“Phản ứng” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi ĐBQH “xin" dùng nguồn cải cách tiền lương làm đường

06/06/2022 15:08 GMT+7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, "Quốc hội có Nghị quyết tuyệt đối không được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để làm việc khác, dù bất cứ lý do gì".

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sau khi nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) và 2 đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tổ.

Quy hoạch các dự án giao thông phải có tầm nhìn dài hạn

Phát biểu tại tổ, dẫn số liệu về chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho biết, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp hạng khoảng dưới 70 trên 140 nước trên thế giới, song cơ sở hạ tầng giao thông xếp khoảng hơn 100.

"Như vậy chất lượng hạ tầng, cơ sở giao thông của chúng ta đang là điểm nghẽn, yếu nhất trong chỉ số môi trường kinh doanh", ông Lộc đánh giá.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. 

Điểm đáng chú ý điểm nghẽn lớn nhất về giao thông nằm ở chính TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả cả nước. Do đó triển khai các dự án vào 2 điểm nghẽn này là đường vành đai 3 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM là rất cần thiết – theo đại biểu Vũ Tiến Lộc.

"Xin" dùng nguồn cải cách tiền lương để làm đường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đáp lại thế nào? - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) - Ảnh: QH

Đồng tình về tính cần thiết của dự án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thêm, việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá lớn của nền kinh tế, đặc biệt là đường giao thông. Phát triển được hệ thống giao thông thì sẽ tạo huyết mạch cho nền kinh tế quốc gia, khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển đất nước, xuất khẩu.

"Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng tuyến đường cần tính quy hoạch dài hơi. Chứ như khi chúng ta làm đường I, từ năm 2010, thì chỉ đến năm 2020 là đường lại bị kẹt nên phải có tầm nhìn dài hạn, thiết kế rộng rãi, đảm bảo tương lai, chứ quy hoạch xong vài năm sau lại lạc hậu thì không nên", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải phải tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công, đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn. 

Về phía nguồn kinh phí, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, "đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Không được "đụng" nguồn cải cách tiền lương để làm đường

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bà Đào Hồng Lan cho rằng, việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất hiện nay, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (trung ương, địa phương). 

Để đảm bảo vốn, bà Lan đề nghị cho phép các tỉnh sử dụng các nguồn từ nguồn cải cách tiền lương, thể chế hoá trong Nghị quyết của Quốc hội để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Trước đề nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội có Nghị quyết tuyệt đối không được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để làm việc khác, dù bất cứ lý do gì. Do đó, không nên đặt ra việc dùng nguồn cải cách tiền lương để làm đường vì "đụng chạm" đến Nghị quyết Trung ương về cải cách tiền lương.

"Xin" dùng nguồn cải cách tiền lương để làm đường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đáp lại thế nào? - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: QH)

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, "cải cách" không đơn thuần là điều chỉnh mức tiền lương cơ sở 7%, còn khoản chênh lệch, điều chỉnh bước, bậc, hệ số lương…, nên tổng tiền cần cho cải cách tiền lương tương đối lớn.

Ví dụ, địa phương cần 5.000 tỷ đồng cải cách tiền lương, thì cả nhiệm kỳ (5 năm) sẽ cần tới 25.000 tỷ đồng cho việc này. Chưa kể từng năm điều chỉnh tăng thêm nữa thì số tiền cần cho cải cách tiền lương còn tăng thêm nhiều.

"Chúng ta đã hoãn việc cải cách tiền lương vài năm rồi, và 3 năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ công chức. Nên cần dành nguồn tiền này để cho cải cách tiền lương, không chi vào các việc khác", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến đề nghị cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói luật không cho phép, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.

"Nếu đứng ra vay thì có trách nhiệm hoàn trả, phàm người khác vay cho anh tiêu thì không có trách nhiệm lắm. Địa phương làm thì đứng ra mà vay. Doanh nghiệp còn làm được mấy trăm nghìn tỷ nữa là địa phương. Chính phủ không đi làm việc đó. Cứ xin cơ chế rồi nói chúng em không làm được thì xin làm gì" – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

PVKT
Cùng chuyên mục