Ông Tập muốn Trung Quốc thành nền kinh tế trọng yếu của thế giới, thách thức Biden

25/01/2021 11:51 GMT+7
Không nghi ngờ gì, việc định nghĩa lại mối quan hệ Mỹ Trung sau khi nhậm chức chính là trọng tâm chính sách đối ngoại trước mắt của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp trực tuyến mở màn Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021. Đây là một thời điểm nhạy cảm, khi Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa nhậm chức chưa đầy một tuần, kết thúc nhiệm kỳ 4 năm đầy tranh cãi của người tiền nhiệm Donald Trump. Washington vẫn chưa kịp tái lập sự ổn định sau những sóng gió chính trị hậu bầu cử, nhất là vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 và nỗ lực luận tội cựu Tổng thống Trump.

Cho dù nội dung bài phát biểu của ông Tập ra sao, thông điệp mà Bắc Kinh muốn truyền tải đến thế giới đã quá rõ: đây là thời điểm lịch sử của Trung Quốc.

Ông Tập muốn Trung Quốc thành nền kinh tế trọng yếu của thế giới, thách thức Biden - Ảnh 1.

Ông Tập muốn đưa Trung Quốc thành nền kinh tế trọng yếu của thế giới, thách thức Biden

Ít lâu trước đó, tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc chưa từng có trong một thập kỷ”. Theo vị lãnh đạo cấp cao này, “tình huống và thời điểm hiện tại” đều đang có lợi cho Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden đã hứa hẹn sẽ hàn gắn nước Mỹ và thúc đẩy kinh tế phục hồi thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD cùng nhiều khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng. Trên bình diện quốc tế, trọng tâm chính sách đối ngoại của Biden được dự báo là tập hợp các đồng minh để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm 2021 rất có thể là năm của ông Tập Cận Bình chứ không phải Joe Biden. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quốc gia này nổi lên như nền kinh tế lớn đầu tiên và duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 nhấn chìm kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng đang bành trướng quyền lực mềm trên trường quốc tế thông qua nhiều hiệp định thương mại và đầu tư lớn cũng như chính sách ngoại giao vaccine tại hàng loạt quốc gia đang phát triển. 

Trên phương diện cá nhân, năm 2021 là năm quan trọng của ông Tập Cận Bình, trước khi Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc diễn ra vào nửa cuối năm 2022. Lần Đại hội này có khả năng kết thúc nhiệm kỳ dài của ông Tập trên cương vị nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, do đó năm 2021 sẽ là năm quyết định. 

Dù Mỹ muốn hay không, các quan chức Trung Quốc vẫn đang tăng cường tuyên truyền về khả năng phục hồi kinh tế và ổn định chính trị nhanh chóng của họ sau sự bùng phát đại dịch hồi năm 2020. Điều này tương phản trầm trọng với những rối loạn của nền dân chủ ở Mỹ. Thực tế là Trung Quốc đã tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 từ rất sớm, trong khi Mỹ hiện vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Tuần trước, Bắc Kinh báo cáo tăng trưởng kinh tế 2,3% trong năm 2020, vượt mức dự báo của IMF là 1,9%. Trong khi đó, Mỹ được dự báo tăng trưởng -3,6%, EU dự báo tăng trưởng -7,4% và kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng -4,3%. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU (số liệu tính đến hết tháng 11/2020). 

Thách thức lớn với chính quyền Biden lúc này là hàng loạt thỏa thuận thương mại và đầu tư mà Trung Quốc thúc đẩy thành công trong năm 2020 sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực phục hồi quan hệ liên minh với các đối tác ở châu Á và châu Âu. Hồi tháng 11/2020, Trung Quốc ký thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 14 quốc gia châu Á khác, trọng tâm là 10 quốc gia trong khối ASEAN. Sau đó một tháng, Bắc Kinh tung ra các nhượng bộ bất ngờ để phá vỡ thế bế tắc, đàm phán thành công hiệp định đầu tư với EU ngay trước khi Biden nhậm chức Tân Tổng thống Mỹ. 

Chủ tịch Tập Cận Bình còn thường xuyên bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ từng rời khỏi dưới thời ông Trump. Thông điệp của ông Tập được thể hiện rất rõ: Trung Quốc đang trở thành “nền kinh tế không thể thiếu” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Bài nhận định của Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Đại Tây Dương, một trong những nhóm nghiên cứu có ảnh hưởng nhất tại Mỹ về các vấn đề toàn cầu)


NTTD
Cùng chuyên mục