Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giải trình KQKD của Yeah1, YEG thoát cảnh “nằm sàn”

22/03/2019 12:01 GMT+7
Ngày 21.3 là sắc tím xuất hiện tại cổ phiếu YEG sau 13 phiên giảm sàn liên tiếp. Trước đó, bất chấp những nỗ lực mua vào cổ phiếu YEG của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 và cá nhân ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, cổ phiếu YEG vẫn không thể thoát cảnh “nằm sàn”.

 

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. (Ảnh: Internet)

Lực bán mạnh xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) chiều 21.3 đã khiến đà giảm tại nhiều mã cổ phiếu trên TTCK Việt Nam nới rộng thêm và kéo chỉ số VnIndex lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21.3, VnIndex giảm 20,52 điểm (2,05%), xuống 981,78 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Một điểm đáng chú ý trên TTCK Việt Nam ngày 21.3 là sắc tím xuất hiện tại cổ phiếu YEG sau 13 phiên giảm sàn liên tiếp. Trong phiên gia dịch sáng 21.3, YEG được bắt đáy và tăng trần lên mức 102.300 đồng với thanh khoản đạt hơn 800.000 đơn vị.

Lực cầu này đã tạo thời cơ cho khối ngoại thoát hàng khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 600.000 đơn vị. Điều đáng chú ý là các phiên trước, YEG luôn có lượng dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị, nhưng trong phiên hôm nay, lực cung giá thấp bất ngờ được tiết giảm hết.

Tuy nhiên, theo tính toán, kể từ khi phải đối mặt với sự cố với YouTube, giá trị giao dịch của cổ phiếu YEG của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 giảm khoảng 2/3 so với giá trị niêm yết ngày chào sàn, vốn hoá Yeah1 vì vậy cũng giảm gần 6.400 tỷ đồng.

Trước đó, chiều 19.3, trong một văn bản do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YEG) ký tên, gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Yeah1 đã có những lý giải về sự thay đổi của lợi nhuận sau thuế hợp nhất (LNST) năm 2018 trước và sau kiểm toán.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của Yeah1 còn hơn 163 tỷ đồng, giảm 9,4% so với lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán được Yeah1 giải thích là do doanh nghiệp chủ động trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào Công ty Springme Pte.Ltd và tăng chi phí thẩm định đầu tư liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty ScaleLab LLC.

Ngoài ra, Yeah1 cũng tăng chi phí thẩm định đầu tư cho việc mua lại Công ty ScaleLab tại Mỹ. Sau khi bị YouTube công bố ngưng hợp tác, Yeah1 đã bán lại cho chủ sở hữu cũ bằng giá mua là 12 triệu USD.

Liên quan tới sự cố Youtube, đầu tháng 3.2019, Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã thông báo về việc Yeah1 đã nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (Content Hosting Agreement - CHSA) sau ngày 31.3.2019 đối với các công ty đầu tư tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. Đây đều là những công ty nước ngoài mà Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thâu tóm trong thời gian gần đây.

Theo thông báo, YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn, cụ thể là  Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

Còn về kết quả kinh doanh năm 2018 của Yeah1, sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận sau thuế TNDN hợp nhất của Yeah1 vẫn tăng trưởng 98,2% so với năm 2017.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Ảnh Nhượng tống cho biết: “Công ty đã tăng cường sáp nhập, mua bán một số công ty trong ngành và mở rộng một số mảng hoạt động kinh doanh mới làm tăng doanh thu cũng như thuế TNDN của cả Tập đoàn”.

P.V
Cùng chuyên mục