Ông Đặng Văn Thành... và tham vọng ngành mía đường

Quốc Hải Thứ năm, ngày 18/05/2017 14:32 PM (GMT+7)
Sau “cú ngã” tại Sacombank bởi chính vũ khí M&A (mua bán và sáp nhập) ông Đặng Văn Thành trở về với “đứa con” ban đầu mà ông cùng vợ mình xây dựng nên là mía đường Thành Thành Công.
Bình luận 0

Mới đây nhất, thông tin từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG), từ 31.8.2016, Tập đoàn này đã hoàn tất việc chuyển nhượng mảng mía đường tại Lào cho đối tác thứ 3.

Tuy thông tin về đối tác thứ 3 này chưa được công bố chính thức nhưng khả năng lớn nhất là Tập đoàn Thành Thành Công bởi ngay từ đầu năm 2016, Thành Thành Công và HAGL đã nhiều lần ngồi lại thương thảo với nhau về thương vụ chuyển nhượng này. Chưa kể, mối quan hệ giữa 2 tập đoàn này đã có từ khi HAGL bắt đầu trồng mía ở Lào.

img

Cha đẻ của Sacombank đang có tham vọng về một  "Đế chế" mía đường (Ảnh: IT)

Tham vọng về một "tập đoàn" mía đường

Nói đến Thành Thành Công (TTC Group), nhiều người nghĩ đến ngay mảng mía đường mà Tập đoàn này đang giữ vai trò chi phối. Hiện, TTC Group đang sở hữu 2 doanh nghiệp nổi tiếng của ngành đường Việt Nam là Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS) và Công ty CP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), cùng gần 10 công ty thành viên khác cũng khá “đình đám” trong ngành mía đường Việt Nam như: SEC Gia Lai, Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà,...  với công suất của các nhà máy đạt từ 3.500 đến 9.800 tấn mía/ngày.

Một điều đáng chú ý, hệ thống các doanh nghiệp mía đường này được ông Đặng Văn Thành gây dựng nên qua một quá trình M&A bền bỉ trong một thời gian dài.

Không dừng lại ở tham vọng trở thành “ông trùm” ngành mía đường trong nước, TTC Group đã nhanh chóng nhắm tới mảng mía đường tại Lào, thông qua việc muốn mua lại nhà máy mía đường của HAGL. Đây là nhà máy có công suất 7.000 tấn mía/ngày với 12.000 ha mía nguyên liệu, trong đó có 8.000 ha do HAG sở hữu và 4.000 ha do người dân địa phương canh tác. Đây cũng là nhà máy có công suất lớn thứ 2 sau Công ty CP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh.

Như vậy, nếu thực sự đối tác thứ 3 mà HAGL nhắc đến là TTC Group thì thị phần ngành đường của Tập đoàn này trong nước sẽ không dừng lại ở con số 30% như hiện tại.

Đặc biệt, tham vọng của “cha đẻ” Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành không dừng lại chỉ ở việc mở rộng quy mô ngành đường mà còn vươn xa ra các nước trong khu vực. Bằng chứng là TTC Group đang có kế hoạch sáp nhập BHS và SBT nhằm đưa TTC Group trở thành “đế chế” ngành mía đường trước khi mang doanh nghiệp này niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore (SGX). Cụ thể theo tính toán, sau khi sáp nhập 2 doanh nghiệp này, TTC Group sẽ có công ty quy mô lớn nhất ngành mía đường Việt Nam, vốn hóa đạt 10.000 tỷ đồng với doanh thu hàng năm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Chưa kể, TTC Group cũn đang nhắm mục tiêu mở rộng mảng diện tích trồng mía tại Campuchia lên 2,5 lần, đạt 20.000 ha.

Cơ hội tăng “độc quyền”?

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 39 DN mía đường đang hoạt động. Trong đó, TTC Group đã có hơn 10 DN là công ty thành viên, nếu “thâu tóm” xong mảng mía đường của HAGL thì cơ hội chi phối ngành đường của TTC Group càng bành trướng hơn nữa.

Trong một cuộc tiếp xúc gần đây với báo chí, ông Đặng Văn Thành từng cho biết, TTC Group đang nắm khoảng 30% thị phần trong nước. Trong đó, riêng với hai thương hiệu đường Biên Hòa và TTC Tây Ninh thậm chí còn nổi tiếng nhất cả nước và có mặt ở mọi kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, mini mart), lẫn truyền thống (chợ, tạp hóa...). Đây mới chỉ là thị phần của TTC Group khi chưa tính đến mảng mía đường của HAGL.

Một chuyên gia trong ngành nhận định, việc các DN lớn cùng nằm trong một hệ thống TTC Group là một thuận lợi đáng kể để các DN này chi phối giá đường thuận lợi hơn. Thực tế, trên thị trường giá bán các sản phẩm của các DN này cũng cao hơn, năng suất tiêu thụ cao do trùm phủ thị trường về thị phần sản xuất, phân phối,... Vì vậy, không gì là ngạc nhiên khi các doanh nghiệp thuộc TTC Group có điều kiện ghi nhận biên lợi nhuận cao hơn nhiều so với những DN cùng ngành khác.

Đặc biệt, cơ hội sẽ càng lớn hơn cho TTC Group nếu “thâu tóm” mảng mía đường của HAGL. Nên nhớ, HAGL đang được ưu đãi nhập khẩu đường vào VN với mức thuế ‘bảo hộ” đặc biệt, chỉ 2,5% cho hạn ngạch 30.000 tấn trong năm 2016 và 2017. Có nghĩa là trong ngắn hạn, TTC Group vẫn được hưởng lợi từ nhập khẩu đường thấp, đồng thời có thể tăng lợi ích kép từ nguồn cung tăng lớn, lực chi phối mạnh hơn, khả năng giữ giá cao tốt hơn, nhất là nếu ngành đường áp dụng thí điểm đấu giá nhập khẩu đường trong năm nay...

Hiện TTC Group có 26 công ty thành viên, 01 công ty hạt nhân là Đầu tư Thành Thành Công và 3 công ty liên kết. Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn đang được niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán như: Sacomreal (SCR), Du lịch Thành Thành Công (VNG), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), CTCP Điện Gia Lai (GEG),…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem