Cách đây 6 năm, ruộng đồng bà con trong phum sóc luôn bị mặn, hạn đe dọa, có năm mất trắng. Ông Khen ra miết ngoài đồng, ngắm tới ngắm lui, cuối cùng, ông quyết định vay gần 20 triệu đồng mua máy bơm nước, ống dẫn, rồi vận động 50 hộ làm ô đê bao khép kín. Năm đó, những hộ có ruộng trong ô trúng mùa.
|
Ông Danh Khen bên chòi nuôi dơi. |
Ô đê bao trở thành mô hình mẫu, được nhân ra nhiều nơi trong huyện. Thạc sĩ Võ Khiêm - Phó Trưởng phòng NNPTNT Hồng Dân, cho biết: Đó là mô hình liên kết của 50 nông hộ với khoảng 50ha ruộng lúa. Bên trong là ruộng của từng hộ sản xuất đa canh theo các hệ thống canh tác tổng hợp: Lúa - cá đồng; lúa - màu; lúa 2-3 vụ…
Toàn ô được thiết kế gói gọn trong vòng một đê bao khép kín, có mương lớn bao ngạn, mương nội đồng và đặc biệt là tổ chức đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, có khả năng điều tiết nước chủ động hoàn toàn, có thể chống hạn, mặn tuyệt vời.
Hiện cả chục công đất lúa của gia đình ông lúc nào cũng xanh mướt, năng suất thì cao nhất xóm; mấy ao cá, chật kín các loài trê, phi, trắm, mè; đàn heo bóng mượt; cả trăm con gà thả vườn cung cấp thịt và bán luân phiên. Làm nông giỏi có tiếng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp hay lui tới ông. Lần nọ, nghe họ cần tìm nguyên liệu phân dơi, ý nghĩ loé lên trong đầu ông Khen.
Năm 1995, ông mở chòi nuôi dơi. Làm chơi ăn thiệt. Mỗi tháng, ông thu mấy trăm kg phân dơi “nguyên chất” giao cho các công ty sản xuất phân bón. Phân dơi được thương lái đến tận nơi thu mua. chuyển lên các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ… để bán cho các nhà vườn. “Nuôi dơi thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng, kỹ thuật nuôi đơn giản, lại có đầu ra ổn định” - ông nói.
Năm 1996, ông đi tham quan mô hình ở An Giang trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu khoa học Việt Nam - Hà Lan. Ông thấy hệ thống lò sấy lúa ở An Giang khá hiệu quả, lúa hè thu khỏi lo hư hao, thất thoát. Ở Bạc Liêu và quê ông, ai cũng trăn trở chuyện tổn thất vì thu hoạch lúa hè thu vào thời điểm mưa dầm, không phơi được. Ông Danh Nhim- nguyên Trưởng ấp Bà Gồng, đã cung cấp vốn để ông Khen xây 1 lò sấy 8 tấn lúa/mẻ. Lò sấy của ông được chuyên gia Phan Hiếu Hiền (Trường ĐH Nông nghiệp Thủ Đức, TP.HCM) khen ngợi.
Các nơi trong, ngoài tỉnh mời ông đi xây lò sấy lúa. Đến nay, ông đã xây cả chục lò, tay nghề cứng như “chuyên gia”. “Nhờ có lò sấy lúa hiện đại của ông Khen, ND vùng sâu Hồng Dân đỡ lo khâu phơi lúa” - ông Danh Xem - “già làng” sóc Bà Gồng, nhận xét.
Ông Khen được đánh giá là một trong những thành viên về môi trường xanh, sản xuất xanh, bền vững. Ông đã tự tay thiết kế, lắp đặt trên 300 cầu vệ sinh tự hoại cho các hộ ND; lắp đặt gần 100 cầu tự hoại khác cho ND huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Hội ND huyện, Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Bạc Liêu đã đặt hàng ông lắp đặt gần 200 túi biogas cho các hộ nghèo.
Vũ Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.