Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Không vì CPI tăng mà "ép" giá thịt lợn giảm xuống bằng mệnh lệnh hành chính

Khương Lực Thứ năm, ngày 28/05/2020 10:15 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, thịt lợn là một loại hàng hóa có quyền số được tính trong CPI và tác động nhất định đến CPI, nên chúng ta phải điều tiết. Tuy nhiên, phải điều tiết bằng các biện pháp kinh tế, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, hoặc “kêu gọi” giá phải xuống 60.000-70.000đ/kg thịt lợn hơi.
Bình luận 0

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam để làm rõ câu chuyện tác động của mặt hàng thịt lợn trong rổ hàng hóa tính CPI và việc điều tiết giá thịt lợn như thế nào cho hợp lý, đảm bảo không "sốt giá", lợi ích của người chăn nuôi và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Không điều tiết giá thịt lợn bằng mệnh lệnh hành chính hay "kêu gọi" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. Ảnh: KH

Hiện nay giá thịt lợn đang tác động vào CPI. Vấn đề đặt ra là để kiểm soát được CPI khoảng 4% thì chúng ta có nên kiềm chế giá thịt lợn không?

- Chúng ta quan tâm đến việc phấn đấu để kiểm soát CPI theo mục tiêu đề ra khoảng 4% là đúng. Thịt lợn là một loại hàng hóa có quyền số được tính trong CPI và tác động nhất định đến CPI nên chúng ta phải điều tiết; nhưng phải điều tiết bằng các biện pháp kinh tế, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, hoặc "kêu gọi" giá phải xuống 60.000-70.000 đồng/kg thịt lợn hơi.

Mức giá hiện nay trên thị trường khoảng 100.000 đồng/kg thịt lợn hơi là mức giá thực tế của thị trường, nó được hình thành không chỉ do chi phí tăng ở mức độ nhất định nhưng quan trọng hơn là do cung – cầu mất cân đối và cả những yếu tố lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường để tăng giá không hợp lý cả về khía cạnh chi phí sản xuất và chi phí tiêu dùng. Vì thế, tình trạng "sốt giá" không hợp lý này cần phải được điều tiết, áp dụng các biện pháp bình ổn giá để "kéo" giá về mức hợp lý.

Giá thịt lợn hơi đã tăng lên 100.000 đồng/kg, việc đưa giá thịt lợn xuống trong khi nguồn cung còn thiếu là rất khó. Vậy việc kiểm soát giá thịt lợn tác động đến CPI nên tính toán thế nào cho hợp lý?

- Để kiểm soát CPI theo mục tiêu đề ra, chúng ta phải quan tâm điều tiết sự vận động của cả mặt bằng giá, chứ không chỉ giá thịt lợn. Với rổ hàng hóa đại diện tính CPI hiện nay khoảng 654 mặt hàng: Cơ chế vận hành của thị trường đan xen kết hợp giữa thị trường tự điều tiết dưới tác động của quan hệ cung – cầu cộng với những giải pháp kinh tế của Nhà nước tác động.

Thêm vào đó, nhà nước còn áp dụng nhiều biện pháp khác tác động đến mặt bằng giá như: Luôn bảo đảm cân đối cung cầu, chưa điều chỉnh giá những mặt hàng Nhà nước còn định giá, giữ bình ổn lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, giữ lạm phát cơ bản theo mục tiêu đề ra… thì thị trường sẽ có những loại hàng hóa giá tăng, có loại giá giảm (hợp lý) bù trù cho nhau đó là thị trường.

Đối với giá thịt lợn, nếu chúng ta áp dụng có hiệu quả các giải pháp tăng cung kết hợp các giải pháp tài chính, tiền tệ… hy vọng giá sẽ giảm dần và sẽ hạn chế tác động thiếu tích cực đến CPI.

Với quyền số 4,2% đối với mặt hàng thịt lợn, trong khi đó rổ thực phẩm có rất nhiều mặt hàng. Vấn đề đặt ra, với quyền số như thế có lớn và có cần xem xét điều chỉnh, nhất là khi nó đang ảnh hưởng tới CPI hiện nay?

- Chúng ta không thể chủ quan đưa tỷ trọng này xuống theo ý muốn để cho "đẹp" con số  - mà lại là con số không thực. Bởi vì, cơ cấu quyền số giữa các nhóm hàng hóa nó phản ánh xu thế tiêu dùng. 

Khi xác định quyền số trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng là phải dựa trên kết quả điều tra mức sống của dân cư trong từng thời kỳ, từ đó mà tính toán tỷ lệ chỉ tiêu của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ so với tổng giá trị chi tiêu của dân cư. Vì thế, chúng ta không thể tùy tiện thay đổi, nếu không tiến hành tổ chức điều tra lại mức sống của dân cư hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Không vì CPI tăng mà "ép" giá thịt lợn giảm xuống bằng mệnh lệnh hành chính - Ảnh 2.

Giá thịt lợn tăng đang ảnh hưởng đến chỉ số CPI

Lương thực, thực phẩm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Nhưng có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát giảm giá như mặt hàng thịt lợn, rồi dừng xuất khẩu gạo vừa qua sẽ ảnh hưởng, tác động lớn đến thu nhập, đời sống của nông dân. Vậy có cách nào để hài hòa vấn đề lợi ích, đảm bảo thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân?

- Đây là những mặt hàng vận hành theo cơ chế giá thị trường, cho nên vai trò của nhà nước ở đây  là "điều tiết" thị trường bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu để bình ổn giá thị trường ở mức hợp lý chứ không phải áp đặt các biện pháp "kiểm soát" giá theo kiểu cơ chế cũ, nhằm không để xảy ra tình trạng "sốt giá" tạo nên những tác động trái ngược về lợi ích trên thị trường như: Giá tăng quá cao không hợp lý thì người sản xuất có lợi, nhưng lại ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người tiêu dùng; ngược lại giá giảm quá thấp không hợp lý thì lợi ích của người sản xuất bị ảnh hưởng, nhưng người tiêu dùng lại có lợi hơn.

Đối với việc tạm dừng xuất khẩu gạo vừa qua chỉ là trường hợp đặc biệt để bảo đảm an ninh lương thực khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhưng vẫn phải đẩy mạnh mua vào phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước như: dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông, dự trữ xuất khẩu, tiêu dùng dân cư… nhằm làm cho nhu cầu về gạo không bị giảm đột ngột so với cung để ngăn giá sụt giảm không hợp lý.

"Vì thế, việc điều tiết thị trường nói chung đầu tiên là phải tổ chức tiêu thụ hết hàng hóa cho người sản xuất với giá bảo đảm nguyên tắc tối thiểu là bù đắp chi phí sản xuất, lưu thông và có lãi hợp lý. Trên cơ sở đó, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng với giá chấp nhận được. Trong đó, việc điều tiết giá thịt lợn hiện nay bằng các biện pháp tăng cung để đáp ứng nhu cầu như: tái đàn, nhập khẩu, sắp xếp hợp lý mạng lưới lưu thông… để "kéo" giá thị trường về mức hợp lý vẫn phải bảo đảm được nguyên tắc trên".

(Ông Nguyễn Tiến Thỏa)

Xin cảm ơn ông!






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem