Nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam doanh thu 20 - 25 tỷ đồng/ha, nông dân miền núi giàu lên hẳn
Nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam doanh thu 20 - 25 tỷ đồng/ha, nông dân miền núi giàu lên hẳn
Mùa Xuân
Thứ sáu, ngày 29/11/2024 18:42 PM (GMT+7)
Trong 2 ngày (28 - 29/11), tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề Phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững tại các tỉnh phía Bắc.
Nghề nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh, đem lại thu nhập hấp dẫn
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; lãnh đạo Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái cùng đông đảo các hộ dân nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Báo cáo tại diễn đàn về hiện trạng sản xuất, tiêu thụ, giải pháp nuôi cá nước lạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Tại Việt Nam, từ năm 2004, 2005 cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), tỉnh Lào Cai.
Khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh, năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn.
Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn. Sản lượng cá tầm nuôi trong nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.966 tấn, riêng tỉnh Lào Cai đạt 665 tấn.
Thời gian đầu, thức ăn sử dụng cho cá nước lạnh chủ yếu được nhập khẩu từ các nước châu Âu (khoảng 80%). Để hạ giá thành sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất thức ăn hiện đại trong nước.
Hiện tại thức ăn sản xuất trong nước đã cung cấp được khoảng 95% cho nhu cầu của người nuôi cá nước lạnh (chỉ còn phải nhập khẩu cám cho cá ương và cá giống).
Đến nay, có 16 doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho cá tầm và 7 doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho cá hồi. Bên cạnh đó, đã có 43 mã số thức ăn cá tầm và 18 mã số thức ăn cá hồi được kê khai đăng ký trên cơ sở dữ liệu của Cục Thuỷ sản.
Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam vẫn chủ yếu tiêu thụ ở dạng cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua các khâu chế biến sâu. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như: Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh…
Phát biểu tại diễn đàn, bà Đào Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai thông tin: Lào Cai có điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng nguồn nước lạnh phong phú, có nhiều vùng sinh thái để phát triển nuôi trồng thủy sản nước lạnh.
Đặc biệt, với nền nhiệt độ trung bình từ 10-22 độ C, Lào Cao có điều kiện lý tưởng để phát triển các mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Một thuận lợi nữa là Lào Cai có thị trường tiêu thụ rộng lớn nhờ lượng khách du lịch đến đây hàng năm ngày càng tăng.
Năm 2005, được sự giúp đỡ của Bộ NNPTNT, sau khi khảo sát điều kiện tự nhiên, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I đã chọn Sa Pa là nơi triển khai thí điểm mô hình nuôi cá nước lạnh đầu tiên trong nước.
Thành công của mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và tiếp tục được nhân rộng ra không chỉ ở Sa Pa, mà còn phát triển ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.100 cơ sở nuôi cá nước lạnh, đối tượng nuôi chủ yếu là cá tầm, cá hồi; tổng thể tích đạt trên 360.000 m3, sản lượng ước đạt khoảng 1.200 tấn.
Đặc biệt, nghề nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con, với giá trị sản xuất trung bình từ 20-25 tỷ đồng/ha, gấp rất nhiều lần so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác.
"Có thể nói đây là nghề sản xuất đặc biệt, thực sự giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương..." - bà Huệ nhấn mạnh.
Đưa nghề nuôi cá nước lạnh vào quy hoạch để phát triển bền vững
Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua, nghề nuôi cá nước lạnh được các địa phương, Bộ NNPTNT đặc biệt quan tâm.
Tại Lào Cai, quy hoạch phát triển thủy sản nước lạnh đã được lồng ghép trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại đây phát triển nhanh, khẳng định vị thế của tỉnh Lào Cai trong phát triển nghề nuôi cá nước lạnh của cả nước (năm 2024 sản lượng ước đạt 1.200 tấn, bằng 179% so với năm 2020 đạt 670 tấn).
Hiện nay, cá nước lạnh được nuôi phổ biến ở Lào Cai là cá tầm và cá hồi với trên 1.100 cơ sở, tổng thể tích đạt trên 360.000m3; sản lượng sản lượng đạt khoảng 1.200 tấn, chủ yếu nuôi tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên...
Một số cơ sở trên địa bàn đã chủ động việc sản xuất, ương dưỡng cá giống, còn lại hầu hết là nuôi cá thương phẩm.
Do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, hệ thống ngòi, kênh, rạch, suối nhiều nhưng phân bố rải rác, diện tích mặt bằng ít nên hiện nay số lượng cơ sở nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lào Cai lớn nhất nước, quy mô đa dạng, thể tích nuôi từ 100 m3 đến 3.500 m3, hình thức nuôi phong phú: Nuôi trong bể ximăng, bể lót bạt, nuôi trong lồng...
Theo bà Đào Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cơ sở đã sản xuất theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến bàn ăn, nhà hàng, khách sạn như Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa, Công ty TNHH Song Nhi.
Với hơn 100 ao nuôi, 2 đơn vị này chuyên cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phối hợp Hội Nông dân thị xã Sa Pa hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh lãi suất thấp; chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Hay như HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản Thức Mai ngoài tự sản xuất giống, cung ứng thức ăn cho cá thì HTX còn liên kết với người dân thu mua cá của trên 30 hộ dân.
Tại tỉnh Lai Châu, đến nay đã có 92 cơ sở tham gia đầu tư nuôi cá nước lạnh, sản lượng nuôi dự kiến đến hết năm 2024 ước đạt trên 200 tấn.
Sản phẩm của cá nước lạnh sản xuất và tiêu thụ ra thị trường chủ yếu là sản phẩm tươi sống, một số ít sản phẩm cá hồi được chế biến làm ruốc và được cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh, và ngoại tỉnh, như: Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình..., với giá bán bình quân 200.000 - 250.000 đồng/kg đối với cá hồi và 180.000 - 200.000 đồng/kg đối với cá tầm.
Tuy nhiên, do những hạn chế về sơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, dẫn đến chi phí đầu tư nuôi cá nước lạnh tại Lai Châu còn cao.
Địa điểm xây dựng của nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản (chưa chuyển đổi mục đích sử dụng).
Nguồn nước không ổn định (thường bị thiếu nước về mùa khô), chi phí đầu tư ban đầu lớn, chất lượng con giống không ổn định, hệ thống giao thông đi lại một số khu vực còn khó khăn...
Hầu hết các cơ sở nuôi chưa có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt theo quy định. Chưa sản xuất được con giống, đang phải nhập trứng và con giống, ngoài ra nguồn nhập khẩu không ổn định nên rất khó khăn trong việc lập kế hoạch, đầu tư sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh không có chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông để kiểm soát hoạt động nhập giống vào địa bàn tỉnh gây khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn gốc và chất lượng con giống.
Nguồn thức ăn chưa chủ động được phải nhập từ các tỉnh khác về, thậm chí phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thức ăn cao, nguồn cung không ổn định dẫn đến giá thành sản xuất cao.
Tại tỉnh Yên Bái, thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh đã phân vùng nuôi cá nước lạnh.
Đến nay đã có khoảng 50.000 m3 với trên 30 cơ sở nuôi là những doanh nghiệp, HTX và hộ dân tham gia đầu tư nuôi cá nước lạnh với hình thức nuôi trong bể bê tông, bể bạt được xây dựng tại các khu vực khe suối có khí hậu mát, nhiệt độ phù hợp để nuôi, tập trung. Sản lượng nuôi dự kiến trong năm 2024 ước đạt trên 400 tấn.
Tại diễn đàn, đại diện các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái cũng như các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn về phát triển nuôi cá nước lạnh như: Quy hoạch vùng chăn nuôi; các loại bệnh thường gặp ở cá nước lạnh, giải pháp điều trị; việc sử dụng nguồn nước chung nuôi cá giữa các hộ; vấn đề môi trường; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...
Đồng thời, nêu lên một số giải pháp phát triển nuôi cá nước lạnh bền vững, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi cá nước lạnh sao cho hiệu quả; một số quy định về phát triển nuôi trồng thuỷ sản....
Bên cạnh đó, một số ý kiến của các đại biểu đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chuyên gia, Trung tâm Khuyến nông giải đáp, tháo gỡ và tiếp thu để trình lên các Bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ người dân nuôi cá nước lạnh.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Điều kiện tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn, nhiều đồi núi dốc, thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên đây lại là một lợi thế rất tốt cho nghề nuôi cá nước lạnh phát triển. Nhất là khi các khu vực này có nguồn nước trong sạch, gắn với các khu du lịch nghỉ dưỡng…
"Tuy nhiên, trước điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, hạn hán, mưa lũ, nhiệt độ tăng cao và khó lường đã gây ra những thách thức lớn đối với nghề nuôi cá nước lạnh. Diễn đàn ngày hôm nay đã cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về nghề nuôi cá nước lạnh, các lợi thế, khó khăn từ môi trường, con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, quy hoạch vùng nuôi, chất thải, dịch bệnh, thị trường…
Song nếu người nông dân biết tận dụng lợi thế của địa phương, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn mùa vụ nuôi phù hợp thì hoàn toàn có thể ứng phó tốt với các khó khăn thách thức nói trên để chăn nuôi hiệu quả, vươn lên làm giàu" - ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh, để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh, thời gian tới các địa phương cần quy hoạch lại vùng nuôi cho phù hợp; quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn (quyết định đến màu sắc, chất lượng cá hồi, cá tầm) và các loại vật tư đầu vào.
Kịp thời xử lý các sản phẩm cá giống, thức ăn, thuốc hoá chất không đảm bảo chất lượng để bảo vệ người nông dân; phát triển công nghệ nuôi tuần hoàn, thu gom xử lý chất thải, mô hình nuôi có trách nhiệm, kiểm soát kháng sinh, hoá chất, mô hình thân thiện với môi trường. Quan trắc cảnh báo môi trường, thời tiết, khuyến cáo bà con nuôi cá nước lạnh.
Cùng với đó, phải xây dựng mô hình liên kết sản xuất, mô hình HTX, tổ hợp táckhuyến nông nông phải thể hiện được vai trò vị trí trung tâm trong liên kết sản xuất cụ thể là thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng. Tăng cường hợp tác công tư, phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với cho bà con nông dân, đặc biệt là các giải pháp công nghệ "Giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả".
"Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ, thức ăn, con giống vật tư đầu vào và đơn vị thu mua chế biến. Tăng cường truyền thông giới thiệu các mô hình nuôi cá nước lạnh hiệu quả thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để nhân rộng. Giới thiệu các sản phẩm cá hồi, cá tầm sơ chế, chế biến, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm..." - ông Hồng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.