Về đến xã Muổi Nọi (Thuận Châu), chúng tôi được ông Lò Văn Doãn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã kể về bà Lò Thị Châu, một trong những hội viên nông dân không chịu đầu hàng trước số phận, đã mạnh dạn lao động sản xuất, “bắt” con gà làm giàu cùng gia đình.
Theo bà Châu, nuôi gà ta lai dưới tán cà phê, thịt gà vừa ngon vừa cung cấp phân bón cho cây cà phê.
Nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận trang trại của bà Châu, vừa đi anh Doãn vừa hồ hởi: Chúng tôi ai cũng nể phục bà Châu, một thân một mình mà bà nuôi được 5 đứa con ăn học trưởng thành. Không những vậy, bà Châu còn nuôi hơn nghìn con gà ta lai, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng đấy.
Tìm đến, trang trại bà Châu nằm lọt thỏm trên đỉnh núi, xung quanh là màu xanh bạt ngàn của cây cà phê. Bà Châu năm nay đã ngoài 50 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Châu ngược dòng thời gian kể lại những năm tháng lam lũ lao động để nuôi các con ăn học đến ngày thành công như hôm nay.
Đàn gà ta thả dưới tán cà phê được được thoải mái bới đất nên nhanh lớn và ít bệnh.
“Trước đây, khi anh nó (chồng bà – PV) chưa mất, 2 vợ chồng trồng và chăm sóc cây cà phê. Năm 2006, anh mất do bị bệnh tim, gia đình còn tôi một mình là lao động chính để nuôi 5 đứa con ăn học. Khó khăn lắm, nhưng sợ các con không được ăn no, học hành nên tôi quyết tâm lao động. Ngoài làm cà phê, tôi nuôi thêm vài con lợn, con gà để bán mua lấy cân gạo, cân muối… phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình” – bà Châu bộc bạch.
Canh tác cây cà phê, năm tháng qua đi, sức khỏe bà Châu suy giảm dần. Được sự động viên của các con, bà Châu giảm diện tích trồng cà phê và chuyển sang nuôi gà, nuôi ngan để phát triển kinh tế.
Gà của bà Châu từ tháng thứ 3 trở đi chỉ cho ăn rau dọc mùng, cây chuối, bột ngô nên được khách hàng rất tin tưởng.
Thông qua các lớp dạy nghề của Hội Nông dân các cấp, bà Châu tính hướng chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Có được ý tưởng, người phụ nữ dám nghĩ, dám làm này đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thuận Châu để đầu tư chuồng trại, mua con giống.
Năm 2015, sau khi hoàn tất chuồng trại, thông qua mối quan hệ của con trai với một người bạn ở Hải Phòng, bà Châu nhập 500 con gà ta lai về nuôi. Theo bà Châu, gà ta lai nhập ở Hải Phòng được chủ trang trại tiêm phòng đầy đủ lúc gà con mới nở và hướng dẫn cách pha thuốc định kỳ nên đàn gà có sức đề kháng rất tốt, mau ăn chóng lớn.
Ngoài nuôi gà, bà Châu còn nuôi trên 500 con ngan thịt...
Sau vài năm bầu bạn với con gà, đến nay đàn ga ta lai của cô Châu đã phát triển lên hơn một nghìn con/lứa. Mỗi năm, cô Châu xuất bán từ 4 – 5 tấn gà thương phẩm, Với giá bán từ 90 – 100 nghìn đồng/kg, thu hơn 300 triệu. Sau khi trừ chi phí, còn lãi 150 triệu đồng.
“Giống gà này, từ lúc nuôi đến khi xuất bán mất từ 4 – 5 tháng, trọng lượng đạt từ 2 – 2,5kg. Để gà cho chất lượng thịt ngon, lúc nhập về cho gà ăn cám tháng đầu tiên; tháng thứ 2, dùng cám trộn với bột ngô; từ tháng thứ 3 trở đi cho gà ăn bắp nghiền trộn với rau dọc mùng, cây chuối thái mỏng và cung cấp đầy đủ nước sạch” – bà Lò Thị Châu vui vẻ, cho biết.
Bà Châu còn tận dụng lương thực để nuôi gần chục con lợn. Mỗi năm, từ nguồn thu gà, vịt, lợn bà Châu thu từ 400 đến 500 triệu đồng.
Chuồng trại nuôi gà của bà Châu được phân thành 2 dãy, diện tích chuồng trại kiên cố thả gà con mới nhập, còn lại bà Châu dùng lưới quây diện tích cây cà phê thả giống gà thương phẩm tầm 3 – 5 tháng tuổi chuẩn bị xuất bán.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi gà, bà Châu cho hay, ngoài việc chủ trang trại tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà, khi nhập về phải tiêm vắc xin định kỳ, vệ sinh chuồng trại 2 tuần một lần, phun tiêu độc khử trùng, nhốt gà khi trời mưa
“Tuần trước, thương lái vừa đến tận vườn thu mua 2 tấn chở về xuôi để phục vụ khách hàng trong dịp Tết này. Sau Tết, tôi sẽ nhập khoảng 1.000 con về nuôi tiếp”, bà Châu tiết lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.