“Ông lớn” PVOIL sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ để kinh doanh tạp hóa, cà phê (Ảnh: IT)
Không sợ cạnh tranh với cây xăng Nhật
Trả lời câu hỏi của Dân Việt tại buổi họp báo công bố kế hoạch triển khai bán xăng sinh học E5 RON 92 đại trà sớm hơn 15 ngày, ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL đã cho biết một kế hoạch đầy táo bạo của PVOIL trong vòng 5 năm tới sau khi cổ phần hóa.
Cụ thể, ông Cao Hoài Dương cho biết, hiện PVOIL đã lên kế hoạch dự kiến sẽ đầu tư trên 10.000 tỷ đồng dựa trên nguồn vốn tự có và vay ngân hàng cho lĩnh vực kinh doanh phí xăng dầu. “Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, các điểm dịch vụ sửa chữa xe, cà phê giải khát…ở 2/3 trong tổng số các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc trong vòng 5 năm tới”, ông Dương nói. Theo ông Dương, dự kiến sau 5 năm cổ phần hóa, PVOIL sau khi lựa chọn được đối tác chiến lược, có năng lực tài chính, kinh nghiệm vận hành…PVOIL dự kỳ vọng trong 5 năm tới có khoảng 1.500 đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.
Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL cho biết, công bố đã sẵn sàng cho việc kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 RON 92 từ ngày 15.12 tới đây, sớm hơn 15 ngày so với quy định. Hiện công ty đã tính toán, cân đối công suất pha chế của các trạm, tiếp tục đưa một số trạm pha chế khác đi vào hoạt động trong tháng 12.2017 với sản lượng khoảng 800.000 tấn/năm nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu cho toàn bộ hệ thống phân phối 540 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của công ty và hơn 3.000 cửa hàng xăng dầu của đại lý có hợp tác với PVOIL. |
Trước câu hỏi của Dân Việt về đối thủ cạnh tranh kinh doanh xăng dầu là Tập đoàn hàng đầu về kinh doanh xăng dầu Idemitsu Kosan (IQ8) của Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam, liệu PVOIL có lo ngại, ông Cao Hoài Dương cũng thẳng thắng cho rằng: Tập đoàn IQ8 có cây xăng rất to đẹp ở khu công nghiệp Thăng Long. Nếu hỏi có lo lắng không thì chúng tôi sẽ trả lời là có lo nhưng không sợ, và nếu hỏi có muốn không thì đương nhiên chúng tôi trả lời là không muốn. Đã là doanh nghiệp chẳng ai muốn cạnh tranh nhưng đây là xu thế tất yếu, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam là điều không thể tránh khỏi”, ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương, nếu doanh nghiệp sợ cạnh tranh thì đừng kinh doanh. Ông Dương cũng cho rằng, PVOIL cũng đã sẵn sàng và phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ mới có thể cạnh tranh được.
Theo ông Dương, thực tế hiện nay PVOIL cũng đã và đang phải cạnh tranh với rất nhiều doanh nghiệp đầu mới kinh doanh xăng dầu trên cả nước.
Hiện nay, Việt Nam có 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có 5 doanh nghiệp lớn nhất chiếm tới 90% thị phần. Thị trường xăng dầu Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 16 triệu tấn, còn Nhật Bản khoảng 287 triệu tấn (chỉ có 7 doanh nghiệp đầu mối) qua đó cho thấy quy mô thị phần của Việt Nam chỉ bằng khoảng 15% của Nhật Bản nhưng số lượng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh thì lại gấp 4 lần Nhật.
Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL cho biết sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh với người Nhật bán xăng (Ảnh: IT)
IPO giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phiếu
Cũng trong buổi gặp mặt báo chí, ông Cao Hoài Dương cho biết, trong đợt IPO dự kiến vào tháng 1.2018, PVOIl sẽ chào bán 20% lượng cổ phần. Ngoài ra, công ty sẽ chào bán 44,72% cho cổ đông chiến lược trong phương án cổ phần hóa.
Cùng ngày 8.12,sau công bố của PVOIL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần PVOIL. Theo đó, hình thức cổ phần hóa là bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
PVOIL cho biết sẽ bán đại trà xăng sinh học E5 trên toàn bộ hệ thống từ ngày 15.12, sớm hơn quy định 15 ngày (Ảnh: IT)
Theo Quyết định này, vốn điều lệ của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) là 10.342.295.000.000 đồng. Trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.864.300 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVOIL tối đa là 49% vốn điều lệ.
Quyết định cũng nêu rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
“Hiện đã có 19 doanh nghiệp đăng ký làm nhà cổ đông chiến lược, trong đó có nhiều nhà đầu tư là những tên tuổi xăng dầu lớn của thế giới”, ông Cao Hoài Dương cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.