dd/mm/yyyy

OCOP, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã

Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho sản phẩm long nhãn sấy khô, những ngày này, HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn, tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang tất bật hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để trình cơ quan có thẩm quyền đánh giá và xếp loại sản phẩm.

Sản phẩm long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn ở tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung là một trong 20 sản phẩm làm điểm của tỉnh Sơn La trong việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (viết tắt OCOP).

OCOP, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn: Mục tiêu của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" nhằm nâng tầm những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của HTX hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn, tâm sự: HTX thành lập ngày 5/5/2011, có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, với 12 xã viên; diện tích đất canh tác 60 ha, trong đó 45 ha trồng giống nhãn PH-M99-1.1 (tên gọi khác giống nhãn Miền Thiết), 15 ha còn lại trồng các loại cây ăn quả như xoài, cam, bưởi, bơ.

Từ thời các cụ lên khai phá vùng kinh tế mới trên mảnh đất Nà Sản theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, họ đã đưa giống nhãn Miền Thiết Hưng Yên đi cùng. Cao nguyên Nà Sản có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên nhãn Miền Thiết trồng ở đây cho năng suất, chất lượng rất tốt.

OCOP, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã - Ảnh 2.

Sản phẩm long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn được tỉnh Sơn La được chọn là 1 trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo vị Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn: Sau khi đi vào hoạt động ổn định được 4 năm, năm 2015, HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn đã xây dựng lò sấy long nhãn bằng than. Công nghệ sấy long nhãn bằng than mặc dù tiết kiệm được chi phí nhưng trong khí than có nhiều hợp chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Sản phẩm long nhãn làm ra chỉ bán được với được giá thấp, thương lái chèn ép, không bền lâu được.

Năm 2016, sau khi diện tích vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2018 đến nay, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 5 lò sấy theo công nghệ sấy long nhãn bằng gỗ nhằm cung cấp sản phẩm long nhãn đảm bảo chất lượng ra thị trường.

OCOP, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã - Ảnh 3.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn tạo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương với mức lương từ 4 triệu - 6 triệu/tháng.

Chia sẻ thêm về cách làm long nhãn đạt chất lượng tốt, ông Hải cho biết: Để có những mẻ long nhãn thơm ngon, quy trình làm rất kỳ công. Tất cả các công đoạn như chăm sóc, cách thu hái, chọn quả đến xoáy nhãn, sấy nhiệt đều được làm rất công phu và tốn nhiều thời gian.

Trong đó giai đoạn sấy là công đoạn quan trọng nhất. Nhiệt độ ban đầu sấy lửa phải to, sau đó giảm dần trong giai đoạn ủ và kéo dài 1 ngày 1 đêm, khi cùi nhãn se lại, màu đượm vàng thì đạt yêu cầu. Để bảo quản sản phẩm long nhãn, hiện HTX đã đầu tư được kho lạnh rộng khoảng 117 m2.

OCOP, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã - Ảnh 4.

Ông Hải cho biết: HTX đang sử dụng công nghệ sấy long nhãn bằng củi. Trong thời gian tới, HTX đang nghiên cứu đầu tư hệ thống sấy bằng điện, ga và sấy lạnh

Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của lãnh đạo và các xã viên HTX, sản phẩm long nhãn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn đã dần dần xây dựng được uy tín và được nhiều khách hàng biết đến. Đặc biệt, năm 2019, sản phẩm long nhãn của HTX đã được tỉnh Sơn La chọn làm điểm trong số 20 sản phẩm OCOP và là sản phẩm duy nhất trên địa bàn huyện Mai Sơn. Theo đó, sản phẩm long nhãn của HTX được gọi với cái tên "Long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng".

Tiếp tục câu chuyện mỗi xã một sản phẩm với chúng tôi, ông Hải bộc bạch: Việc được chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng của chúng tôi xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và cạnh tranh được trên thị trường. Mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm vươn xa sang thị trường thế giới để nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng nhãn tham gia liên kết với HTX.

OCOP, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã - Ảnh 5.

Cũng theo ông Hải, sản phẩm của HTX tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được Nhà nước hỗ trợ về vỏ hộp, team, nhãn mác, mã vạch.

"Thời điểm này, HTX đang phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh – đơn vị được tỉnh Sơn La lựa chọn để tư vấn triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" để hoàn tất các thủ tục, hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh tổ chức chấm điểm, xếp hạng vào ngày 19/12" – ông Hải cho biết thêm.

Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Phát Đạt để kết nối đưa sản phẩm long nhãn vào tiêu thụ tại siêu thị Big C. Từ đầu năm đến nay, thông qua Công ty TNHH Phát Đạt, HTX đã bán được 3 tạ long nhãn vào siêu thị Big C với giá 210 nghìn đồng/kg. Dự kiến, đến hết năm 2019, sẽ xuất bán được từ 6 tạ đến 1 tấn long nhãn vào tiêu thụ tại siêu thị.

Việc sản phẩm long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn được chọn làm sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

A Lử