Ở Hà Tĩnh dân nuôi tằm, ăn lá dâu ngày đêm rồi trốn vào kén, nhà nào nuôi thành công giàu hẳn lên
Ở nơi này của Hà Tĩnh, dân nuôi con vật ăn ngày ăn đêm rồi "trốn" vào một cái tổ, dân vẫn giàu lên
Nguyễn Hoàn
Thứ bảy, ngày 30/11/2024 12:58 PM (GMT+7)
Từ khi chuyển đổi diện tích đất vườn trồng cây ngắn ngày sang trồng dâu nuôi tằm, gia đình anh Nguyễn Công Chính, trú tại thôn Tân Tiến, xã An Dũng, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) đã có nguồn thu nhập tốt hơn hẳn, còn nhân rộng mô hình, mang lại nguồn thu nhập cho các hộ dân khác.
Clip: Mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Hà Tình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mạnh dạn chuyển đổi nghề mới
Từng có kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm nhiều năm ở tỉnh Lâm Đồng. Anh Nguyễn Công Chính, ở thôn Tân Tiến, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã tiên phong áp dụng mô hình trồng dâu nuôi tằm ở địa phương.
Năm 2021, anh Nguyễn Công Chính trở về quê lập nghiệp, quyết định cải tạo vườn, chuyển diện tích hơn 8 sào từng trồng khoai, sắn sang trồng dâu để nuôi tằm.
Anh Nguyễn Công Chính, chia sẻ: "Hơn 5 năm đi làm ở tỉnh Lâm Đồng, nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm rất phát triển, nhiều nông dân thoát nghèo từ nghề này. Qua thời gian vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, tôi trở về quê quyết định mua 1 hộp giống tằm, dành 3 sào đất trồng dâu để thử nghiệm tại quê nhà".
Bước đầu nuôi tằm, anh Nguyễn Công Chính gặp nhiều khó khăn do thời tiết ở Hà Tĩnh bất lợi, số lượng kén ít. Không nản lòng, anh Chính vừa nuôi vừa quan sát kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm để thuận lợi cho các đợt nuôi sau.
Nắm vững kỹ thuật nuôi tằm, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế, anh Chính mạnh dạn đầu tư thêm sàn, né, mở rộng diện tích trồng dâu lên 8 sào và tăng cường nuôi 2 hộp/đợt.
Gia đình anh Nguyễn Công Chính, thôn Tân Tiến, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra né tằm trước khi thu hoạch kén. Ảnh: PV
Quá trình nuôi tằm từ giai đoạn trứng đến lúc hình thành kén cho thu hoạch mất thời gian 24-26 ngày. Ảnh: PV.
"Để phát triển nghề nuôi tằm cần phải có diện tích đất trồng dâu, khu vực nuôi tằm. Nuôi quy mô 1 hộp giống, ít nhất cũng phải cần 3-4 sào dâu. Cây dâu có nhiều giống khác nhau, phù hợp với khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng ở Hà Tĩnh nhất vẫn là giống dâu siêu lá S9.
Trồng dâu chỉ trồng một lần, cho thu hoạch trong nhiều năm. Đây là cây trồng có đặc điểm tái sinh mạnh, cho năng suất ổn định hàng năm. Ngoài diện tích trồng dâu, phải đầu tư lắp đặt giá đỡ và né để nuôi tằm", anh Chính bật mí.
Quy trình nuôi tằm bắt đầu giai đoạn từ việc cho ấp trứng, sau 9-11 ngày sẽ nở. Tằm con được ươm nuôi trong thời gian 12-14 ngày bằng cách rải lên sàn, cho ăn 4-5 bữa lá dâu/ngày. Sau đó, tằm được chuyển vào né và chỉ 4 ngày cho thu hoạch kén để xuất bán.
Lá dâu phải tươi, sạch, khi tằm tuổi 4 lên 5 nên cắt nhỏ, đến tuổi 6 tằm có thể ăn nguyên lá. Ảnh: PV
Bình quân mỗi hộp giống cho năng suất 40-45 kg kén, thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, năng suất kén thu được 55-60kg/hộp giống. Giá bán hiện tại 170.000 -180.000 đồng/kg, cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/hộp.
Mỗi năm, nuôi khoảng 10 lứa tằm trên diện tích sàn 40 m2, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 100-120 triệu đồng/năm.
Trồng dâu nuôi tằm thu nhập gấp 3-4 lần cây trồng khác
Từ hiệu quả sản xuất của gia đình, anh Nguyễn Công Chính đã chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích người dân trong thôn phát triển mô hình, trồng dâu nuôi tằm, tăng thêm thu nhập.
Hiện nay, anh Chính vừa cung cấp tằm giống vừa thu mua sản phẩm kén cho bà con trong vùng và một số địa phương khác trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay, anh Chính thu mua khoảng 1,5 tấn kén mang lại doanh thu cho bà con trong thôn gần 270 triệu đồng.
Chị Trần Thị Hiền, trú tại thôn Tân Tiến, xã An Dũng mạnh dạn chuyển đổi 7 sào đất vườn trồng hành tăm, kiệu sang trồng dâu. Chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật, đến nay chị đã nuôi được 6 lứa tằm. Hiện lứa tằm thứ 7 đã thu hoạch gần 70kg kén, đến hết năm, chị Hiền sẽ nuôi thêm 3 lứa, trừ mọi chi phí, đem lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng.
Theo chị Trần Thị Hiền, nếu trồng hành, kiệu hay các loại rau màu khác, trên diện tích 7 sào, may ra cho thu nhập khoảng 20 -25 triệu đồng. Chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, hiệu quả kinh tế phải gấp 3-4 lần. Đồng thời, tận dụng được phân tằm bón cho dâu, cây trồng khác, tiết kiệm được phần nào chi phí sản xuất.
Nhiều diện tích đất vườn trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả được người dân chuyển đổi trồng dâu để nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV
Chị Bùi Thị Vinh, trú ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, cho biết: "Sau khi tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã An Dũng, được anh ông Nguyễn Công Chính tư vấn kỹ thuật, cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm kén. Gia đình tôi quyết định chuyển đổi 6 sào trồng đào sang trồng dâu nuôi tằm. Sau 4 tháng, cây dâu phát triển tốt cho lá, gia đình tôi bắt đầu làm sàn để thả giống và mua né để tằm làm kén".
Với 8 sàn nuôi có tổng diện tích trên 40 m2, mỗi đợt thả nuôi 1 hộp giống. Lứa đầu chưa có kinh nghiệm, nhưng sản lượng kén thu được gần 45kg, bán với giá 170.000 đồng, thu về gần 8 triệu đồng. Hiện chị Vinh đang nuôi lứa thứ 2, tằm phát triển khỏe, hứa hẹn sản lượng kén sẽ đạt cao hơn.
"Trồng đào cảnh, đòi hỏi kỹ thuật cao, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, làm cả năm dịp Tết Nguyên Đán mới cho thu nhập. Còn trồng dâu nuôi tằm, được quanh năm, ít tốn công chăm sóc, tận dụng thời gian nông nhàn, phù hợp với lao động ở nông thôn lại có thu nhập đều đặn mỗi tháng", chị Vinh phấn khởi nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dũng, cho biết: "Trước hiệu quả mang lại của nghề trồng dâu nuôi tằm, chính quyền địa phương đã tích cực vận động tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, toàn xã đã có 25 hộ dân đã chuyển đổi sang trồng dâu được gần 15 ha, trong đó có 10 hộ nuôi tằm đã có thu nhập, tập trung chủ yếu ở thôn Tân Tiến".
"Hội Nông dân sẽ tham mưu với UBND xã An Dũng để thành lập tổ hợp tác, hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật canh tác phát triển diện tích trồng dâu nguyên liệu đến chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, từng bước phát triển, nhân rộng mô hình, hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Hội nông dân xã An Dũng, cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.