dd/mm/yyyy

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá"

Huyện Phú Ninh là vùng trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Quảng Nam đang vào giữa vụ thu hoạch nhưng giá dưa liên tục giảm, sáng một giá, chiều một giá khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Dưa hấu vụ xuân tại huyện Phú Ninh - thủ phủ dưa hấu của tỉnh Quảng Nam hiện đã bước vào thời điểm giữa vụ thu hoạch. Thời gian thu hoạch dưa thường kéo dài 20 ngày, đầu vụ giá dưa ổn định 4.500 - 5.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 1.

Nông dân thủ phủ dưa hấu Phú Ninh (Quảng Nam) đang tất bật vào giữa vụ thu hoạch dưa.

Nhiều người dân tại đây cho biết, đầu vụ giá dưa là 4.500 đồng/kg sau đó tiếp tục tăng 5.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi vì năm nay dưa hấu được mùa (trung bình mỗi sào dưa đạt trên dưới 2 tấn) và được giá. Nhưng giữa vụ giá dưa bỗng nhiên giảm mạnh, trong khi đó còn rất nhiều diện tích dưa chưa thu hoạch xong khiến nông dân rất lo lắng.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 2.

Dưa hấu ở huyện này được trồng trên đất pha cát nên chất lượng vượt trội, được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Dưa hấu Kỳ Lý" năm 2009.

Bà Trịnh Thị Đích (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) cho biết, gia đình bà canh tác 8 sào dưa Hắc Mỹ Nhân, năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng dưa khá cao. Tuy nhiên giá cả lên xuống bấp bênh, đầu vụ giá dưa đạt 4.500 - 5.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 3.

Do thời tiết thuận lợi nên chất lượng dưa đạt, năng suất cao trên dưới 2 tấn/sào.

"Tôi đã bán được một nửa diện tích dưa, còn một nửa chuẩn bị bán thì giá giảm, cũng không biết còn giảm nữa không. Một sào dưa phải bỏ vốn khoảng 3 triệu đồng/sào, giá dưa phải 5.000 đồng/kg trở lên mới có lãi, 4.000 đồng/kg thì hòa vốn, còn thấp hơn thì lỗ. Để giảm tiền công thu hoạch, nông dân chúng tôi đổi công cho nhau. Nếu lỗ thì không biết vốn đâu đầu tư vụ sau, trong đó tiền giống, phân bón khá cao", bà Đích lo lắng nói.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 4.

Đầu vụ giá dưa tốt từ 4.500-5.000 đồng/kg, tuy nhiên giữa vụ giá dưa chỉ còn 3.000-3.500 đồng/kg khiến nông dân lo lắng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Lực (trú xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) vụ năm nay cũng trồng hơn 7 sào giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân. Diện tích dưa của ông Lực đang vào vụ thu hoạch. Vụ này thời tiết nắng nhiều, thích hợp với cây dưa nên ruộng nào cũng cho trái to, trung bình mỗi trái đạt từ 3-5kg.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 5.

Theo các thương lái, do thị trường tiêu thụ chững lại nên giá dưa xuống thấp, dưa hấu Kỳ Lý chủ yếu xuất sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh một phần cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo ông Lực, chi phí đầu tư cho 1 sào dưa hấu khoảng 3 triệu đồng. Ước tính, ruộng dưa nhà ông đạt năng suất khoảng trên dưới 2 tấn/sào. Nếu bán với giá 5.000 đồng/kg, ông sẽ thu về gần 50 triệu đồng. Nhưng hiện nay giá dưa giảm khiến ông rất lo lắng.

"Tôi không ngờ thời điểm này giá lại lao dốc như vậy, với giá này thì đừng nghĩ có lãi, chỉ sợ lỗ thôi. Giá cả "nhảy múa" lên xuống bấp bênh, nên hiện thương lái chỉ thu mua cầm chừng, nghe nói giá còn có thể xuống thấp nữa. Tiền đầu tư khá cao, chưa kể công chăm sóc, cứ đà này không biết còn vốn đầu tư vụ sau", ông Lực than thở.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 6.

Vụ thu hoạch thường kéo dài 20 ngày, 10 ngày đầu giá khá cao nên nông dân rất phấn khởi được mùa được giá, đến hiện nay đã đến giữa vụ thì bỗng dưng rớt giá.

Dưa hấu ở đây chủ yếu xuất bán cho thương lái xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, giá dưa cũng lên xuống rất thất thường.

Bà Dương Thị Mai (thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) cho hay: "Có khi buổi sáng đang có giá này nhưng chiều lại giá khác, không ai lường trước được. Mà dưa thì phải chờ đến lúc chín mới thu hoạch được nên chỉ đến khi nào bán xong thì mới tính được lời lãi thế nào. Thương lái cũng không báo giá trước, đợi đến lúc cân mình mới biết. Giá cả thất thường khiến nông dân chúng tôi lo lắng mỗi ngày".

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 7.

Người dân lo lắng giá dưa sẽ tiếp tục giảm và sẽ thua lỗ vì còn nhiều diện tích chưa thu hoạch xong, nếu vụ này thua lỗ thì sẽ rất khó đầu tư vụ sau.

Theo một thương lái thu mua dưa ở huyện Phú Ninh, dưa hấu ở huyện này được trồng trên đất pha cát nên chất lượng vượt trội. Vỏ dưa dày thuận lợi cho quá trình vận chuyển, ruột dưa chắc có màu đỏ tươi và vị ngọt thanh nên được thị trường ưa chuộng.

"Mỗi ngày tôi thu mua trung bình khoảng từ 30 đến 100 tấn dưa loại đạt trọng lượng từ 2,5 kg/quả trở lên. Dưa mua về sẽ vận chuyển ra miền Bắc, trong đó 70% xuất sang Trung Quốc và 30% bán trong nước. Giá tùy thị trường, hiện nay thị trường "chững" lại nên giá mới xuống thấp, mình mua giá vậy cũng ngại với dân lắm nhưng biết sao", thương lái này cho biết.

Được biết, dưa hấu Phú Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Dưa hấu Kỳ Lý" năm 2009. Mỗi năm, người dân ở đây trồng 2 vụ. Vụ xuân này thu hoạch xong họ sẽ tiến hành làm đất để trồng vụ hè. Mỗi vụ tính từ thời gian xuống giống đến lúc thu hoạch khoảng 65 ngày.

Ở vựa dưa hấu lớn nhất Quảng Nam, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa hấu "sáng một giá, chiều một giá" - Ảnh 8.

Để tiết kiệm công thu hoạch, các nông dân thường sẽ phụ công cho nhau.

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết, vụ dưa hấu xuân năm nay toàn huyện xuống giống hơn 400 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tam Phước, Tam Lộc, Thị trấn Phú Thịnh. Hiện nay, người dân đã thu hoạch được hơn 60% tổng diện tích.

Dưa của huyện Phú Ninh hiện nay chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc, giá cả thất thường. Đầu vụ giá cao nhưng hiện nay do thị trường tiêu thụ hạn chế nên giá giảm. Do đó từ đầu vụ, huyện Phú Ninh cũng đã khuyến cáo người dân không nên xuống giống đồng loạt, tránh thu hoạch dồn dập một lần dẫn đến khó tiêu thụ...


Công Bính - Ngô Linh