“Ôm việc” và “xin - cho”

Thứ tư, ngày 12/03/2014 11:19 AM (GMT+7)
Sau hơn 1 tháng ra quyết định đình chỉ tuyển sinh 207 ngành của các trường đại học, Bộ GDĐT vừa mới cho phép lại 62 ngành.
Bình luận 0
Việc can thiệp này được cho là để “đảm bảo chất lượng đào tạo” vì các trường chưa đáp ứng đủ điều kiện tuyển sinh.

Và sau hơn 1 tháng, cho rằng các trường đã cải thiện tình hình nên bộ nới ra cho 62 ngành. Phóng viên của VTV đã hỏi thẳng một lãnh đạo Bộ trong chương trình phát sóng tối 5.3 rằng, liệu có phải có hiện tượng “xin-cho” hay không? Câu trả lời hiển nhiên là không có.

Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là Bộ GDĐT ôm đồm dẫn tới tạo ra những khuyến khích cho chuyện xin-cho.

Tự trị đại học là câu chuyện cổ và ở nước ta cũng không quá lạ trước 1975. Tự trị đại học thường được hiểu là trường đại học tự trị về tổ chức, về tài chính, về nhân sự, và về học thuật (kể cả chương trình đào tạo). Có những nơi sự tự trị đến mức cảnh sát muốn vào khuôn viên đại học phải xin phép và nếu không được phép thì không được vào.

Bộ GDĐT có quyền quản lý nhà nước, song không được can thiệp vào quyền tự trị của các trường đại học. Trường tổ chức thế nào, bổ nhiệm ai làm giáo sư, dạy môn gì, dạy như thế nào… đấy là việc của họ chứ không phải việc của bộ hay của bất cứ cơ quan nhà nước nào. Đáng tiếc ở ta không như vậy. Bộ can thiệp vào mọi thứ, từ tổ chức cán bộ, bổ nhiệm giáo sư, chương trình hoặc khung chương trình, đến việc tuyển sinh. Bộ ôm quá nhiều việc không phải của mình. Cho nên nền đại học của chúng ta èo uột là không khó hiểu.

Quay lại chuyện tuyển sinh và ngành học. Chỉ có cuộc sống, xã hội, thị trường, người dân mới đánh giá được về chất lượng của mỗi trường. Các trường phải cạnh tranh nhau và phải giữ uy tín của mình nếu muốn tồn tại và phát triển. Tạo ra khung pháp lý mà trong đó các trường hoạt động là việc chính của bộ. Giám sát cũng là một nhiệm vụ, nhưng bộ nên tạo cơ chế giám sát lẫn nhau thì tốt hơn (thí dụ, để cho Hiệp hội các trường đại học lo việc này hữu hiệu hơn Nhà nước rất nhiều).

Vấn đề đình chỉ việc tuyển sinh 207 ngành rồi lại “thả” 62 ngành chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng nó đụng đến những vấn đề lớn là vấn đề thể chế. Cải cách thể chế trước hết là cải cách tư duy, cải cách “cái đầu” của những người có quyền quyết định. Người đó phải xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của Nhà nước ở mỗi lĩnh vực là gì. Tất nhiên ai ở ngành nào đều muốn đề cao ngành ấy và cố ôm càng nhiều vai trò và nhiệm vụ càng tốt.

Điều ấy không lạ và khá tự nhiên với bản tính con người. Cải cách thể chế phải tính cả đến những đặc tính “dở” nhưng rất tự nhiên đó của con người và tìm cách hạn chế chúng, chẳng hạn qua thảo luận, phản biện độc lập. Và cạnh tranh chính trị, minh bạch, khuyến khích báo chí và nhân dân lên tiếng, tham gia vào công việc chung là những cơ chế có thể giám sát chất lượng giáo dục đại học - hơn cách can thiệp như hiện nay rất nhiều.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem