Nuôi lợn rừng thành “kinh tế mũi nhọn”

Thanh Tâm Thứ năm, ngày 16/10/2014 09:46 AM (GMT+7)
“Thị hiếu khách hàng về thịt lợn rừng đang ngày một tăng trong khi khả năng cung cấp từ tự nhiên hầu như không còn, nên nghề nuôi lợn rừng sẽ mang lại cho chúng tôi một nguồn thu lớn và ổn định. Hiện tại, chúng tôi luôn “cháy hàng” - anh Lường Văn Thanh- Trưởng bản Thượng Phong, bảo vậy.
Bình luận 0

Nghề mới… nuôi lợn rừng

Bản Thượng Phong thuộc xã Huy Tân, huyện Phù Yên (Sơn La) hầu hết là dân di cư Thủy điện Hòa Bình chuyển đến. Anh Thanh cho biết: “Ngày ấy chẳng có chế độ tái định cư nên người dân chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu đất sản xuất, khan hiếm nguồn thu. Bởi vậy, tuy chỉ cách trung tâm huyện mấy cây số nhưng cuộc sống của bà con trong bản có nhiều khó khăn. Thật may là nhờ có nguồn vốn của dự án phát triển nuôi lợn rừng trên địa bàn đã giúp chúng tôi phát triển một nghề mới rất được thị trường quan tâm, đó là nghề nuôi lợn rừng”.

img Nghề nuôi lợn rừng sẽ mang lại nguồn thu lớn và ổn định (ảnh minh hoạ).  

Cũng theo anh Thanh thì lợn rừng ở đất Phù Yên này vốn chẳng phải xa lạ gì với người dân bởi “lợn rừng chạy hàng đàn ngoài nương vườn, giành ăn với con người từ gốc sắn, bắp ngô, bông lúa. Nhưng trước sự săn bắt bừa bãi và sự biến mất nhanh chóng của những cánh rừng đại ngàn, loài lợn rừng trở nên khan hiếm. Năm 2013, được sự hỗ trợ của dự án phát triển nghề nuôi lợn rừng do Hội Nông dân huyện Phù Yên triển khai, được tập huấn, tư vấn kinh nghiệm và đi tham quan một số mô hình chăn nuôi lợn rừng, 20 hộ dân trong bản đã mạnh dạn bắt tay vào nghề mới. “Chúng tôi quy hoạch lại chuồng trại, tường rào, bãi thả và tuyển lợn nái, lợn đực giống. Vừa làm, vừa học, không ngờ lại thành công cao. Gần 50 con lợn nái trong bản mua về đều khỏe mạnh và sinh đẻ rất đều. Lợn con lớn nhanh và chỉ sau 2-3 tháng là khách hàng tranh nhau tới bắt hết; giá cả gấp đôi so với giá lợn thường” – anh Lường Văn Thịnh, một hộ chăn nuôi lợn rừng trong bản hào hứng kể.

Phát triển thành “kinh tế mũi nhọn”



Anh Lường Văn Thanh
 Đưa lợn rừng Huy Tân lên thành một loại hàng hóa có số lượng và chất lượng tốt. Đó là một hướng xóa nghèo và làm giàu của nông dân vùng cao chúng tôi.
 
Với nhiều người dân khác ở Huy Tân thì cái chuyện “nuôi lợn rừng làm kinh tế” nghe còn lạ tai, nghi hoặc về hiệu quả hôm nào, giờ đây đã trở thành một nghề hấp dẫn. Chỉ chưa đầy một năm mà mô hình nuôi lợn rừng ở xã Huy Tân đã có nhiều triển vọng tốt, trở thành “kinh tế mũi nhọn”. Với nhu cầu thị trường hiện nay và lâu dài, nghề nuôi lợn rừng có thể đem lại nguồn lợi nhuận cao và bền vững cho người dân trong xã. “Nuôi lợn rừng chẳng phải đầu tư chuồng trại hiện đại, với quạt mát, cám cò, thức ăn công nghiệp tốn kém hàng trăm triệu đồng như nuôi lợn giống nhập ngoại thương phẩm. Sức đề kháng của lợn rừng rất tốt nên chẳng lo bệnh tật. Lợn con đẻ ra, bán tới 120 ngàn đồng/kg, ai mà chả thích” – chị Đinh Thị Doan, dân bản Puôi 3 (xã Huy Tân) bảo vậy. Ngắt mấy nhánh lá cây trong vườn làm thức ăn “nhử mồi” đàn lợn rừng lại gần, trưởng bản Thanh vui vẻ cho biết: “Tưởng nuôi lợn rừng khó lắm. Nào ngờ chưa đầy một năm tôi đã sắp được thu lứa lợn thứ 2 rồi đấy. Lứa này lợn đẻ 6 con, chỉ hơn tháng nữa là xuất được. Thời gian tới tôi sẽ nhân đàn lên khoảng dăm bảy con nái, vận động anh chị em trong nhà và những hộ khác trong bản đầu tư phát triển lợn rừng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem