Thưa ông, hiện nay, người dân ở một số vùng dự án thủy điện đã không có nước, buộc phải "đi xin" thủy điện nước để sinh hoạt. Nguyên nhân do đâu?
- Khi một dự án thủy điện được hình thành, người ta phải chặn dòng để phát điện. Họ phải xây dựng hồ đập để tích nước và phát điện. Khi làm những việc này, vùng hạ du sẽ xảy ra thiếu nước. Muốn có nước, vùng này chỉ còn cách trông chờ vào các nhà máy thủy điện xả nước ra.
|
Nhiều dòng sông ở miền Trung bị bức tử do thuỷ điện tích nước. |
Lẽ ra, Bộ NNPTNT hoặc các sở ban, ngành của địa phương, các chủ đầu tư các nhà máy thủy điện phải cùng có trách nhiệm phối hợp để làm sao xả nước đủ hợp lý, đảm bảo đủ tưới tiêu và cho sinh hoạt tối thiểu của người dân nhưng chúng ta lại chưa làm đúng nên việc tranh chấp nguồn nước giữa thủy điện và sản xuất sinh hoạt của người dân mới xảy ra.
|
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN |
Nhưng thưa ông, khi quy hoạch các dự án thủy điện, các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định đã tính đến việc hài hòa nguồn nước để đảm bảo cho các nhà máy thủy điện hoạt động và cho sản xuất của người dân?
- Trên một dòng sông thường có một nhà máy thủy điện lớn ở đầu nguồn, sau đó là các nhà máy thủy điện thứ cấp hay còn gọi là nhà máy thủy điện nhỏ. Nhà máy lớn đổ nước xuống thì các nhà máy nhỏ hút nước ấy lại rồi tiếp tục nước theo dòng xả dần xuống. Mỗi lần xả nước như thế, các nhà máy, các địa phương đều lấy nước phục vụ cho mục đích của mình.
Từ trước đến nay chúng ta đều đã tính toán nước dựa trên quy trình vận hành như thế và vẫn nói đủ nước cho cả thủy điện và tưới tiêu cần thiết của nhân dân. Nhưng xin thưa đấy là tính toán của mùa mưa, còn mùa khô thì "chịu" không tính nổi, không đáp ứng nổi.
Thưa ông, nhiều lần chúng ta cũng đã cảnh báo việc có quá nhiều các công trình thủy điện nhỏ. Điều này không những không đem lại hiệu quả cho ngành điện, mà còn ảnh hưởng xấu nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp do gây thiếu nước?
- Đúng là như vậy. Tất cả là do lỗi quy hoạch thủy điện của chúng ta thôi. Chúng ta đã và đang phát triển quá nhiều nhà máy thủy điện không cần thiết. Chúng tôi cũng đã cảnh báo điều này từ rất lâu, song tình trạng "trăm nhà làm thủy điện, triệu người làm thủy điện" vẫn cứ tiếp diễn năm này qua năm khác.
Xin thưa là đầu tư thủy điện nhỏ không hiệu quả chút nào, vì điện của các nhà máy thủy điện nhỏ EVN không "thèm" mua vì họ có đủ điện từ thủy điện rồi thì mua làm gì; mùa khô cần điện thì thủy điện nhỏ lại không sản xuất được điện.
|
Đường ống lấy nước của một nhà máy thuỷ điện ở Gia Lai. |
Vậy trách nhiệm của ngành điện trong việc này như thế nào, thưa ông?
- Ngành điện họ sẽ chỉ lo việc phát điện. Họ không có sức đâu để lo cho sản xuất nông nghiệp. Bộ NNPTNT sẽ phải tính toán việc này. Họ phải có kế hoạch điều tiết nguồn nước hợp lý, lúc nào cấp điện, lúc nào tưới hạ du để sản xuất, lúc nào ngành điện phải hy sinh cho sản xuất...
Nhưng ngành nông nghiệp không thể "đi xin" nước của ngành điện, thưa ông?
Hôm qua (13.4), trao đổi với NTNN, một lãnh đạo của Bộ NNPTNT cho biết: “Bộ NNPTNT đã nhận được văn bản kiến nghị của một số công ty ở miền Trung và chúng tôi cũng đang nghiên cứu để kiến nghị về vấn đề này. Rõ ràng, việc điều phối nguồn nước hiện nay là không ổn, chúng ta cần phải thống nhất một mối quản lý. Nhưng hiện có mâu thuẫn là, Bộ TNMT được giao quản lý nguồn nước, nhưng lực lượng lại mỏng, không làm nổi. Còn Bộ NNPTNT có hệ thống quản lý, lực lượng đông, thì chức năng quản lý lại bị hạn chế, nên không thể điều tiết được” - Lê Hân
- Trong nền kinh tế, ngành nào cũng quan trọng và có lý do của nó. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi (ông Ngãi nguyên là lãnh đạo của EVN-PV) thấy rõ một điều trong thực tế là "anh" nào nắm đầu nguồn thì "anh" đó sẽ khống chế và có thế lực cũng như lợi thế hơn... Do vậy, chúng ta mới phải cần có kế hoạch, có chỉ đạo và Chính phủ phải là người quyết để hài hòa lợi ích của các ngành.
Vậy theo ông, "kế hoạch, chỉ đạo và người quyết" ở đây phải được thực thi như thế nào để tránh tình trạng "tranh chấp, xin cho" nguồn nước như thời gian gần đây?
- Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT phải có vai trò điều tiết nước cho sản xuất điện và sản xuất nông nghiệp đúng quy trình thì mới được.
Việc làm này phải được cân đối từ cấp vĩ mô: Từ Chính phủ, Bộ KHĐT, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT chứ còn cấp địa phương không giải quyết được. Các địa phương phải được chỉ đạo để không cho phát triển quá trớn các dự án thủy điện.
Bộ Công Thương (quản lý ngành điện) cần cùng Bộ NNPTNT (quản lý nông nghiệp) bàn thảo một chiến lược cụ thể quy hoạch điều tiết nguồn nước cho thủy điện và nông nghiệp. Quy hoạch đó được trình lên Chính phủ duyệt và sau khi đã phê duyệt thì hai bên phải có trách nhiệm thực hiện. Nếu bên nào làm sai bên đó phải chịu trách nhiệm, kể cả cách chức.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.