Ở đây trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, cứ 1 con lời 2-3 triệu đồng/tháng

Thứ hai, ngày 10/02/2020 19:08 PM (GMT+7)
Nhờ biết cách tận dụng nguồn cỏ dồi dào sẵn có tại địa phương và các phụ phẩm từ nông nghiệp làm ra, những năm gần đây bà con nông dân huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) đã tập trung chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không chỉ tiết kiệm được công sức, thời gian, mà còn giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Đến thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình chị Trần Thị Ngân thôn 5 xã Đỉnh Sơn, những chú bò béo tròn bên những đống cỏ xanh mơn mởn trông thật thích mắt. Chị Ngân cho biết: Gia đình chị nuôi bò vỗ béo gần chục năm nay. Trước đây, gia đình nuôi theo hình thức thả rông, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao.

img

Nghề nuôi bò vỗ béo đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Từ năm 2009 đến nay, chị đã chuyển sang nuôi bò nhốt vỗ béo, thu nhập lại cao hơn nhiều. Mỗi lứa, gia đình chị nuôi vỗ béo từ 12 - 15 con bò, sau 3- 4 tháng có thể xuất chuồng. Năm 2018, gia đình chị Ngân xuất bán được 4 đợt, sau khi trừ chi phí cho thu lãi  xấp xỷ 100 triệu đồng.

Chị Ngân khẳng định, nghề nuôi bò nhốt vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Bởi bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả cao, nguồn thức ăn phải phong phú. Ngoài rơm, rạ dồi dào sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp như cám ngô, cám gạo làm thức ăn tinh, nên chi phí giảm đáng kể. 

img

Nông dân Anh Sơn tận dụng diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trổng cỏ để chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo.

Với gia đình chị Trần Thị Tuyền ở thôn 10 xã Long Sơn thì mới chỉ đầu tư nuôi bò vỗ béo 4 năm nay nhưng đã mang lại hiệu quả cho gia đình thấy được qua từng năm. Chị Tuyền chia sẻ: Trước đây, việc chăn nuôi, vỗ béo bò chỉ dựa vào kinh nghiệm, do không hiểu biết về kỹ thuật nên lãi suất thấp. Được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, chị có thêm hiểu biết về quy trình chăn nuôi và vỗ béo cho đàn bò nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo chị Tuyền, việc nuôi nhốt bò có nhiều cái lợi là không mất công chăn thả, quản lý được đàn vật nuôi và kiểm tra được sự tăng trọng của bò qua từng tuần, từng tháng...Đặc biệt, giá bán bò thịt luôn ổn định nên người chăn nuôi rất yên tâm. Quá trình chăn nuôi cần chú ý thực hiện vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Hiện tại gia đình chị Tuyền có 3 cặp bò, chủ yếu là giống bò lai. Sau 3 tháng vỗ béo, trừ chi phí mỗi con cho thu lãi từ 8- 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trường Phị Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, việc chăn nuôi lợn, gia cầm gặp khó khăn do giá cả bấp bênh thì nghề nuôi bò vỗ béo thu hút nhiều người chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Từ một vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, nghề này đã phát triển rộng khắp tại tất cả các xã, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Hiện nay tổng đàn bò toàn huyện ổn định trên 19.904 con, đạt 90% so với kế hoạch bằng 101,5% so với cùng kỳ.

img

Nuôi bò vỗ béo 4 năm nay, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình chị Tuyền.

Toàn huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) hiện có 50 mô hình nuôi bò hàng hóa quy mô 10 con trở lên, ngoài ra còn có hàng trăm hộ nuôi từ 5 con trở lên, hộ nuôi nhiều nhất từ 30- 40 con. Sau khi trừ chi phí người chăn nuôi có thể thu lãi khoảng 2 triệu đến xấp xỉ gần 3 triệu đồng/con/tháng, tạo thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. 

Với mục tiêu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên trở thành một trong những ngành mũi nhọn, thời gian qua, huyện Anh Sơn cùng với các địa phương đã tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tận dụng tiềm năng đất đai, nhất là các diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trổng cỏ để chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo.

Theo đó huyện Anh Sơn đã xây dựng mô hình điểm “Chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi”  tại xã Vĩnh Sơn với diện tích 25 ha, bước đầu đã hỗ trợ cho mô hình điểm 25 triệu đồng, sắp tới huyện sẽ nhân rộng ra ở các địa phương khác với diện tích 200 ha.

Bên cạnh đó, hàng năm huyện Anh Sơn đều chỉ đạo các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nuôi vỗ béo bò; đồng thời xây dựng các điểm trình diễn, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người chăn nuôi nhân rộng mô hình.  Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của một huyện thuần nông, vừa tránh được những rủi ro cho người nông dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.  

Thái Hiền (Đài Truyền hình Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem