Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 1.

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 2.

Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với Hưng, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải bắt đầu như thế nào cho khéo léo, sẽ trấn an em như thế nào nếu cảm xúc của em đột ngột thay đổi. Thế nhưng cuối cùng, người được trấn an lại chính là chúng tôi. Đôi lúc, trong cuộc trò chuyện, chúng tôi dừng lại vì nghẹn ngào, những lúc ấy, Hưng lại kể dăm ba chuyện vui, đôi lúc dừng lại cười nhè nhẹ. Đôi mắt Hưng sáng rạng rỡ, trong khi nụ cười của cậu lại gần gũi và ấm áp vô cùng…

Clip Tuấn Hưng chơi bóng và sút volley một cách thuần thục đã khiến hàng ngàn người hâm mộ bộ môn thể thao vua chia sẻ trên mạng xã hội và bày tỏ sự khâm phục, cảm mến trước nghị lực của em. Thế nhưng, trước khi những hình ảnh đó được ghi lại, chắc hẳn em đã có một hành trình dài và không hề dễ dàng khi theo đuổi đam mê với trái bóng tròn?

- Đúng vậy, lúc mới tập chơi bóng, em đã gặp không ít khó khăn. Em không có chân nên không thể đá bóng được như mọi người. Mà anh chị biết đấy, bóng đá là môn thể thao dùng chân điều khiển là chính.

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 3.

Khi ấy, em nhìn thấy các bạn chơi bóng đá cùng nhau trên sân thì thèm lắm. Em cứ đi bằng ghế rồi mon men ra sân (vì hồi ấy nhà em chưa có xe lăn), khi nào ghế hỏng hay trời mưa gió thì nhờ các bạn đèo ra rồi cõng vào xem mọi người chơi bóng. Trước sân tập có một cái cống. Người em nhỏ quá chưa băng qua được nên muốn vào sân lại phải nhờ một bạn cõng em vào.

Ban đầu, em tập chơi với bóng bằng tay trước. Các bạn thấy em thích quá thì cho em bắt gôn thôi chứ chưa cho lên đá đâu, mà như thế là em cũng thấy vui lắm rồi.

Một thời gian sau, em nghĩ các bạn chơi bóng được, mình có chút gì đấy của đôi chân thì tại sao không thử cố gắng tập luyện xem sao. Vậy là hàng ngày ngoài giờ ra sân, em ở nhà tập luyện một mình, em lấy bóng sút vào tường, bóng nẩy ra em lại loay hoay tập đỡ. Một thời gian sau, khi tự tin rồi, em mới ra sân và xin đá cho các bạn xem. Xem xong, các bạn bảo: "Ok, từ giờ cho mày lên đá đấy!". (cười)

Bóng đá là một môn thể thao cần đến thể lực và người chơi rất dễ gặp chấn thương. Có lẽ em cũng phải chịu nhiều đau đớn khi bắt đầu với phần chân ít ỏi còn lại?

- Ngày đó sân bọn em đá là sân bê tông, em chơi bóng về gần như ngày nào cũng xây xát. Mẹ em mắng suốt ngày vì xót con nhưng mê quá nên em không bỏ được.

Lúc mới tập, em cũng đau lắm chứ, nhưng dần dần em quen với cảm giác ấy và thấy bình thường. Sau khi đi qua những đau đớn, em thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Vả lại, niềm hạnh phúc khi có thể chinh phục được những gì mình yêu thích lớn hơn tất cả.

Từ giai đoạn đá bóng với bức tường với khi chuyển ra sân bóng, phải phối hợp với đồng đội và gặp sự ngăn chặn của đối phương chắc chắn có nhiều khác biệt. Các bạn xung quanh có ngại ngần khi chơi bóng cùng em không?

- Các bạn không ngại việc em vào sân đâu, bạn nào cũng thoải mái và quý em lắm. Hiện giờ em đá tiền đạo và có thể chơi được cả trận, các bạn thường chuyền cho em rất nhiều bóng để em ghi bàn. Khi đá bóng, các bạn cũng thường tránh không làm em đau, có lẽ vì thế nên tới giờ em vẫn chưa bao giờ gặp chấn thuơng nặng, dù có tuần em đá cả tuần, dạo này ít hơn thì khoảng 2,3 buổi.

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 4.

Đến khi nào thì em có chiếc xe lăn đầu tiên để di chuyển?

- Đó là hồi hè lớp 5, khi em vào bệnh viện vào Hải Phòng và làm phẫu thuật cắt xương để lắp chân giả. Các bác sĩ ở bệnh viện Hải Phòng nhìn em thấy thương quá nên tặng cho một chiếc xe lăn để đi. Từ dạo ấy, em bắt đầu không phải dùng tới ghế nữa.

Vì sao em đã làm phẫu thuật nhưng hiện tại vẫn không thể sử dụng chân giả di chuyển?

- Thể lực của em không đủ để di chuyển trên chân giả, nó nặng quá. Em đã cắt bỏ hai xương, sau đó tập luyện trong 3 tháng để lắp chân. Có những lúc khi hết thuốc tê, em đau đớn vô cùng. Mẹ ngồi cạnh, chọc cười cho em quên đi cơn nhức. Không lắp được chân giả vào, em cũng hơi hụt hẫng, nhưng em không nghĩ quá nhiều.

Thật ra từ nhỏ em đã luôn tin mình thiếu may mắn cái này sẽ được bù lại cái khác. Em không được lành lặn như các bạn nhưng bù lại bố mẹ nuôi rất thương em, các bạn bè, các em trong xóm cũng đều quan tâm, gắn bó. Ông Trời không cho ai tất cả và cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Em không trách số phận, không ganh tị với người khác, cũng không buồn bã và ngồi suy nghĩ "giá như thế này, giá như thế kia". Em chỉ nỗ lực hết sức trong khả năng mình có mà thôi.

Em hay tự nhủ, xung quanh mình có nhiều người mong mình vui. Thế thì sao mình lại phải buồn tủi với ủ rũ làm gì?

Nhưng tôi nhớ em từng chia sẻ, khi mới lên học cấp 3, có đôi lúc những ánh mắt của những người xung quanh khiến em e ngại và sợ hãi?

- Đó là thời điểm em mới vào trường, khi chính bản thân em còn chưa tự tin, và thú thực em cũng nhiều ngần ngại. Sau một học kì, em thấy ổn dần và trở nên hòa đồng hơn với mọi người. Các bạn trong lớp hay tới tận nhà đưa em đi học, sẵn sàng giúp đỡ khi em cần. Chúng em chơi với nhau rất thân, không có chút phân biệt hay rào cản nào cả.

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 5.

Giờ thể dục, em không phải học nhưng thầy bắt các bạn phải cõng em xuống dưới sân theo dõi các bạn tập. Em biết thầy không muốn em ở một mình trên lớp, sợ em buồn. Nhìn các bạn tập em cũng thấy rất vui và sảng khoái chứ cũng không thấy mất mát hay tủi thân gì cả.

Bố nuôi đã có cuộc sống mới, mẹ lại hay đi vắng vì công việc. Hầu như em ở nhà một mình nhưng có thể thấy căn nhà của em lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Em đã học làm việc nhà như thế nào để có thể "đảm đang" như vậy?

- Em cứ cố gắng thôi. Em nhìn mẹ làm rồi tập làm theo. Cái này hôm nay không làm được thì em tự nhủ mình cứ cố, cố, mai sẽ làm được. Mai không làm được thì ngày kia lại tập tiếp. Cứ kiên trì thì cuối cùng mọi thứ cũng đều có kết quả cả, dù có thể không được như 100% mong muốn của mình.

Còn việc nấu ăn, em học trên …Youtube. Món gì mẹ nấu ngon thì em bắt chước theo mẹ, món gì mẹ không biết nấu thì em lên Youtube mày mò. Đôi khi làm món mới cũng thất bại thảm hại nhưng mà em vẫn thích. (cười).

Em có vẻ rất thần tượng mẹ nhỉ? Em có thể chia sẻ một chút về cuộc sống gia đình của em hiện nay không?

- Bố mẹ nuôi rất tốt với em. Mẹ nuôi em lo cho em từ bé, mẹ rất ít khóc, nhưng có lần, khi em phẫu thuật xong, khi tỉnh lại em hết thuốc tê, em đau quá nên khóc. Mẹ thấy em khóc nên cũng khóc theo. Em thương mẹ nhiều vì mẹ không sinh ra em mà đã lo cho em và chăm em như vậy.

Nếu có một mong muốn, em chỉ mong cuộc sống sẽ tốt đẹp và ổn định hơn bây giờ để mẹ không phải lo lắng cho em nhiều nữa.

Nhắc đến mẹ, Hưng dường như có chút ngập ngừng. Với Hưng, bà không chỉ là người nuôi nấng, bà đã cho em cuộc sống, cùng em vượt qua những thời khắc sinh tử và đau đớn. Hưng không trách móc mẹ vì tai nạn đã xảy ra. Trong em, chỉ có duy nhất sự biết ơn vì bà đã luôn ở đó và không bao giờ bỏ em lại...Hưng khao khát làm được nhiều thứ hơn, khao khát sẻ chia những lo toan của mẹ, nhưng có lẽ chính cậu cũng đang còn mơ hồ về tương lai, về những điều sẽ diễn ra phía trước…

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 6.

Mới đây, em đã giành Huy chương Đồng trong Giải bơi lội quốc gia giành cho vận động viên khuyết tật. Em làm quen với bơi lội lâu chưa mà đã có thành tích đáng ngưỡng mộ như vậy?

- Em biết bơi từ lâu rồi ạ. Sau khi đi học đá bóng xong, em bắt đầu học bơi. Gần nhà em có con sông nhỏ, em hay theo bạn bè ra đó chơi. Mẹ em sợ lắm, mỗi lần nghe thấy mọi người bảo em đi bơi là lại tức tốc phóng xe máy ra lùa về, mẹ sợ em có một mẩu thế nhỡ ra sông rồi chìm nghỉm. Nhưng một thời gian sau, em bơi được, mẹ bắt đầu tin tưởng và không rầy la em nữa.

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 7.

Cũng như bóng đá, em tự tập bơi thôi, ban đầu cứ lò dò xuống nước thử xem mình vận động thế nào, sau đó em nhận ra mình nhẹ hơn mọi người nên cũng dễ nổi. Khi các bạn tập cùng chưa biết bơi thì mình đã bơi thành thạo rồi. Hóa ra mình cũng có lợi thế (cười).

Việc em được vào đội tuyển bơi lội dành cho VĐV khuyết tật là nhờ chú Nam (cựu danh thủ Đặng Phương Nam) giới thiệu. Đó cũng là lần đầu tiên em một mình bắt xe giường nằm từ Móng Cái vào Đà Nẵng để tham gia cùng Đội dự tuyển bơi lội quốc gia dành cho các vận động viên khuyết tật của thầy Viễn. Bơi chuyên nghiệp khác với bơi chơi chơi ngoài sông nhiều lắm, nhưng may mắn là em được thầy chỉ bảo rất nhiệt tình.

Thầy dạy em cách thở, cách bơi chuẩn, tư thế bơi nhanh. Sau 3 tuần tập luyện, em đã bơi được cự ly 600m, rồi sau đó em đạt Huy chương Đồng thể thức bơi tự do cự ly 100m – cũng là thể thức cuối cùng em tham dự. Em đã nhắn tin cho chú Nam và mẹ để khoe ngay. Em vui vì đã không làm phụ lòng của mọi người.

Bên cạnh việc tham gia bơi lội, em còn đang phát triển mình như một streamer game. Đây dường như cũng là một niềm đam mê khác của em?

- Vâng, em mong muốn stream game từ lâu rồi. Một phần do em thích thú, thêm nữa việc làm streamer cũng phù hợp với sức khỏe và khả năng của em.

Thật ra, streamer là công việc đã có rất nhiều người bước chân vào, cũng không ít người thất bại quay ra. Để thành công trong lĩnh vực này là điều hoàn toàn không đơn giản. Ban đầu em cứ làm thôi đã, trước mắt là vì đam mê, sau nữa là em có thể được trò chuyện và giao lưu với mọi người. Em muốn thử sức với tất cả những cơ hội mà em có thể chạm tới.

Trong một cuộc trò chuyện với tôi, anh Đặng Phương Nam từng chia sẻ, ban đầu anh ấy đã phải mất không ít thời gian thuyết phục em lên sóng, bởi em rất ít nói và ngại chia sẻ về bản thân mình. Điều đó có phải là một cản trở cho công việc streamer của em không?

- Đúng là một trở ngại đấy, nhưng em đang thay đổi. Em cố gắng bày tỏ cảm xúc nhiều hơn, thi thoảng cũng hay nói gì đó hài hài để mọi người tham gia stream cảm thấy vui vẻ. Họ đi học đi làm vất vả cả ngày, xem stream chắc chắn cũng muốn nghe gì đó vui vui, nhẹ nhõm.

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 8.

Em biết em không thể cứ tự gò bó và giới hạn mình mãi được.

Thế giới mạng ngày càng phức tạp với nhiều bình luận trái chiều. Là một người sống khá nội tâm, Hưng có sợ công việc của một streamer khiến em gặp phải những comment tiêu cực, hoặc đôi khi sẽ có những lời nhận xét khiến em buồn?

- Hiện tại, có lẽ do số người xem của em còn khiêm tốn nên ai cũng ủng hộ và cổ vũ em. Trong tương lai, chắc cũng sẽ có những ý kiến này kia, em không lường trước được. Có điều trong cuộc sống em luôn nhìn vào những điều tích cực để tiếp tục, trong công việc cũng vậy, em không để những thứ không vui làm ảnh hưởng nhiều tới mình đâu. Thay vì chán chường, em sẽ giải thích để người ta hiểu và chia sẻ được với mình.

Ai đã giúp đỡ em bắt đầu với công việc streamer này?

- Có một anh bạn em quen cũng làm streamer, anh ấy hiểu biết nhiều, đi trước em một thời gian nên hướng dẫn em vài thứ. Sau đó, em tự tìm hiểu, tự mày mò làm hết. Việc lọ mọ làm em vui và thấy cuộc sống của mình phong phú hơn.

Vừa rồi, em cũng được chú Đặng Phương Nam giới thiệu vào học tại một Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin cho những người khuyết tật tại Hà Nội. Em đang chờ khóa học mới và dịch bệnh qua đi để có thể tham gia. Trong tương lai, nếu em có một công việc gì đó để làm vào ban ngày, ban đêm ngồi streaming game cho mọi người xem thì thật tuyệt!.

Cảm ơn những chia sẻ của Hưng!. Chúc em sẽ làm được những gì mà mình dự định!

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi được thực hiện đúng vào dịp Hưng bước vào sinh nhật của tuổi 19. Trong khi những người bạn thân đã vào học Đại học được 1 năm, Hưng vẫn ở nhà chờ đợi khóa học Công nghệ thông tin cho người khuyết tật bắt đầu. Gần như mọi thời gian rảnh, cậu chỉ ở nhà và chơi cùng các em bé hàng xóm: "Chúng nó coi em như anh trai ấy, chắc tại tính em vui vẻ, lại hay bày trò cho tụi nó cười…".

Và chúng tôi, những người viết bài phỏng vấn này chỉ mong sao Hưng cứ mãi giữ niềm vui và sự lạc quan. Bởi cuộc đời của em mới chỉ đang bắt đầu thôi, phía trước có thể sẽ có nhiều giây phút vui buồn, sẽ có nhiều vất vả chông gai, nhưng chẳng sao cả nếu trong trái tim em lúc nào cũng lấp lánh ánh mặt trời…

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 9.

Tuấn Hưng và người bạn thân cùng lớp

Phạm Tuấn Hưng: Cuộc hành trình phi thường với trái bóng tròn của chàng trai bị gấu cắn mất đôi chân - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem