Ðổi mới đầu tư cho “tam nông”

Chủ nhật, ngày 10/02/2013 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Nông dân là những người làm nên những thành tựu của nông nghiệp. Làm sao nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta ngang tầm với khu vực, với thế giới", Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Bình luận 0

Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nói: Từ năm 2009 đến nay, kinh tế thế giới từ châu Âu đến châu Á, châu Mỹ... suy thoái, khủng hoảng. Nhưng năm 2012, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn đạt 5,2%. Sản lượng lương thực đạt 48,5 triệu tấn cả lúa và ngô, cao nhất từ trước tới nay. Riêng lúa gần 44 triệu tấn. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, gần 8 triệu tấn; nhiều mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu vẫn ở thứ bậc cao trên thế giới. Chính nông nghiệp (NN) đã là trụ đỡ, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Đến thời điểm này, càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN,ND,NT).

img
Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường

Góp phần vào thành tựu này có dấu ấn không nhỏ của Hội ND. Dấu ấn nổi bật đó là gì, thưa Chủ tịch?

NN nước ta ổn định, phát triển có nhiều yếu tố. Theo tôi, gốc gác đó là công lao của những người làm NN, trực tiếp là ND. NDVN có truyền thống cần cù, sáng tạo, chắt lọc, tích lũy kinh nghiệm, luôn học hỏi kiến thức mới. Đó là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước: Quan tâm chăm lo cho NN, ND, xác định CNH, HĐH NN là tiền đề cho CNH, HĐH đất nước. Muốn CNH, HĐH đất nước phải giải quyết được vấn đề NN, ND, NT.

Hội ND là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp ND, có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, vận động ND thực hiện CNH, HĐH NN, NT. Trong nhiệm kỳ V, Hội đổi mới khá mạnh nội dung hoạt động, đó là kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề cho ND, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể giúp ND phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tăng thu nhập. Chủ trương đổi mới hoạt động của Hội ND đã được Đảng, Nhà nước đồng tình, tạo điều kiện bằng việc Ban Bí thư ban hành Kết luận (KL) 61; Chính phủ có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội hoạt động với việc Thủ tướng ban hành Quyết định (QĐ) 673. Thực chất đây cũng là cách tăng đầu tư cho NN, ND, NT cả về lãnh đạo, chỉ đạo, kinh phí, nguồn lực...

Thưa Chủ tịch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn là xu hướng của nông nghiệp nước ta. Hội tham gia như thế nào để ngày càng có nhiều cánh đồng mẫu lớn?

Cánh đồng mẫu lớn là một trong những hướng đi để NN nước ta chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, hàng hóa. Đây là hình thức làm ăn tập thể mới rất có hiệu quả. Nó không những liên kết các hộ ND với nhau góp đất cùng làm một số loại sản phẩm, mà ND còn liên kết với các doanh nghiệp, liên kết với các cơ sở khoa học kỹ thuật. Qua sơ kết, cho thấy hiệu quả rất rõ của cánh đồng mẫu lớn, đó là năng suất, chất lượng tăng, ND yên tâm về vấn đề tiêu thụ nông sản.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về NN, ND, NT; KL 61, QĐ 673, T.Ư Hội đã xây dựng chương trình, có NQ về tham gia vận động phát triển kinh tế tập thể trong NN, NT. Ở những nơi có điều kiện, Hội đã nhạy bén nắm bắt xu hướng phát triển để tổ chức vận động, khuyến khích, động viên, hỗ trợ ND phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nhất là tham gia xây dựng những cánh đồng mẫu lớn.

Để có những cánh đồng mẫu lớn, theo Chủ tịch trong tái cơ cấu ngành NN, cần ưu tiên vấn đề gì?

NN nước ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn: Sản xuất nhỏ, manh mún; cơ sở hạ tầng phục vụ cho NN lạc hậu; ngân sách nhà nước đầu tư cho NN, NT tuy có tăng, nhưng so với yêu cầu còn rất thấp. Trong khi đó, đầu tư xã hội vào khu vực NN, NT vẫn thấp, thậm chí còn giảm. Lý do quan trọng là cơ chế, chính sách của chúng ta chưa thực sự khuyến khích, hấp dẫn để thu hút các nguồn đầu tư xã hội vào NN, NT. Tôi cho rằng trong tái cấu trúc kinh tế NN phải quan tâm giải quyết vấn đề này. Phải có cơ chế, chính sách đột phá, thu hút mạnh các nguồn đầu tư xã hội, chứ chỉ trông vào đầu tư của ngân sách nhà nước thì không ổn.

Thứ hai, phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong phát triển hạ tầng, nên tập trung vào những hạng mục thiết yếu trước, có tính chất tạo điều kiện, mở đường, hỗ trợ cho những hạng mục khác. Để có những cánh đồng mẫu lớn hàng chục, hàng trăm ha cần có hạ tầng thích ứng. ND sức lực có hạn, doanh nghiệp phải lo ứng vốn, ứng giống cho ND, lo việc thu mua sản phẩm. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, ngân sách không khá giả, phải tập trung vào những hạng mục trực tiếp, thiết yếu nhất để làm trước. Trong xây dựng NT mới nói chung cũng phải như vậy.

Vấn đề nữa, phải nâng được quy mô sản xuất. Như hiện nay, bình quân mỗi hộ ND có 0,4-0,5ha đất canh tác thì khó mà sản xuất hàng hoá, nông sản nước ta khó có đủ sức cạnh tranh với nông sản trong khu vực và thế giới. Vì vậy, phải tích tụ đất đai; phải phát triển nhiều trang trại, gia trại và phải sắp xếp lại trong ND. Một bộ phận ND tuy ở nông thôn nhưng sẽ chuyển ruộng cho những người có khả năng làm tốt hơn. Tôi thấy cách làm của Hà Nội rất hay. Khuyến khích các địa phương hình thành cánh đồng mẫu lớn, thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho việc đo đạc phục vụ công tác quy hoạch đồng ruộng và cả công tác tuyên truyền, giải thích để ND hiểu lợi ích mà tự nguyện tham gia; hỗ trợ 70% kinh phí xây dựng hạ tầng, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho ND mua máy cày, máy làm đất, máy gặt đập... Đây cũng chính là đổi mới cách đầu tư cho NN, NT.

Năm 2013 sẽ diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ VI Hội NDVN. Nội dung xây dựng giai cấp NDVN đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế được T.Ư Hội đặt ra thế nào, thưa Chủ tịch?

Để làm cánh đồng mẫu lớn phải có những vùng đi trước. Trong từng tỉnh có huyện đi trước... Chứ dàn hàng ngang cùng làm thì hiệu quả rất thấp và mãi mãi có khi là chắp vá, chỗ nào cũng dở dang.

Xây dựng giai cấp NDVN vững mạnh là thực hiện mục tiêu Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X): “ND được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị đóng vai trò làm chủ nông thôn mới...”. Trong nhiệm kỳ tới, với tinh thần chủ đạo “Nâng cao chất lượng ND”, chúng tôi xác định phải nâng “3 cái thức” của ND lên. Thứ nhất, nâng cao nhận thức. Thứ hai, nâng cao kiến thức. Thứ ba, nâng cao ý thức. “Tam thức” này mà làm được thì chất lượng ND chắc chắn sẽ nâng lên.

Việc này phải có lộ trình, có kế hoạch, nằm trong nội dung của công tác tuyên truyền, vận động và phụ thuộc vào kết quả của hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề; trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội viên...

Còn về phía người ND, theo Chủ tịch, ND phải có trách nhiệm gì với đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Tôi sinh ra từ gia đình ND, lớn lên ở NT nên tôi rất hiểu ND. Tôi nói thật, một bộ phận ND còn tâm lý ỷ lại. Vì thế mới có tình trạng “chạy” hộ nghèo, “phân công” nhau nghèo để hưởng chính sách ưu đãi. Tâm lý này lan tới cả một số cấp ủy, chính quyền. ND cần phát huy bản chất tuyệt với của NDVN: Cần cù, chịu khó, sáng tạo, không dựa dẫm, không ỷ lại. Phải hiểu Đảng, Nhà nước muốn quan tâm chăm lo đầu tư cho ND nhiều lắm, nhưng điều kiện, khả năng của đất nước còn có hạn. Hiểu điều này để ND yên tâm, bền bỉ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem