dd/mm/yyyy

Nuôi dê và cừu, nông dân thu về bạc tỉ

Vừa qua, tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Ninh Thuận tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, với chủ đề: “Giải pháp phát triển chăn nuôi dê, cừu bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tại diễn đàn, các Trung tâm Khuyến nông đã giới thiệu nhiều mô hình nuôi dê, cừu hiệu quả, xuất hiện nhiều nông dân thu về bạc tỉ từ những cách làm mới. Điển hình như gia đình anh Lê Trọng Nam (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, Phú Yên) làm giàu từ nghề nuôi dê, cừu, lãi ròng gần nửa tỉ đồng.

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm quan mô hình nuôi cừu tại Ninh Thuận.
Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm quan mô hình nuôi cừu tại Ninh Thuận.

Đầu năm 2015, anh Nam quyết định dành 1,2 ha đất của gia đình làm mô hình chăn nuôi. Anh Nam cho biết, thấy cừu là con vật dễ nuôi, thích hợp với vùng đồi núi, khí hậu khô nóng như ở Ea Bar, anh vào Ninh Thuận học hỏi kinh nghiệm nuôi cừu và mua cừu giống về nuôi.

Ban đầu, anh xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín theo kiểu nhà sàn. Trong đó, sàn gỗ cách mặt đất 1-1,2m, nan lót sàn cách nhau 1-1,3cm để phân cừu lọt xuống phía dưới. Đồng thời, tạo thông thoáng vào mùa hè và mùa đông dễ che chắn gió, giữ ấm cho cừu. So với các hộ nuôi khác ở Ninh Thuận, cừu về Ea Bar nhờ có đầy đủ cỏ tươi, nước uống và khí hậu mát mẻ, nên thể trạng mập mạp hơn, đẻ đều.

Chị Nguyễn Thị Thúy, vợ anh Nam chia sẻ: “Đến nay, trại cừu của vợ chồng tôi có gần 160 con, trong đó có gần 120 con cừu giống. Cừu giống nuôi khoảng 6 – 8 tháng, đạt trọng lượng từ 20-30 kg/con là có thể bán làm cừu thương phẩm. Giá cừu hơi hiện dao động từ 85.000- 95.000 đồng/kg”.

Với đàn cừu hơn 100 con, vợ chồng chị bán ra thị trường thu về hơn 300 triệu đồng. Do là vật nuôi mới nên nhu cầu thị trường cao, hiện trang trại của gia đình không đủ cung cấp, chủ yếu bán cừu thương phẩm cho thương lái trong tỉnh và một số khu vực lân cận.

Ngoài nuôi cừu, anh Nam còn nuôi dê. Anh Nam bộc bạch: “Tôi chọn kết hợp nuôi cừu với dê để xoay vòng, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loại lá. Vùng đồi núi Ea Bar có nhiều bãi cỏ dại là nguồn thức ăn dồi dào cho dê. Hiện, đàn dê của gia đình tôi lên đến 170 con.

Dê cũng được đầu tư chuồng trại cẩn thận nên sinh trưởng phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ bán dê”. Tương tự, trang trại dê của anh Phạm Văn Hưng (33 tuổi, ngụ huyện Di Linh, Lâm Đồng) đang cho doanh thu gần 10 tỉ đồng/năm. Thời điểm ấy, anh Hưng dự tính sẽ nuôi bò sữa, tuy nhiên dự án bị phá sản bởi khúc mắc với đối tác. Nhiều người mách bảo nghề chăn nuôi dê đang rất tiềm năng nên anh quyết định chuyển hướng.

Nghĩ là làm, anh Hưng tìm đến các mô hình nuôi dê tiêu biểu để tham quan, học hỏi; không chỉ mô hình trong nước, anh Hưng sang cả Thái Lan để tìm hiểu kỹ thuật và chọn giống dê. Năm 2013, anh vay mượn vốn từ người thân để đầu tư 3ha đất để nuôi dê.

Ban đầu, anh chỉ nuôi vỏn vẹn 150 con dê nhập từ Thái Lan. Sau thời gian chăm sóc và theo dõi, cứ tưởng mọi việc thuận lợi, nào ngờ, chỉ sau 4 tháng chăn nuôi, đàn dê khoảng 300 con của anh Hưng cứ ốm dần và thất thoát đến 100 con. Không nản chí, anh tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu kỹ thuật chăn nuôi dê núi, thuê những người có chuyên môn chăn nuôi về ở trong trang trại để theo dõi xử lý, chăm sóc, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Sau 3 năm “cùng ăn cùng ngủ” với đàn dê, đến nay, trang trại của anh Hưng đã được xây dựng hoàn thiện khép kín trên quy mô rộng 5ha với số lượng dê đã nhân rộng lên đến 1.000 con. Bình quân mỗi tháng anh bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá từ 7 - 10 triệu đồng/con, mang về doanh thu gần 2 tỉ đồng/tháng.

Theo anh Hưng, sắp tới gia đình sẽ mở rộng quy mô trang trại và tăng đàn lên 7.000 con dê giống. Đồng thời anh muốn mở một nhà hàng tại Đà Lạt để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ từ chính trang trại dê Lâm Đồng.

Công Tâm