Phân bón Bình Điền: Mục tiêu lợi nhuận quý I/2021 đạt 60,5 tỷ đồng, gấp 7,6 lần

10/03/2021 11:06 GMT+7
HĐQT Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh quý I với sản lượng tiêu thụ đạt 178.057 tấn. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu là 60,5 tỷ đồng, gấp 7,6 lần thực hiện cùng kỳ và tăng khoảng 15% so với quý IV/2020.

Quý I/2020 trước đó, công ty ghi nhận lợi nhuận 8 tỷ đồng, giảm mạnh so với 3 quý còn lại trong năm cũng như quý III, quý IV/2019.

Năm 2020, tổng doanh thu của Phân bón Bình Điền đạt 5.529 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2019, thực hiện được 92% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế ghi nhận 200 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước đó và vượt 30% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến ngày 31/3 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách tham dự Đại hội đồng cổ đông năm 2021, đại hội dự kiến tổ chức trong tháng 4/2021.

Năm 2021, các doanh nghiệp phân bón được kỳ vọng hưởng lợi nhờ nhu cầu dự báo tăng mạnh, với 2 yếu tố thúc đẩy chính là thời tiết thuận lợi và giá nông sản tăng.

Phân bón Bình Điền: Mục tiêu lợi nhuận quý I/2021 đạt 60,5 tỷ đồng, gấp 7,6 lần - Ảnh 1.

Ảnh : Quốc Hải

Chứng khoán SSI (SSI) đánh giá, giá bán bình quân phân urê ước tính sẽ tăng cùng với xu hướng tăng của giá khí. Trong khi đó, cạnh tranh trong năm 2021 sẽ gay gắt hơn so với năm 2020 do nhập khẩu dự kiến cũng sẽ tăng. Do đó, giá bán bình quân tăng sẽ không đủ bù đắp chi phí nguyên liệu khí tăng, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.

Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đồng quan điểm khi cho rằng giá phân bón trong năm 2021 kỳ vọng tăng nhẹ, tỷ suất lợi nhuận ngành dự kiến giảm do ảnh hưởng từ mảng phân urê. 

Tuy nhiên, tình hình thời tiết dự báo thuận lợi hơn cho canh tác nông nghiệp nhờ hiện tượng La Nina làm tăng lượng mưa và giá nông sản ở mức cao, tạo điều kiện thúc đẩy canh tác và chăm bón cho cây trồng, thúc đẩy tăng tiêu thụ phân bón. Tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự kiến đạt xấp xỉ 10,3 triệu tấn, tăng trưởng 5,5% so với năm 2020.

Với triển vọng khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi. Các chuyên gia FPTS đưa ra khuyến nghị khả quan đối với ngành phân bón Việt Nam năm 2021. 

Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt như Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực châu Á như Phân bón Dầu Khí Cà Mau (DCM) và Phân bón Bình Điền (BFC).



Q.D
Cùng chuyên mục