Ngọc Lâm vốn là một khu đất đồi xác xơ của xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang - nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Sống ở đây, ông Nguyễn Văn Năng và bà Trịnh Thị Loan hồn nhiên sinh một chặp… bốn người con, hai trai, hai gái.
Con cái càng lớn, những chi phí thường ngày cho gia đình càng nhiều, khiến cho ông bà Năng - Loan như “bơi” giữa những chật vật của cuộc sống.
|
Ông bà Năng - Loan ngắm thành quả học tập của con cái. |
Các con ông Năng, bà Loan đều học giỏi. Năm học nào, bốn đứa cũng mang giấy khen về treo kín tường nhà. Dường như, chúng tự bảo nhau gắng học giỏi hơn và cũng là hướng để thoát nghèo sau này. Sự ham học của các con khiến cho vợ chồng ông không còn cách nào khác là tự tìm mọi cách kiếm tiền để lo cho chúng.
Lần lượt, Nguyễn Văn Tăng (SN 1983) đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thị Hằng (SN 1986) đỗ Đại học Bách khoa, Nguyễn Thị Nga (SN 1989) trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương và cậu em út Nguyễn Văn Đức (SN 1991) cũng tiếp bước anh chị đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ra trường với thành tích học tập xếp loại giỏi, Tăng tiếp tục vừa đi làm thêm, dạy thêm khắp nơi để kiếm tiền học cao học, quyết không xin tiền của cha mẹ nữa. Đó cũng là lúc gia đình ông Năng phải nuôi cùng lúc với ba người con cùng học đại học xa nhà.
Thời gian nghỉ ngơi của ông bà càng ít đi, thời gian ngoài đồng cứ kéo dài ra. Không biết làm nghề gì khác ngoài những việc đồng áng, họ phải ăn tiêu dè sẻn để mỗi tuần cho con vài trăm nghìn đồng đóng học phí, chi tiêu. Nhiều lúc, thấy con về xin tiền mà không có, lòng ông bà quặn thắt.
Cả ông Năng và bà Loan ngược xuôi vay mượn khắp nơi, thậm chí chấp nhận vay lãi cao (3%/tháng) để có tiền đầu tư cho con. Ban đầu mọi người còn nhiệt tình cho mượn nhưng sau đó, nhiều người nghi ngờ gia đình bà không có khả năng trả nên không cho vay nữa.
Cuối vụ thu hoạch, nhà có cây gì, con gì chủ nợ vào vét sạch. Nhưng bà Loan nhất định không cho chủ nợ lấy thóc. Lý do là nhà bà có tới 7 miệng ăn, ngoài ông bà và 4 đứa con, còn người mẹ già cũng cần chăm sóc nữa. Có những lúc không vay được ở đâu tiền cho con ăn học, bà đành vét thóc trong buồng bán đi một tạ…
May mắn là sau đó, gia đình bà cũng được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Dũng cho vay theo chương trình cho vay hỗ trợ học sinh, sinh viên. Số tiền ấy tuy chưa đủ để các em chi tiêu hằng ngày, song cũng làm giảm đi áp lực cho ông bà Năng rất nhiều. Hiện gia đình ông bà còn nợ ngân hàng hơn 70 triệu đồng nữa.
Đến nay, Tăng đã học xong cao học, trở thành thạc sỹ, giáo viên dạy tại một trường cấp III ở Hà Nội nhưng với đồng lương giáo viên ít ỏi, Tăng vẫn chưa thể giúp được gì nhiều cho bố mẹ. Hằng tháng, Tăng cũng chỉ bỏ ra được một hai trăm nghìn đồng hỗ trợ em út. Hằng thì ra trường được một năm nhưng chưa có việc làm ổn định, vẫn bấp bênh với cuộc sống ở Hà Nội. Nga vừa trở thành tân sinh viên ĐH Ngoại thương, gửi đơn xin việc ở mấy chỗ nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận...
Bao nhiêu công sức bỏ ra nhưng bây giờ ông bà Năng Loan vẫn chưa hết vất vả. Hai đôi vai gầy gò, già nua của ông bà vẫn ngày ngày phải oằn lên gánh gạch kiếm tiền, chạy ăn từng bữa, lo trả nợ ngân hàng, nợ người thân bao năm qua…
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.