Nước sông Đà nhiễm dầu: Tiếng nói của người tiêu dùng quá bé

23/10/2019 15:48 GMT+7
Đề cập đến câu chuyện vai trò hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trong vụ việc nguồn nước sông Đà nhiễm dầu, ông Nguyễn Hồng Dương chia sẻ, ở đây "tiếng nói" của người tiêu dùng quá bé, đại diện người tiêu dùng nên đứng lên để phản ánh.

Phát ngôn của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà khi trả lời báo chí bên lề Kỳ họp Quốc hội, chiều 22/10, cho rằng: "Buôn bán thuốc giả thì đi tù và với việc cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét... hay các cơ quan thi hành pháp luật sẽ thực hiện đang được dư luận quan tâm.

Liên quan tới vấn đề này trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Dương, chuyên gia Cấp nước an toàn- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho biết: "Theo quy định, trách nhiệm quản lý được phân công cho từng đơn vị, việc này phức tạp rất nhiều"

"Tuy nhiên vai trò nhạc trưởng chính là cơ quan quản lý nhà nước, tại các địa phương là UBND cấp tỉnh, nếu phạm vi liên tỉnh liên tỉnh thì cơ quan quản lý Trung ương phải tham gia vào. Theo quy chuẩn bộ y tế, chất lượng được quản lý dựa trên 109 chỉ tiêu, có những nhóm chỉ tiêu phải kiểm tra hàng ngày, có nhóm kiểm tra 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng… một lần", ông Nguyễn Hồng Dương cho hay.

Nước sông Đà nhiễm dầu: Tiếng nói của người tiêu dùng quá bé - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Dương.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, trong quá trình vận chuyển phân phối có khoảng thời gian nguồn nước không được kiểm tra, các đơn vị tiếp nhận nước nhưng không có xử hay kiểm tra trừ khi có khiếu nại của khách hang. Rõ ràng ở đây là dự quản lý lỏng lẻo, tại nhiều quốc gia, họ có có hệ thống quản lý online, chất lượng nước dao động theo biểu đồ hàng ngày để cơ quan nhà nước quản lý.

Đề cập đến câu chuyện vai trò hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trong vụ việc này, ông  Nguyễn Hồng Dương chia sẻ: "Ở đây "tiếng nói" của người tiêu dùng quá bé, đại diện người tiêu dùng nên đứng lên để phản ánh".

"Ở các nước khác Hiệp hội người tiêu dùng sẽ đứng lên đòi quyền lợi của mình. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có chứng từ ví dụ như Hội người tiêu dùng đem mẫu đi phân tích ngay khi phát hiện nước có mùi, chứ không phải đợi Công ty nước đem đi kiểm chứng. Hiệp hội người tiêu dùng đang rất yếu, là 1 trong 3 chủ thế (người tiêu dùng, công ty cấp nước và chính quyền), thế nhưng người tiêu dùng đang không dám đứng lên nói lên tiếng nói của mình", ông Nguyễn Hồng Dương nêu rõ vai trò của Hiệp hội người tiêu dùng.

Trong khi đó, Kỹ sư Trần Quang Hưng - Chuyên gia cao cấp ngành nước lại cho rằng: "An ninh nguồn nước là 2 vấn đề được gộp lại: An ninh nguồn nước và an toàn cấp nước. Trong đó, an ninh nguồn nước là đảm bảo sự trong sạch, phân phối nước từ đầu nguồn. Đối với nước ta, phần lớn các con sông lớn đều bắt nguồn từ nước ngoài, chính bởi vậy việc đảm bảo nguồn nước như thế nào được trong sạch là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của địa phương. Chính bởi vậy, việc nước sông Đà bị nhiễm dầu vừa qua thuộc về trách nhiệm của cả tỉnh Hòa Bình, chứ không riêng gì công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco)".

Theo Kỹ sư Trần Quang Hưng, an ninh nguồn nước là nói đến sự chặt chẽ giữa các địa phương, các bộ và các cấp chính quyền. An toàn cấp nước đây là lĩnh vực của từng địa phương. Sau này chính phủ đã có chương trình quốc gia về cấp nước an toàn, liên tục có những văn bản thông tư về cấp nước an toàn.

Vậy nên cấp nước an toàn là làm sao tổ chức được hệ kiểm soát chặt chẽ từ đầu nguồn đến người tiêu dùng, luôn luôn đảm bảo tính chất của nước sạch, phát hiện ra bất cứ các nguồn ô nhiễm và các biện pháp xử lý kịp thời.

"Việt Nam đã làm rất tốt việc cấp nước an toàn cho các tỉnh như: Vũng Tàu, Bình Dương… nhưng riêng Hà Nội, cách thực hiện không được chặt chẽ như các địa phương khác", Kỹ sư Trần Quang Hưng nhấn mạnh.

Nói đến trách nhiệm của đơn vị cấp nước, Kỹ sư Trần Quang Hưng nhìn nhận vấn đề: "Đúng là Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân. Nạn nhân là nguồn nước của các anh bị người khác đổ trộm chất thải. Còn nguyên nhân là khi có chất độc hại Công ty xử lý rất vội vàng, thiếu thông minh, để cho nó xâm nhập cả 1 hệ thống, vẫn không biết, vẫn bảo là nước sạch được đảm bảo. Cho đến khi người dân kêu lên thì mới biết.

"Công ty cần phải biết nguyên nhân tại sao bị ảnh hưởng. Chính bởi vậy việc đầu tiên cần xin lỗi và vào cuộc ngay với chính quyền để tìm nguyên nhân. Đó chính là ý thức của doanh nghiêp và với ý thức này rất kém. Chính bởi vậy chúng ta phải chỉnh lại toàn bộ công tác từ sản xuất nước và phân phối", Kỹ sư Trần Quang Hưng cho biết.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội về việc người dân có thể kiện Viwasupco vì cung cấp nước bẩn và đơn vị này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà là sự cố rất hy hữu, gây tác hại hết sức nghiêm trọng đến môi trường nguồn nước và sức khoẻ người tiêu dùng. Vụ việc này là "cảnh báo đỏ" về vấn đề quản lý an ninh nguồn nước. Hiện chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý họ.

Đối với một doanh nghiệp đưa các sản phẩm bẩn mà ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trong trường hợp này là thương mại về nước, kinh doanh nước, cung cấp dịch vụ sản phẩm là nước mà biết nước ô nhiễm vẫn cung cấp thì đối với các hộ sử dụng nước là một bên hợp đồng, có những thỏa thuận, họ có thể kiện.

Về góc độ sức khỏe của người dân, khi cung cấp sản phẩm ra thị trường mà sản phẩm đó bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có thể xem xét xử lý. Chẳng hạn buôn bán thuốc giả thì đi tù và với việc cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể.

Thế Anh
Cùng chuyên mục