòa Nam Kỳ”…

Với một thứ “cộng hòa độc lập như vậy”, đã không còn cần đến một cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở Nam Bộ. Hồ Chủ tịch đã tức giận nói với Salan, người tháp tùng ông sang Pháp: “Các người vừa ngụy tạo ra một ‘Alsace – Lorraine’ nữa và chúng ta đã bị đẩy vào ‘Cuộc chiến tranh trăm năm” (The Hundred Years’ War).

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị giáng một đòn nữa khi các Đảng viên xã hội Pháp bị mất ghế trong cuộc bầu cử tháng 6, còn những người cộng sản trong chính phủ lại tỏ lòng ái quốc (ý nói muốn duy trì Khối liên hiệp Pháp với Đông Dương là thuộc địa).

img

Quang cảnh Hội nghị Fontainebleau.

Kết quả là tại Hội nghị Fontainebleau từ tháng 7 đến tháng 9, Paris đã không đưa ra nhượng bộ nào đối với những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc.

Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đàm phán, về sau là thủ tướng Việt Nam, nhớ lại rằng Max André, Trưởng đoàn Pháp, từng bảo ông, “Chúng tôi chỉ cần một chiến dịch tảo thanh thông thường trong dăm bảy ngày là đủ quét sạch hết các vị”.

Toàn bộ công tác của hội nghị gói lại vẻn vẹn một sơ thảo hiệp định với hướng tăng cường quyền lợi kinh tế của Pháp ở phần phía Bắc của đất nước, mà không đả động đến giải pháp cho Nam Kỳ. Hồ Chủ tịch đã lệnh cho phái đoàn Việt Nam về nước.

Dù còn những ý kiến khác về điểm này, Hồ Chí Minh hẳn đã là người theo chủ nghĩa dân tộc trước khi trở thành người cộng sản. Nhà văn David Halberstam đã mô tả Hồ Chí Minh là “có một chút Gandhi, một chút Lenin, nhưng trăm phần trăm Việt Nam”.

Đất nước Việt Nam đã có lịch sử lâu đời đấu tranh chống (sự bành trướng của) giặc ngoại xâm phương Bắc. Tháng 9.1946 ấy, Hồ Chí Minh rời Paris tay không, và tràn ngập dự cảm về sự bùng nổ sớm của cuộc chiến…”

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem