Nuôi cá tầm trên "đất lửa" khó mà dễ

Công Xuân Chủ nhật, ngày 03/04/2016 13:30 PM (GMT+7)
"Nếu chỉ nuôi cho sống thì đó là một việc quá đơn giản, thế nhưng để cá tầm phát triển tốt và mang lại lợi nhuận thì đòi hỏi phải có những kinh nghiệm thực tế nhất định", ông Trần Quý, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) mở đầu câu chuyện.
Bình luận 0

Dù là con vật hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn thử nghiệm, thế nhưng qua 2 lần nuôi với trọng lượng đạt cao hơn từ 20-30% so với lý thuyết, có thể khẳng định mô hình nuôi cá tầm là sự lựa chọn đúng, thành công của huyện miền núi Sơn Tây.

img

Đảm bảo nhiệt độ nguồn nước là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong việc nuôi cá tầm.

Theo ông Quý, so với lý thuyết trên thực tế việc nuôi cá tầm có rất nhiều điều chỉnh. Yếu tố đầu tiên quyết định đến sự thành bại đối với vật nuôi mới này đó chính là nhiệt độ nước.

Là con vật sống ở xứ lạnh nên đòi hỏi nhiệt độ nguồn nước chọn nuôi ở các khu vực trong tỉnh phải đạt từ 18-23 độ C. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng để cá phát triển.

img

Tùy theo cân nặng của cá mà lượng thức ăn cho cá ở mỗi giai đoạn khác nhau.

Ông Quý bộc bạch: Theo hướng dẫn của một số tài liệu thì tùy theo cân nặng mà thức ăn cho cá dao động từ 5-10% so với trọng lượng của cá. Thức ăn cho cá được chia từ 2-4 lần/ngày....

Thế nhưng qua thực tế 2 lần nuôi đã có một số khác biệt. Cụ thể số lần cho cá ăn trong ngày tăng lên là 6, với số lượng thức ăn cho mỗi lần cũng có sự khác nhau. Theo đó với tập quán ban đêm cá thường ăn nhiều hơn ban ngày, nên lượng thức ăn cho cá vào ban ngày khoảng 1,5 kg/hồ (hồ có diện tích 100m2/hồ), ban đêm tăng gấp đôi là 3kg/hồ.

Tuy nhiên cần phải theo dõi kỹ, nếu thấy thức ăn trong hồ dư thừa nhiều, hoặc ít thì phải điều chỉnh giảm, hoặc tăng thêm.

img

img

Thường xuyên kiểm tra vệ sinh và sự phát triển cá thả nuôi để có điều chỉnh, biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Tuyệt đối không nên để thức ăn thừa còn lại trong hồ nuôi nhiều dẫn đến bị ô nhiễm, cá sẽ bị nhiễm bệnh kém phát triển, hoặc chết.

Ngoài ra cần phải thường xuyên thay nước hồ nuôi. Theo đó cứ 2 ngày phải thay nước một lần. Và mỗi tuần ít nhất phải chà, cạo sạch rong rêu bám xung quanh hồ 1 lần.

img

Một trong số ao nuôi cá tầm vừa được thả nuôi thêm tại Sơn Tây.

img

Với trọng lượng trên 9kg/con sau khoảng 18 tháng, mô hình thí điểm đã đạt thành công ngoài mong đợi.

Mặc dù có sức đề kháng khá mạnh, nhưng không cá tầm vẫn có thể bị bệnh, và bệnh hay gặp nhất đối với cá tầm là nấm.

Khi cá tầm bị nấm, cần phải tháo nước ra ngoài, chỉ còn để lại khoảng 5m3 nước/hồ, sau đó bỏ lượng muối xuống để khử, với số lượng từ 3-5 kg muối/hồ (100m2/hồ), ông Quý cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem