img
 
img

imgại sứ Phạm Sanh Châu là con nhà nòi được nuôi dưỡng trong môi trường quốc tế, được tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới từ những ngày còn nhỏ khi theo cha - Đại sứ Phạm Ngọc Quế, Tổng lãnh sự đầu tiên của Việt Nam tại Myanmar, Sri Lanka, Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, Syria, Iraq...trong những chuyến công tác. Đó là lý do mỗi khi nhắc đến câu nói của Lão Tử “Thiên lý hành trình thủy vu túc hạ” (Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên), trong tôi lại hiện lên hình ảnh của ông Phạm Sanh Châu.

Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Pháp, lại từng là Đại sứ Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại UNESCO ở Paris (Pháp) nên ông Phạm Sanh Châu đã biết tận dụng thế mạnh của mình để vận động, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá cho các di sản của Việt Nam. Ông cũng chính là người đã có công đóng góp để Việt Nam có được 6 Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới.

Khi cuộc trò chuyện này diễn ra, Đại sứ Phạm Sanh Châu đang là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ.

 
img
 
img
 

Xin chào Đại sứ! Ngoại giao, đàm phán, vận động với những phút giây cân não là những chủ đề quen thuộc mà bất cứ ai cũng muốn được biết mỗi khi có dịp tiếp cận ông. Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện về một chủ đề tương đối lạ, đó là hạnh phúc. Chẳng phải, dù là mang sứ mệnh ngoại giao văn hoá, ngoại giao kinh tế hay sứ giả hoà bình… thì con đường chung hướng tới đều là mưu cầu hạnh phúc hay sao? Hạnh phúc ở đây không phải là hạnh phúc của cá nhân, của đôi lứa, mà là của cả một dân tộc. Một quốc gia hạnh phúc là một dân tộc thịnh vượng và vững mạnh. Đại sứ có đồng ý với quan điểm này không?

Chào bạn! Ngày xuân đúng là phải nói về hạnh phúc. Mỗi người ở một hoàn cảnh khác nhau tại các nước khác nhau sẽ có quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc đối với người này là có đồ ăn, chỗ ở nhưng đối với người khác là nhiều tiền và quyền lực. Nhưng có những người coi hạnh phúc là được phụng sự dân tộc, Tổ quốc. Không thể và không nên áp đặt quan niệm hạnh phúc của mình cho người khác ví dụ như “chị ấy thật không hạnh phúc vì không có chồng, con” vì đấy là điều không đúng.

img

Ở tầm quốc gia, hạnh phúc của một dân tộc phải bao gồm hạnh phúc của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng và ngược lại nếu ta hạnh phúc nhưng những người xung quanh ta không hạnh phúc thì hạnh phúc đó không trọn vẹn hoặc rất bấp bênh.

Sứ mệnh của bất kỳ nhà ngoại giao nào cũng phải đóng góp vào việc bảo đảm an ninh, phát triển và vị thế cho Tổ quốc mình, dân tộc mình và cho từng người con dân Việt cho dù họ là ai và đang sống ở đâu. Đối với họ hạnh phúc và được hiến dâng cho Tổ quốc! Còn đối với tôi hạnh phúc là khi được sống có ích đối với người khác.

Maxim Gorky từng mô tả sự bất hạnh trong cuộc đời con người luôn khác nhau, nhưng niềm hạnh phúc giống nhau. Là người trải nghiệm văn hoá từ khắp các châu lục trên thế giới Đại sứ thấy điều đó có đúng không? Chẳng hạn hạnh phúc của một châu Âu hoa lệ khi ông làm Đại sứ ở đó có giống niềm hạnh phúc của một quốc gia mộ đạo như Bhutan?

Đúng là quan niệm về hạnh phúc và bất hạnh rất khác nhau. Hạnh phúc của người giàu rất khác hạnh phúc của người nghèo. Và tôi tin rằng hạnh phúc của người châu Âu khác với người châu Á bởi ngoài sự khác biệt về mức sống kinh tế, họ cũng có những hệ giá trị khác nhau, một bên tôn trọng chủ nghĩa cá nhân và một bên coi trọng cộng đồng.

 

Trong bảng chỉ số xếp hạng hạnh phúc của LHQ, Phần Lan đứng đầu bảng tiếp theo là các nước Bắc Âu khác trong khi đó Bhutan đứng thứ 97 trong danh sách này. Nhưng khái niệm về chỉ số Hạnh Phúc Quốc gia lại do Bhutan đưa ra từ năm 1972 và với tư cách là Đại sứ tại Bhutan tôi có thể bảo đảm rằng người dân của họ tuy còn nghèo nhưng họ cảm thấy hạnh phúc vì đối với họ hạnh phúc về tinh thần quan trọng hơn hạnh phúc về vật chất. Trong triết lý sống, họ coi của cải là phù du. Như vậy ngay cả cách nhìn nhận về hạnh phúc của LHQ cũng khác với của các nước khác. Đối với họ hạnh phúc là sống yêu thương nhau trong việc gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc và không màng đến danh lợi.

Vậy, trong hành trình trải nghiệm văn hoá, niềm hạnh phúc của người dân trên thế giới, Đại sứ thấy Việt Nam chúng ta đứng ở đâu trong bản đồ hạnh phúc của hành tinh này?

Theo bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của LHQ, Việt Nam đang đứng thứ 95, trên cả Bhutan 2 bậc nhưng cá nhân tôi cho rằng Việt Nam là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì người Việt Nam nhìn chung sống lạc quan và tích cực, dễ hoà đồng và vị tha. Đặc điểm khác của người Việt là luôn phấn đấu vươn lên, không cam chịu số phận nên họ cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đạt được thành tích trong công việc và cuộc sống. Tôi chỉ nhận biết rõ điều này khi tôi sống với một số dân tộc mà đặc tính của họ làm tôi ngạc nhiên đó là chỉ biết cam chịu, cứ để cho mọi việc tự nhiên! Chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam còn thấy rõ ở độ cởi mở và lòng hiếu khách. Tôi chưa thấy nơi nào nhiều quán nhậu như ở Việt Nam và mọi người rất hiếu khách đến mức người này quen người kia lại gọi ngay vào nhậu. Hà Nội không chỉ nối tiếng về Văn Miếu Quốc Tử giám hay lăng Bác Hồ mà còn góc quốc tế ở các phố Tạ Hiện và Mã Mây. Các bạn nước ngoài đến đây đều trầm trồ: Quả là nơi rất hạnh phúc!. Hơn nữa, nếu được mời về quê thăm một người bạn, nhất là vào dịp Tết thì được đón tiếp rất trọng thị và chu đáo.

img

Người Việt Nam cũng có văn hoá ngại nói “không”. Việc gì không làm được thì cứ ầm ừ và để đấy chứ ít khi từ chối. Điều đó làm cho đối tác cảm thấy luôn luôn hy vọng. Vì vậy hạnh phúc của người Việt là không làm mất lòng và bị làm mất lòng. Tuy nhiên, quan niệm như vậy về hạnh phúc đôi khi ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng một tác phong chuyên nghiệp và công nghiệp của một xã hội hiện đại mà Việt Nam cần có nếu muốn phát triển đất nước nhanh hơn nữa!

Được biết Đại sứ từng là niềm tự hào của đất nước chúng ta khi là người Việt Nam đầu tiên ứng cử vào vị trí TGĐ UNESCO và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiều vòng thi gay cấn. Tôi đặt giả thiết, trong vòng cuối của cuộc thi đó, nếu phải trả lời câu hỏi về văn hoá hạnh phúc, ông đem điều gì để nói với thế giới rằng chúng ta là một dân tộc hạnh phúc?

Câu hỏi thật thú vị! Là một dân tộc thường xuyên phải trải qua chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam luôn là một tấm gương sáng về ý chí chiến đấu và lòng quả cảm. Hạnh phúc của dân tộc Việt Nam nằm ở chính khả năng sinh tồn và phát triển. Hạnh phúc của người Việt còn nằm ở khả năng biết tha thứ, gác lại nỗi đau chiến tranh và hận thù của quá khứ để bước tới tương lai.

Chỉ cần nhìn vào một số nước châu Á có thể thấy không phải nước nào cũng làm được như Việt Nam. Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng dân tộc ta đã phải hy sinh nhiều đến mức không muốn thêm hận thù và cần phải tận hưởng niềm hạnh phúc ngay mỗi khi có dịp cũng giống như dân gian thường nói “không thể hoãn sự sung sướng lại”.

Hạnh phúc của người Việt còn ở chỗ năng lực chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách. Số người nghèo cùng cực ở Ấn độ hiện nay là 50 triệu gần nửa dân số của Việt Nam sau những nỗ lực phi thường của chính phủ bạn trong khi nỗ lực xoá nghèo của nước ta rất đáng khâm phục. Hạnh phúc cũng chính là ở chỗ đó.

img


img
 

Thú thực, mỗi khi bắt gặp hình ảnh của ông trên truyền thông hay bất cứ hoạt động đối ngoại nào mà tôi biết, tôi đều liên tưởng đến câu nói của Lão Tử “Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”. Chúng ta hãy nói một chút từ “những bước đi nhỏ bé đầu tiên” của Đại sứ cho đến bây giờ nhé?

Khi về nước tôi lên 10 tuổi. Khó khăn rất nhiều trong hội nhập. Lúc đó tôi hay bị ốm lại rất gầy yếu. Nhiều lần tôi vào viện. Trong tôi dội lên khao khát sống và sống khoẻ. Vì thế tôi đã cố gắng luyện tập. Cũng do sức khoẻ yếu và không được học cơ bản nên tôi học rất vất vả hay buồn ngủ. Những lúc đó Ba tôi lại kể tôi nghe câu chuyện cậu học trò nghèo quê Hà Tĩnh khi đi học chỉ có mỗi con cá gỗ, vào nhà ai cũng xin tí nước mắm để khi ăn cơm mút con cá gỗ cho mặn dễ ăn. Tối ngồi học thì buộc tóc vào sợi dây treo trần nhà để khỏi ngủ gật. Kể từ đó tôi biết mình cũng “phận mỏng cánh chuồn” chỉ có con đường học hành và tôi lao vào học. Có những ngày tôi học đủ 16 tiếng, Má tôi mang cơm cho tôi đến tận bàn để tôi ăn và lại học tiếp. Tôi sợ ốm, tôi sợ dốt nhưng cái sợ khác còn to lớn hơn là sợ nghèo. Vì thế ngay từ lúc đi học và còn rất non với đời tôi đã học cách kiếm tiền từ việc đi dịch phim kiếm hiệp của Hồng Kong. Đó có lẽ là “những bước đi nhỏ bé đầu tiên”.

img

Trên con đường đó của ông, hẳn có những đánh đổi, thất bại, mất mát, thậm chí là nỗi đau riêng của cuộc đời. Ông có thể chia sẻ điều này không?

Trong cuộc đời này mọi vinh quang và thành công đều phải trả giá. Tôi cứ nghiệm ra rằng nếu một lần tôi quên hoặc buông xuôi không nỗ lực là thất bại ngay cho dù việc đó lớn hay nhỏ. Điều đó đúng trong cuộc sống, công việc và cả tình cảm. Mỗi người chúng ta đều có nỗi đau và mất mát riêng không dễ chia sẻ rộng rãi và công khai. Có cả những nỗi đau chỉ mình ta biết và ta sẽ mang nó theo về thế giới vĩnh hằng. Điều tôi có thể nói được vào lúc này là lẽ ra tôi phải có được nhiều hơn những thứ tôi đang có vì tôi xứng đáng. Nhưng cuộc đời là thế như Bill Gate từng nói “Cuộc sống là không công bằng”.

Thông điệp của tôi là hãy cố gắng liên tục và không mệt mỏi để “khi nhắm mắt xuôi tay ta không có gì để hối tiếc”. Tôi ấp ủ viết một cuốn sách về những thất bại trong cuộc đời của mình với tiêu đề “why I failed ?” Tại sao tôi thất bại. Tôi muốn chia sẻ rằng trên đời không có ai là hoàn hảo, sau ánh hào quang của thành công là những lần thất bại hoặc có những nỗi đau riêng.

Cũng giống như các nhà ngoại giao khác của Việt Nam khi đang công tác ở nước ngoài, ngày ra đi tứ thân phụ mẫu còn sống, ngày trở về niềm hạnh phúc lớn nhất là họ còn nguyên vẹn hoặc nếu có mệnh hệ gì thì cũng kịp bay về nhìn mặt lần cuối và lo cho mồ yên mà đẹp. Tôi vẫn nhớ lời tôi dặn chị gái tôi là Bích Liên khi chị vừa đi công tác nhiệm kỳ ở CH Séc trở về : “Lần này em phải đi Bỉ, em đợi chị về để tạm thời giao Má cho chị, chị phải chăm Má thế nào để trả lại cho em sau 3 năm”. Chị tôi đã hứa nhưng chỉ làm được 2 phần 3 chặng đường. Má tôi ra đi đúng ngày tôi tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt tại Bỉ. Kỳ lạ thay câu chuyện xảy ra đúng 5 năm trước. Hôm qua giỗ Má tôi và tối nay tôi sẽ tổ chức Tết cho cộng đồng tại Ấn Độ. Chúng tôi những người có bố mẹ ở tuổi gần đất xa trời sợ nhất những cuộc gọi điện giữa lúc nửa đêm từ trong nước vì nếu đó là cuộc gọi của người thân thì lành ít dữ nhiều. Tôi đã mất 3 trong 4 tứ thân phụ mẫu khi ở xa và tôi chỉ còn lại một người mẹ đang ở tuổi 80. Mong rằng ông Trời sẽ không quá bất công với tôi. Và nếu điều bất hạnh có xảy ra mong sao đừng xảy ra vào lúc Tết vì Tết năm đó sẽ rất u ám không chỉ cho người trong cuộc mà cho cả ĐSQ. Bạn có biết rằng Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị định mới cách đây vài tuần theo đó lần đầu tiên qui định Nhà nước sẽ thanh toán tiền đi về cho cán bộ nhân viên ngoại giao phải về chịu tang cha mẹ của mình hoặc vợ chồng không ?

 
img
img

img
 

Ông là một trong số nhà ngoại giao tiên phong vận dụng “ngoại giao sân golf” trong phong cách ngoại giao ở Việt Nam và quảng bá du lịch golf Việt Nam. Cá tính đã làm nên một Đại sứ Phạm Sanh Châu khác biệt và nổi bật phải vậy không?

Tôi nghĩ là tôi có cá tính. Ở đây không phải là cá tính mạnh, nóng nẩy, quyết đoán mà là khả năng quan sát, tư duy và đúc rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó là sự tận tuỵ hết mình, cởi mở cho đi mà không chờ nhận lại. Ngày tôi tranh cử vào vị trí TGĐ Unesco, bà Đại sứ Nhật tại Unesco tên là Kuny Santo có khuyên tôi rằng : "Ông cứ bình tĩnh thi và không cần phải quá mầu mè hay chứng tỏ điều gì vì tất cả mọi người ở đây đều đã biết năng lực của ông và bản thân ông có sẵn một nét duyên rất cá nhân. Điều đó sẽ giúp ông”. Tôi đã tin vào điều đó. Điều đó đúng nhưng chưa đủ và chưa phải là cây gậy thần kỳ để đưa tôi đến đích cuối cùng.

Nếu có một ngày ông không làm ngoại giao nữa, bước đi ngàn dặm mới của ông sẽ đến đâu?

Tôi mới đi được một nửa số nước trên thế giới. Ước mơ của tôi là “bước ngàn dặm” nữa để có thể đi gần hết các nước thành viên LHQ. Tôi muốn dấn thân nhiều hơn và chuyên tâm sâu hơn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, cố gắng tìm lời giải cho các vấn đề đang còn tranh cãi và muốn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê quảng bá văn hoá Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Tôi cảm thấy mình rất “phiêu” khi làm điều đó vì tôi có thể so sánh với các nền văn hoá khác và qua đó làm nổi bật văn hoá Việt Nam. Khao khát quảng bá giá trị Việt dường như đi vào trong gen của chính tôi.

Lý do ông thích câu nói, “Ngày mai sẽ khác” của nhân vật Scarlett O’Hara trong tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” là gì?

Bởi vì có thể hôm này tôi thất bại nhưng ngày mai tôi sẽ thành công, bởi vì có thể hôm nay tôi chưa làm được ngày mai tôi sẽ làm được.

Có thể hôm nay tôi chưa may mắn nhưng ngày mai tôi sẽ may mắn! Ngày hôm qua ai có thể tin được đội tuyển Việt Nam có thể vào vòng 16 đội. Rồi cũng ngày hôm qua ai có thể tin đội tuyển Việt Nam sẽ vào vòng tứ kết. Tôi tin “ngày mai” đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu tại World Cup và “ngày mai” đó tôi sẽ thả cửa khóc vì sung sướng, hạnh phúc và tự hào.

Cũng như bất kỳ người con nào của dân tộc Việt tôi không biết và không chấp nhận cam chịu và quyết tâm không để số phận “an bài” vì tôi luôn tin rằng ngày mai mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện!

img
img

Đại sứ Phạm Sanh Châu sinh năm 1961 tại Myanmar. Ông bắt đầu vào ngành ngoại giao từ năm 1983-1984. Năm 1999-2003, ông là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO - là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm vị trí này.

Năm 2003-2005, ông là Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế - Học viện Ngoại giao Việt Nam, năm 2005- 2007 giữ chức Phó Vụ trưởng Ban Thư ký APEC, năm 2007-2011 là Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO. Năm 2011-2014, ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu. Từ năm 2014, ông là Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ - Đặc Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO. Hiện ông đang là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, Huân chương Lao động hạng ba, phong hàm Đại sứ suốt đời; được Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, Bỉ tặng Huân chương Danh dự Đại thập Hoàng gia hạng nhất…

 
img

Nội dung: Đăng Thúy

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Hiếu Phạm

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem