Ông Biden và nhóm G7 chuẩn bị chấp thuận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

11/06/2021 15:59 GMT+7
Nếu được chấp thuận rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ chấm dứt việc các tập đoàn toàn cầu tìm kiếm những khu vực có thuế doanh nghiệp thấp như Ireland và Quần đảo Virgin thuộc Anh để đặt trụ sở chính.

Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo nhóm G7 dự kiến sẽ công khai xác nhận thông qua mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% vào hôm 11/6 (giờ địa phương) như một phần của thỏa thuận rộng hơn nhằm tái thiết lập luật thuế quốc tế cho một nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu hóa.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ công bố kế hoạch thay thế thuế kỹ thuật số, vốn nhắm vào các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ, bằng một kế hoạch thuế mới nhắm đến những nơi các công ty đa quốc gia đang kinh doanh thay vì nơi họ đặt trụ sở.

Đối với chính quyền Biden, kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu thể hiện một bước đi mới hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng cho tầng lớp trung lưu. Thông qua chiến lược này, ông Biden tham vọng rằng quá trình toàn cầu hóa và hoạt động thương mại mang lại lợi ích cho những người lao động Mỹ đang làm việc chứ không chỉ cho các tỷ phú hay các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Biden và nhóm G7 chuẩn bị chấp thuận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng thống Biden và nhóm G7 chuẩn bị chấp thuận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Bộ Tài chính Mỹ đã đi đầu trong việc thuyết phục các quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Bộ đã công bố mức thuế mục tiêu 15% sau hàng loạt cuộc đàm phán sớm với các quan chức nước ngoài trong nhiều tuần qua. Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia kiêm phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia trả lời tờ CNBC rằng nỗ lực thuyết phục các đồng minh áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được thúc đẩy bởi cả hai yếu tố: kinh tế và an ninh quốc gia. “Đó không chỉ là vấn đề thuế. Trọng tâm ở đây là làm thế nào để các chính phủ tài trợ cho những sáng kiến mà chúng ta cho là trọng tâm trong công cuộc đổi mới đất nước”.

Đối với phần còn lại của thế giới, kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm chấm dứt cuộc đua giảm thuế khiến hàng loạt nước cắt giảm thuế doanh nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia.

Nếu được chấp thuận rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt việc các tập đoàn toàn cầu tìm kiếm những khu vực có thuế doanh nghiệp thấp như Ireland và Quần đảo Virgin thuộc Anh để đặt trụ sở chính mặc dù hoạt động, đối tác và toàn bộ đầu não điều hành nằm ở nơi khác.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định: “Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt cuộc đua hạ thuế doanh nghiệp giữa các quốc gia, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động Mỹ cũng như trên toàn thế giới”.

Việc G7 thống nhất thông qua thuế doanh nghiệp tối thiểu có thể sẽ đóng vai trò bàn đạp để đạt một thỏa thuận thuế rộng rãi hơn tại G20, một quan chức cấp cao Mỹ cho hay. 

Một tuyên bố chung do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra hôm 10/6 đã tiết lộ một triển vọng đáng mong đợi về thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu trong nhóm G7. “Chúng tôi cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% trên cơ sở từng quốc gia”. Là một phần của thỏa thuận, “chúng tôi sẽ thúc đẩy việc loại bỏ tất cả thuế kỹ thuật số và các biện pháp tương tự có liên quan khác đối với tất cả doanh nghiệp”.

Việc loại bỏ thuế kỹ thuật số nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia mà đa số có trụ sở tại Mỹ thể hiện một chiến thắng thực sự của Washington. Bởi trước đó, Chính phủ ở các nền kinh tế lớn trong nhiều năm qua đã thảo luận nhiều về việc áp thuế kỹ thuật số các đại gia công nghệ lớn trên toàn cầu, chẳng hạn như Facebook hay Google. Điều này đã gây ra căng thẳng giữa chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nước châu Âu. Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế trả đũa với những quốc gia theo đuổi thuế kỹ thuật số gây bất lợi cho các đại công ty công nghệ Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng việc loạt bỏ thuế kỹ thuật số sẽ làm tăng thêm mức độ bền vững cho hệ thống thuế toàn cầu, đồng thời mang lại lợi ích cho các đại gia công nghệ trong dài hạn, ngay cả khi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Khi các nhà lãnh đạo G7 thông qua đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, bước tiếp theo sẽ là giành được sự ủng hộ của các quốc gia G20, một nhóm các nền kinh tế đa dạng hơn bao gồm cả các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. 

Các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 dự kiến gặp nhau tại Venice, Ý vào tháng 7 tới. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có giành được sự ủng hộ của 19 quốc gia thành viên và Liên minh châu Âu hay không.


NTTD
Cùng chuyên mục