Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói gì về tăng trưởng tín dụng thời chính sách “nghịch chu kỳ”?

27/12/2020 09:36 GMT+7
"Nếu chúng ta nhìn vào con số mục tiêu và cho rằng kết quả 10% hay 11% tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 là thấp hay không đạt mục tiêu, tôi cho rằng không phải vậy”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright chia sẻ với phóng viên Dân Việt khi đánh giá về tăng trưởng tín dụng năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tăng trưởng tín dụng có thể đạt tới 11%

Báo cáo của NHNN cho thấy, cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III tăng 6,08% và đến 21/12/2020 tín dụng đã tăng 10,14%. Dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019. Đó cũng là kết quả tích cực trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói gì về tăng trưởng tín dụng thời chính sách “nghịch chu kỳ”? - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng có thể đạt tới 11% năm 2020.

Đặc biệt, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, so với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%, đáng chú ý tín dụng đối với DNNVV cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19 tăng 11% - tăng cao hơn mức chung của toàn ngành. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Tại các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng ghi nhận sự bứt tốc trong 2 tháng gần đây. So với những tháng nửa đầu năm, tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại đang tăng gấp 3, gấp 4 lần trong những tháng gần đây. Đơn cử như tại HDBank, tín dụng 11 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 11% so với cuối năm 2019.

Ngân hàng lớn nhất hệ thống là Vietcombank, sau những tháng tăng trưởng âm thì tín dụng cuối năm cũng bật tăng trở lại. "Đến hết tháng 11/2020, tín dụng tại Vietcombank đã tăng trưởng 10% và mới đây được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room lên 14%. Dự kiến, tín dụng cả năm của Vietcombank sẽ tăng 13 - 14%" - ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho hay.

Tại nhiều ngân hàng TMCP như HDBank, TPBank, VPBank, VIB…, đến thời điểm này, tín dụng cũng đã tăng trên 20%.

Tăng trưởng tín dụng tích cực từ chính sách nghịch chu kỳ?

Đánh giá về chính sách điều hành tín dụng trong năm vừa qua, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, với mức tăng trưởng tín dụng đạt được đến thời điểm này là con số hết sức tích cực.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói gì về tăng trưởng tín dụng thời chính sách “nghịch chu kỳ”? - Ảnh 3.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright

Lý giải về vấn đề này, vị chuyên gia kinh tế đến từ Fulbright dẫn chứng: "Nhìn vào tăng trưởng kinh tế của nước ta, hiện nay khoảng 2,5 đến 3% trong năm 2020. Nếu như chỉ số lạm phát của chúng ta là 3,5%. Như vậy, tăng trưởng GDP danh nghĩa vào khoảng 6,5%. Trong khi tăng trưởng tín dụng theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước lên tới 10%, tổng phương tiện thanh toán trên 12%. Như vậy, đó là mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh chứ không phải là tăng trưởng thấp".

Những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng đều trên khoảng 13%. Bước sang năm 2020, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 – 14%. Tuy nhiên, mục tiêu này đặt ra khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. "Nếu chúng ta nhìn vào con số mục tiêu và cho rằng kết quả 10% hay 11% tăng trưởng tín dụng của năm nay thấp hay không đạt mục tiêu, tôi cho rằng không phải như vậy", ông Tuấn bổ sung thêm.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói gì về tăng trưởng tín dụng thời chính sách “nghịch chu kỳ”? - Ảnh 4.

Tại các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng ghi nhận sự bứt tốc trong 2 tháng gần đây (Ảnh minh họa).

Hơn nữa, phải nói một cách khách quan, đó là NHNN đã nỗ lực thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng tốt, đặc biệt là trong bối cảnh mọi người lo ngại việc đẩy mạnh tín dụng sẽ tạo ra hệ lụy nợ xấu trong tương lai.

"Nghiên cứu của tôi cho thấy, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các nước trên thế giới đều chuyển từ chính sách thuận chu kỳ trước đây sang chính sách nghịch chu kỳ trong bối cảnh hiện nay để cứu nền kinh tế. Tức là khi nền kinh tế đi xuống thì chính sách tài khóa và tiền tệ phải thực hiện chính sách nghịch chu kỳ. Anh không thể thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh hiện nay", vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm.

Việt Nam không phải ngoại lệ. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ khá linh hoạt, rất chủ động trong việc thực hiện hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, việc có tiếp cận được vốn vay hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không chỉ phụ thuộc vào nguồn cung mà quan trọng nhất vẫn là bản thân người đi vay.

"Đâu phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu đi vay, người có tiền họ cũng chỉ muốn gửi tiền vào ngân hàng. Doanh nghiệp bán được 1 lô hàng, nếu như những năm trước doanh nghiệp tái đầu tư nhưng bây giờ họ thấy triển vọng không tốt thì lại gửi vào hệ thống ngân hàng để chờ một cơ hội mới. Vì vậy, tăng trưởng chúng ta thấp không phải vì cung của chúng ta không thúc đẩy mà liên quan đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh", vì chuyên gia này nhấn mạnh.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục