Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, năm 2016, Hà Nội sẽ tuyển sinh đầu cấp qua mạng, có kết nối với dữ liện dân số từ công an để phân tuyến. Theo PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, việc này sẽ tránh được tình trạng chen lấn, xếp hàng nộp hồ sơ.
Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?
- PGS.TS Văn Như Cương: Tôi cho rằng đây là phương án hợp lý. Các trường sẽ đưa ra các tiêu chí xét tuyển, công bố công khai trên internet, học sinh và phụ huynh nghiên cứu và lựa chọn trường phù hợp với mình và đăng ký trực tuyến. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian cho cả nhà trường và phụ huynh, tránh được tình trạng chen lấn hay chầu chực xếp hàng nộp hồ sơ đầy căng thẳng như trước đây.
PGS Văn Như Cương
Nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng mạng thí sinh ảo hay nghẽn mạng, khiến phụ huynh, học sinh “khóc ròng”. Ông có cho rằng sẽ có một “cú sốc” như hồi tuyển sinh đại học 2015?
- Tôi nghĩ điều này không đáng lo ngại vì theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh và phụ huynh sẽ có đến một tháng để đăng ký dự tuyển vào các trường mình đủ điều kiện và mong muốn vào học, nghĩa là họ đã có thời gian khá lâu để nghiên cứu và quyết định.
Mặt khác, với hình thức đăng ký trực tuyến, dữ liệu của thí sinh được kết nối với dữ liệu của công an trên địa bàn, nên có thể kiểm tra được ngay việc thí sinh đó có hộ khẩu tại địa phương hay không. Điều này giúp việc phân tuyến được thực hiện hợp lý hơn và triệt để hơn, góp phần giảm tải cho các khu vực quá đông dân cư, lượng học sinh lớn, giảm thiểu tình trạng thí sinh ảo.
Còn với những trường là điểm nóng tuyển sinh hàng năm như Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Amsterdam, Chu Văn An…, Sở đã có phương án khác là cho các trường được tuyển qua phỏng vấn. Số trường này cũng không nhiều, chỉ chiếm 0,5% trên tổng số trường của Hà Nội.
Bộ GD ĐT đã có quy định cấm thi tuyển lớp 6 dưới mọi hình thức. Nhưng Sở GD ĐT Hà Nội lại cho một số trường tuyển sinh thông qua phỏng vấn. Điều này có mâu thuẫn với quy định của Bộ không, thưa ông?
- Đúng là năm ngoái, khi Bộ GD ĐT cấm thi tuyển, chúng tôi đã đề nghị Sở được tuyển sinh thông qua phỏng vấn. Ban đầu, lãnh đạo Sở đã đồng ý, sau đó lại không cho phép do vướng quy định của Bộ. Năm 2015, Bộ quy định cả nước không được thi tuyển vào lớp 6. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo Bộ nhiều lần nhấn mạnh vấn đề này.
Tuy nhiên, trong khi các trường ở Hà Nội rất rối về phương án tuyển sinh nhưng vẫn phải tuân thủ quy định cấm thi thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa vẫn tổ chức thi tuyển lớp 6 công khai, thậm chí thi bằng tiếng Anh. Bộ vẫn lờ đi.
Còn tại Hà Nội, chúng tôi không được thi mà phải xét tuyển nhưng theo tiêu chí nào khi hầu như tất cả học sinh đăng ký đều có điểm cuối năm lớp 5 ở diện xuất sắc 9, 10, thậm chí toàn điểm 10? Trường tôi phải đưa thêm các tiêu chí phụ như học sinh có các loại giấy tờ chứng nhận các thành tích khác như thi giải toán qua mạng, bơi lội, cầu lông…
Có thông tin nói nhiều phụ huynh phải đi mua các loại giấy tờ này để làm đẹp hồ sơ cho con. Điều này dẫn đến việc tuyển sinh có những bất cập, tiêu cực nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường.
Với phương án phỏng vấn, chúng tôi có thể chủ động kiểm tra năng lực của từng em một cách xác thực và toàn diện. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng ngoài phỏng vấn, không có cách nào khác để không thi mà vẫn tuyển được một cách công bằng.
Thi tuyển còn có thang điểm rõ ràng, nếu phỏng vấn thì nhà trường làm thế nào để tuyển sinh minh bạch, công bằng?
- Phỏng vấn cũng có thể có thang điểm rõ ràng, chính xác chứ không phải cảm tính như mọi người nghĩ. Trong quá trình phỏng vấn, nhà trường có thể có ghi chép nội dung, thậm chí ghi âm, để phụ huynh có thể kiểm chứng thông tin.
Tất nhiên, việc thực hiện phỏng vấn hàng nghìn thí sinh sẽ khiến các nhà trường mất rất nhiều thời gian, nhưng như thế vẫn hơn vì trường đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển, thí sinh cũng được cạnh tranh công bằng.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.