Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cần thiết phải có điều kiện kèm theo.
Ngày 7.6, thảo luận tại hội trường báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cần thiết phải có điều kiện kèm theo.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2005-2012, có khoảng gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo; hỗ trợ đầu tư 468 cơ sở đào tào nghề, qua đó khoảng 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, đạt 100% kế hoạch, 60% số lao động này đã tự tạo việc làm hoặc tự tìm được việc; Đến năm 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế, khoảng trên 15 triệu người;
Từ năm 2005-2010, có khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, đào tạo 12.812 học sinh theo chính sách cử tuyển; Xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với ba triệu lượt người nghèo tham gia; tổ chức 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn.
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhân rộng ở 218 xã thuộc 35 tỉnh, tổng số hộ tham gia mô hình là 27.566 hộ, trong đó 77% là hộ nghèo, sau mỗi năm thực hiện mô hình, số hộ nghèo tham gia mô hình đã tăng thêm 15% ngày công làm việc, thu nhập của hộ tăng từ 20-25% và 15% số hộ nghèo tham gia mô hình đã thoát nghèo.
Thảo luận ở hội trường về giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhấn mạnh: “Cần có sự phân loại các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó có chính sách hỗ trợ cho từng loại đối tượng, tránh tình trạng những đối tượng đang hưởng hỗ trợ lười lao động, không muốn thoát nghèo vì sợ mất trợ cấp”.
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) thì cho rằng: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp để họ đầu tư vào khu vực nông thôn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quyết tâm đầu tư mạnh vào lĩnh vực này do tiềm ẩn rủi ro cao trong khi lợi nhuận lại thấp.
Đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề xuất: “Cần phân loại người nghèo thành 4 nhóm: Nhóm có khả năng sản xuất nhưng thiếu vốn, kỹ năng lao động; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, bệnh tật; nhóm không có khả năng lao động như người già, người có công; nhóm có khả năng lao động nhưng lười lao động. Sau khi phân loại sẽ có chính sách phù hợp để hỗ trợ, hạn chế tư tưởng xin được nghèo”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Chính phủ và Quốc hội luôn dành ngân sách rất lớn cho xóa đói giảm nghèo. Bình quân mỗi năm Quốc hội và Chính phủ dành 120 nghìn tỷ đồng cho công tác này, bao gồm cả ngân sách và tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, việc dàn trải trong chương trình mục tiêu quốc gia khiến hiệu quả xóa đói giảm nghèo giảm, thậm chí phản tác dụng. Ông Vinh cho rằng quan niệm ai nghèo cũng hỗ trợ như nhau là không phù hợp. Điều này khiến người nghèo không nỗ lực thoát nghèo, lười lao động.
Ông Vinh đề nghị: “Việc hỗ trợ các hộ nghèo cần đi kèm với điều kiện. Nếu không, việc cào bằng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ khiến người dân cảm thấy bất công khi một số hộ được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước trong khi không nỗ lực lao động. Đây là thực tế cần phải chấm dứt ngay”.
Long Nguyên (Long Nguyên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.