Phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán

29/07/2020 06:33 GMT+7
Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch SSI cho rằng, thị trường có muốn tồn tại hay không thì phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán. Đấy mới là kênh huy động quan trọng nhất của thị trường.

Chiều 28/7, Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức tọa đàm "Ký ức và kỳ vọng" kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

Tại sự kiện này, TS Lê Văn Châu – vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên nhớ lại, ngày 28/7/2000 bảng giao dịch điện tử chứng khoán lần đầu tiên chính thức sáng đèn tại tòa nhà số 45-47 Bến Chương Dương (trước là Hội trường Diên Hồng), nay đổi thành số 16 đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM, trở thành thị trường giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

"Lúc đó, khó khăn nhiều lắm, quá trình "chuẩn bị" thị trường cũng mất mấy năm. Thậm chí ngay trước giờ G mở cửa thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp đồng ý niêm yết trong tổng số 15 doanh nghiệp đã được chuẩn bị trước đó", ông Châu nhớ lại và cho biết thêm, vào thời điểm đó đã có rất nhiều ý kiến. Có ý kiến nói rằng, cứ từ từ đợi thêm doanh nghiệp tham gia rồi mở cửa thị trường. Thế nhưng, chúng tôi vẫn quyến tâm và đến nay từ 2 doanh nghiệp đầu tiên, sau 20 năm đã có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.

"TTCK đã chuyển biến tốt rồi, nhưng cố gắng làm vài chục năm nữa cho hoàn chỉnh hơn, đi đúng quy luật phát triển của nền kinh tế. Từ đó, thực hiện tốt hơn nữa vai trò kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế", ông Châu nhấn mạnh khi nói về tương lại của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam giống như TS Lê Văn Châu, song ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) nhấn mạnh đến việc làm sao để cho thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường.

Ông Hưng cho rằng, "Nếu chỉ nói chung chung tính minh bạch thì rất khó, nhưng cuối cùng phải xác định được đối tượng cần bảo vệ. Những người nào không chủ động được hành vi của mình là những đối tượng cần được bảo vệ nhất. Vì vậy theo tôi, nhà đầu tư là đối tượng cần được bảo vệ nhất trên thị trường. Nhưng đối tượng bảo vệ ở đây không có nghĩa là dắt tay chỉ việc nhà đầu tư, mà đưa ra những chuẩn mực nhất định để áp dụng công bố thông tin minh bạch".

Theo Chủ tịch SSI, chuẩn mực thì không bao giờ hoàn thiện, luôn cập nhật sửa đổi nhưng hướng đến đối tượng cần bảo vệ nhất là nhà đầu tư trong nước.

Phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI)

Nói thêm về chủ đề này, ông Hưng cho rằng thị trường có muốn tồn tại hay không thì phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán. Đấy mới là kênh huy động quan trọng nhất của thị trường. "Còn chúng ta cứ nói thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư ngoại có vào thì họ cũng ra, đặc biệt các quỹ ETF. Lúc tốt thì tốt đấy, nhưng họ rút vốn ra cũng là nhanh nhất", ông Hưng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày một phát triển như hiện nay, ngày càng có nhiều nhà đầu tư mới tham dự vào thị trường. Chính vì vậy, Ủy ban chứng khoán đang phát triển một nên tảng giao dịch mới, với công nghệ hiện đại. Theo dự kiến, nền tảng mới sẽ được áp dụng từ cuối năm nay nhưng do ảnh hưởng từ dịch Covid 19, việc chính thức triển khai sẽ được lùi sang đầu năm 2021, tạo sự thông suốt trên thị trường, sẵn sàng đáp ứng số lượng lệnh giao dịch có thể tăng thêm khoảng 30% khi triển khai T+0 và trong cả những thời điểm số lệnh giao dịch chứng khoán tăng đột biến.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCK Nhà nước

Thế nhưng, làm thế nào để chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang vốn cho thị trường chứng khoán, theo ông Hưng đó là vấn đề không dễ. Quan trọng vẫn là phải gắn quyền lợi của các tổ chức, con người vào thì mới thực hiện được. Chỉ khi đó, thị trường chứng khoán mới thực sự bền vững, lành mạnh.

"Nhưng nói thế không có nghĩa hiện nay chúng ta đang kém. Khi chúng ta muốn xây một cái gì đấy thì phải đi từ 1 rồi 2, từng bước lên 10, chứ không có cách nào để mà hôm nay chúng ta 2 ngày mai chúng ta 10. Nếu ta đứng ở 10 để mà nhìn lại thì 2 hay 3 cũng giống nhau, nhưng thực ra 2 lên 3 đã là tốt lên 50%, 2 lên 4 là tốt lên 200% và không có gì mà đi quá nhanh được", ông Hưng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Tiến Dũng – một nhà đầu tư cá nhân gắn bó 20 năm với thị trường chứng khoán Việt Nam cho hay, đối với ông thay vì tiết kiệm ngân hàng thì ông luôn coi thị trường chứng khoán là một kênh tiết kiệm. "Ví dụ anh mua cổ phiếu MB, rồi để trong tài khoản cũng coi như gửi tiết kiệm ngân hàng bởi khoản đầu tư này vẫn sinh lời. Vì vậy, tiền gửi tiết kiệm của gia đình, tôi "ném" hết vào thị trường chứng khoán", ông Dũng cho hay.

Chia sẻ thêm về sự thành công của mình trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư này cho biết, ngay từ đầu khi bước chân vào thị trường chứng khoán ông Dũng đã xác định đây là một nghề nhưng bị nhiều người "cười" vì chỉ cho rằng đầu tư vào thị trường chứng khoán chỉ để "chơi" thôi. "Thế nhưng, sau 20 năm từ rất ít tiền, đến nay thị trường chứng khoán mang lại cho tôi rất nhiều từ kiến thức, kinh nghiệm lẫn tự chủ về tài chính. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục