dd/mm/yyyy

Nuôi gia súc khép kín, nông dân Than Uyên có thu nhập khá

Anh Kiều Văn Dung ở khu 10, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) làm chuồng trại khép kín để chăn nuôi...

Clip: Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của HTX Dung Bảo, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu).

Nông dân Than Uyên nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh

Cùng đoàn công tác của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lai Châu, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình anh Kiều Văn Dung ở khu 10, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Nhìn đàn gia súc, gia cầm được nuôi theo hướng khép kín cho thu nhập cao, chúng tôi không khỏi khâm phục tư duy nhạy bén và năng động trong phát triển kinh tế của anh.

Nuôi gia súc theo mô hình khép kín, nông dân ở Than Uyên có thu nhập khá   - Ảnh 2.

Mô hình nuôi nhốt gia súc tập trung của HTX Dung Bảo thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Bảo Anh

Chia sẻ với chúng tôi, anh Dung cho biết: Trước khi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc vợ chồng anh chỉ buôn bán các loại thức ăn cho gia súc, trong quá trình buôn bán anh nhận thấy có nhiều loại cám công nghiệp có chất lượng tốt, giá cả ổn định từ các thương hiệu uy tín được và nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn sử dụng.

Do đó vợ chồng tôi quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn sử dụng các loại thức ăn trên, quy mô đàn lợn từ 40 - 50 con, chủ yếu là lợn nái để sinh sản, số ít là lợn thương phẩm; cùng với đó tôi cũng mạnh dạn đầu tư nuôi thêm từ 40 - 50 con trâu, bò theo hình thức vỗ béo, mô hình đó cho thu nhập khá cao, mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi vài trăm triệu đồng.

Nhưng đến đầu năm 2019, dịch tả lợn Châu phi bùng phát buộc tôi phải ngừng nuôi lợn, chỉ tập trung nuôi trâu bò vỗ béo kết hợp và bán thức ăn gia súc cho các hộ chăn nuôi quanh vùng.

Trong một lần được Công ty TNHH cám Cargill Việt Nam mời đi thăm quan các mô hình chăn nuôi mới ở địa bàn tỉnh Phú Thọ. Anh Dung nhận thấy mô hình chăn nuôi đại gia súc và gia cầm của các hộ dân ở đó theo hình thức khép kín rất hiệu quả, cho thu nhập cao lại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nuôi gia súc theo mô hình khép kín, nông dân ở Than Uyên có thu nhập khá   - Ảnh 4.

Gia súc được nuôi nhốt tập trung tiện cho việc chăm sóc và tránh được dịch bệnh. Ảnh: Vinh Duy

Khi trở về nhà anh Dung bàn với gia đình bỏ khu chăn nuôi cũ chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi theo hướng khép kín, an toàn mà hiệu quả. Nghĩ là làm, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại theo hướng công nghiệp hiện đại kết hợp trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc trên diện tích hơn 5ha của gia đình ở bản Sen Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên. Hơn 1.000m2 được anh Dung đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố chia làm các khu vực nuôi vịt, trâu, bò sinh sản và vỗ béo, diện tích còn lại anh trồng hết cỏ voi.

Nhờ được chăm sóc tốt đàn gia súc của gia đình anh lớn rất nhanh, con nào con đấy béo tròn, đàn trâu bò vỗ béo cũng tăng đàn nhanh, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 50 con trâu, bò với giá từ 35 -50 triệu đồng/con, hầu hết đều do các thương lái tới thu mua và xuất bán sang Trung Quốc; trừ chi phí gia đình anh thu về gần tỷ đồng mỗi năm.

Quyết tâm gắn bó với nghề chăn nuôi, tạo việc làm bà con địa phương

Năm 2021 từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh Lai Châu, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương anh Dung một lần nữa mạnh dạn huy động anh em, họ hàng tham gia góp vốn để thành lập HTX với 7 thành viên, lấy tên là HTX Dung Bảo do chính anh làm giám đốc.

Nuôi gia súc theo mô hình khép kín, nông dân ở Than Uyên có thu nhập khá   - Ảnh 5.

Nuôi dê theo mô hình khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Than Uyên. Ảnh: Bảo Anh

HTX Dung Bảo và các thành viên vẫn kiên trì chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình khép kín tập trung sản xuất hàng hoá và lại một lần nữa mô hình ấy đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Chưa đầy 2 năm đàn gia súc của HTX Dung Bảo đã lên đến hàng trăm con mang lại thu nhập cao cho các thành viên và tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, 2 lao động thời vụ thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Nhờ cách làm hay, mô hình chăn nuôi của HTX Dung Bảo đạt những kết quả như mong đợi, đàn gia súc, gia cầm được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật rất khoẻ mạnh, tỷ lệ tăng đàn nhanh, đến nay cả HTX có 70 con bò, 11 con trâu, đàn lợn, đàn dê và các loại gia cầm khác cũng được đầu tư chăn nuôi với quy mô tăng dần.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Dung cho biết: Để việc chăn nuôi gia súc không gây ô nhiễm môi trường, ngoài việc chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, việc xử lý rác thải cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm, chúng tôi lựa chọn phương pháp truyền thống vừa dễ vệ sinh nền chuồng lại vừa có thể thu gom chất thải xuống hầm biogas để tận dụng làm khí đốt và làm phân bón cho cỏ voi, nhờ đó toàn bộ diện tích cỏ voi của chúng tôi quanh năm xanh tốt, không chỉ phục vụ nhu cầu chăn nuôi của HTX, mà còn làm hàng hoá bán cho các hộ khác trong vùng.

Nuôi gia súc theo mô hình khép kín, nông dân ở Than Uyên có thu nhập khá   - Ảnh 6.

Hệ thống chuồng nuôi lợn khép kín với quy mô 200 con, mô hình được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia HTX Dung Bảo. Ảnh: Vinh Duy


Mô hình chăn nuôi đi vào quỹ đạo và ổn định, thời gian gần đây anh Dung lại cùng các thành viên HTX tiến hành đầu tư thêm vốn xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn khép kín với quy mô 200 con, mô hình được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.

Thành quả gia đình anh Dung và các thành viên HTX Dung Bảo đạt được đã minh chứng giá trị thiết thực của mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung khép kín theo hướng sản xuất hàng hoá, mô hình này xứng đáng để nhiều người chăn nuôi đến tham quan, học tập và làm theo.


Vinh Duy – Bảo Anh