Pháp Mê trong tranh Phan Thiết

Đặng Thân Thứ bảy, ngày 28/04/2018 14:10 PM (GMT+7)
Họa sỹ Phan Thiết không chỉ một đời đam mê nghệ thuật đến tận sợi tơ lòng cuối cùng, mà còn luôn thể hiện điều đó trong những trạng thái "động tích cực".
Bình luận 0

Họa sĩ Phan Thiết với alternative art

Có người nói tranh anh mang tính modern art chứ không hẳn contemporary art, cũng có người nói ngược lại. Còn tôi, thì nghĩ rằng "chất nghệ" của anh mang đậm tính alternative art, một thứ "nghệ thuật phá cách" trong sáng tạo khôn cùng để tự tìm đến khả năng diễn đạt thẳng nhất có thể giữa vô vàn những chuyển động cong "lầy lội" của mọi thực thể.

img

Mối quan tâm lớn nhất của alternative art là tự do trong mọi sáng tạo. Thiếu nó là mọi thứ trở nên vô cảm, vô nghĩa, và khi đó nghệ thuật chẳng khác hàng hóa. Tự do sáng tạo luôn đồng hành với một trí tưởng tượng nguyên vẹn nhất, chưa bị các chức năng xã hội làm ô nhiễm. Như một nghệ sỹ alternative, Phan Thiết là một chứng nhân của những sự kỳ dị của thế giới những kẻ "đập thần tượng". Anh vẽ, để phản ánh đời sống thật nhất của con người, như một "nhà triết học sinh thái" - hướng tới tương lai "sạch sẽ" hơn, trân trọng nhưng vượt thoát khỏi mọi tù ngục của trí não, văn hóa, và truyền thống.

Hành trình hội họa của Phan Thiết đã đi qua mọi cơ bản, hàn lâm, truyền thống và cả "minh họa chính trị" với đủ cả bột mầu, thuốc nước, giấy dó, tượng đài, bảo tàng... Những tri thức và trải nghiệm đó, tuy nặng tính "nhiếp ảnh" và lụy đời lụy người nhưng đã có đóng góp của chúng, mà điểm lớn trong đó là tạo ra những "hiện thực dớ dẩn" làm cho người nghệ sỹ thêm phần "quẫn bách" và thúc bách anh ta kiếm tìm lối thoát và tìm chính mình. Ngoài cây cọ, anh còn có cây bút của văn thơ phò tá, cho nên hạnh phúc của anh là đã có trong tay những phương tiện tối ưu để biểu đạt sáng tạo, và cùng với đó là nhiều cơ hội "giải thoát" thông qua sáng tạo.

Pháp Mê trong tranh Phan Thiết

Xem bộ tranh mới nhất của Phan Thiết gồm 40 bức, mà anh đặt tên là MÊ, đủ cả sơn mài lẫn acrylic, thì không thể chỉ nhìn bằng con mắt thực, mà rất cần cả "con mắt nội tâm". Sự dấn thân của anh trong hội họa không chỉ là những biểu hiện mới mẻ tận cùng của hình và mầu, mà còn là sự tiến sâu vào thế giới tâm linh, bởi anh muốn truyền đạt những thế giới khách quan vẫn còn bị các quy ước "hủ lậu" che lấp. Vẽ, với Phan Thiết, vừa là hoạt động sáng tạo, vừa để làm sáng tỏ nhận thức thị giác, vừa biểu thị cá nhân, vừa là để thỏa mãn những tri-hành huyền bí. Anh đã biến những hình khối kỳ quái nhất trở nên tự nhiên, bởi thái độ dứt khoát, đầy khí lực và trực tâm. Những bức vẽ như vô ngôn mà ẩn chứa muôn ngàn lời.

Trên mặt tranh của bộ MÊ, sự xuất hiện của các hình thức điểm, đường, diện và chất mầu đều đạt đến "cái khác" (the other). Sự kết hợp của chúng đã tạo ra những kết quả tạo hình cực lạ, và quái. Họa sỹ tung ra những điểm vuông thật là xuất kỳ bất ý, vừa giải tỏa cho các khối hình, tạo sự đăng đối mang ẩn ý nào đó, vừa độc lập phát ngôn những lời rành rọt của nghệ thuật alternative.

img

Xuân Dục

Về đường, họa sỹ đã thể hiện được sự khát khao đẩy lên tột đỉnh những gì đã cũ để tìm cái mới, đặc biệt những đường cong trong bộ tranh MÊ quả thực như là một cuộc-cách-mạng-về-đường. Các đường phối hợp với diện và chất mầu đã tạo ra những chuyển động trừu tượng vô biên từ những kết hợp tối giản. Cái khủng của ấn tượng thị giác là nhiều bức tranh trông có vẻ nông nông cứ như chỉ có hai chiều không gian, nhưng cái hiệu ứng bề mặt tưởng rất "Đông Hồ lõa lồ" ấy lại đẩy người xem vượt qua cảm nhận thị giác ban đầu mà bật lên thượng tầng của tri nhận, phức cảm, tưởng tượng, trực giác, vô thức, mà tự thấy mình trở về với hồng hoang hoan lạc hay là vươn tới trực ngộ những mặc khải của địa đàng hay thiên đàng trong hoang mang trọn vẹn hoặc tột đỉnh cực cảm thống khoái... 

Ở Việt Nam, tuy hội họa còn tầm tầm, nhất là sự thiếu phóng khoáng hay sâu thẳm của trí và tài, cũng đã có những người thành công trong tranh trừu tượng, biểu hiện và ấn tượng(không ít trường hợp phải gọi tên là "trừu tượng phong cảnh"), nhưng người viết có thể khẳng định chưa có ai bật lên được về sự biểu đạt đến cõi vô cùng của ý và cảm như Phan Thiết vừa làm được với vô vàn sắc thái của những gì trong MÊ.

Mê, có thể là đồ đan bằng tre nứa có vành tròn đã hỏng cạp, "lành làm thúng lủng làm mê". Tôi thấy có nhiều tạo hình này trong tranh của Phan Thiết, đến mức có thể gọi là những motif mê-sứt-cạp. Cụ thể như trong các tranh "Xuân đêm", "Tự tình", "Dục"... Chẳng cũng độc đáo sao! Những motif này như những cỗ bàn suy đồi, đưa người xem vượt qua sự chán ngấy những hủ lậu nặng nề truyền thống ngàn năm mà le lói hy vọng cho sự vươn mầm của chồi mới, như hoa Ưu Đàm nở ra trên gỗ mục và sắt gỉ và muôn vàn thô bỉ.

img

imgXuân đêm

Mê, là khi cơ thể mất khả năng nhận biết và đáp ứng các kích thích, hoặc như bị gây mê. Nội dung này khá quán xuyến trong nhiều tranh của anh, đến mức mê man, ngay từ những tranh dự phóng cho loạt MÊ như "Mê loạn" cho đến những tranh mới nhất như "Bay", "Thảng hoặc", hay là những bức sơn mài mang tên "Đắm", "Chìm" và "Lụy ba đào" (xem hình dưới). Kiểu mê này gần như "chết lâm sàng", giúp cho người ta hiểu được "cõi khác" và "luân hồi". Chết đi thì mới đầu thai, để thấy sự nối tiếp của linh hồn trong muôn cõi. Những trải nghiệm mãnh liệt nhất của "cái tôi" trong vô vàn "phi tôi" giữa nhiên nhiên liên tồn.

imgimg

Lụy ba đào

Mê, cũng là mơ. Những giấc mơ lạ ám hết bộ tranh MÊ của Phan Thiết. Lung linh lắm là những cơn mơ trong loạt tranh "Ám thị" với "Ám thị 1", "Ám thị 2", "Ám thị 3", "Ám thị 4", cùng với loạt tranh "Đỏ" với "Đỏ 1", "Đỏ 2", và "Đỏ 3". Mơ như đến bất kỳ, khi trong sáng tinh mơ, lúc bàng hoàng hoàng hôn. Người nghệ sỹ mơ ngay trong lúc vẽ ra những niệm tưởng đã rõ ràng mà hóa ra mơ trong bất định của sắc hình. Từ những chập chờn mơ ảo, ma tình, ta có thể thấy bao ba đào, núi xương sông máu, huyết lệ trào dâng quanh lầm than nhân kiếp, nhưng, từ đó thấy sinh khí của vô biên dội về, lại giục giã những đam mê, của sống.

imgimg

Đỏ 1

Mê, là ham thích tới mức như bị hút hồn. Đắm mình vào MÊ, thực sự là mê hồn. Hãy đến bên bức "Mưa đầu mùa"  chẳng hạn, người xem bị mê hoặc ngay lập tức. Một cơn mưa dục tính mê ly, thậm phồn những trương nở khủng khiếp của hữu thể, nhưng tươi mới hoa khôi, không một chút mê muội. Tôi tin, khi xem tiếp cả loạt tranh, chúng ta sẽ thấy trùng trùng sóng cuộn, những đại dương "mê" dâng lên hết lớp này đến lớp khác, đẩy hồn người mong manh chật hẹp ra khỏi thân xác muộn phiền, thoát ly "đầm lầy số phận" mà chợt thấy mình chan hòa nắng thiên khải giữa vườn Eden. Trong muôn bức của MÊ, chắc rằng "Biển đàn bà" và "Núi đàn ông" dữ dội mà đầy hòa khí sẽ thỏa mãn cả những ánh nhìn kỹ tính lẫn những con mắt bình dị. Lên đỉnh cực đoan thì phải là loạt tranh "Mê" với "Mê 1", "Mê 2", "Mê 3", "Mê 4", "Mê 5" , "Mê 6"!

imgimg

Mưa đầu mùa

imgimg

Mê 5

Mê, là mê cung. Ai cũng dễ bị lạc trong MÊ. Quả thực, Phan Thiết đã tạo ra những công trình kiến trúc có rất nhiều cửa, nhiều lối đi phức tạp, khó tìm lối ra. Chính đó đã tạo ra sự cám dỗ. Nào, hãy bước vào những "Tu", "Mùa yêu" , "Pháo đài cổ"... Những giai điệu như đang nổi lên đâu đó, làm trực giác người xem trỗi dậy, bừng nở những tri nhận đột nhiên, vượt qua nỗi hoang mang của những linh hồn bị quản thúc trong dầm dề thói quen và tập quán u mê, mà tự thấy lối ra, đến với cảm thức sống mới. Những mê cung của MÊ không đẩy người xem vào mê lộ. Chúng chỉ phản ánh tâm thức địa ngục của kiếp người mang mang thảm nạn, và trong những góc khuất hiểm tối lại luôn có những mật mã, mà chỉ có những người dũng cảm và minh mẫn mới giải được, để có thể tìm thấy và bước sang tình thái của "cái khác", từ đó nhận ra sự tồn tại đồng nhất thể của muôn một, và lối đi sáng rỡ của mọi vấn đề.

imgimg

Mùa yêu

Mê, là mê mải. Có ai mải mê được với "Dharma (pháp) Mê" như Phan Thiết? Những cơn mê là bắt đầu của trầm luân trong muôn pháp luân hỗn độn, anh dám bước vào một cách chí thành, để chính những cuộc mê lại đưa người nghệ sỹ ấy đến tỉnh thức, rồi cứ thế tinh tấn trên con đường hồn nhiên với ánh mắt của trẻ thơ. Hãy xem bức "Giấc mơ của Nẫu" để thấy rõ điều đó hiện lên trên từng centimetre. MÊ, là một bộ tranh kỳ vĩ.

imgimg

Giấc mơ của Nẫu ( Phan Thiết)

"Dharma Mê" là những chuyển động muôn trùng từ bản năng gốc, tạm gọi đó là "Karma (nghiệp) Dục". Phan Thiết không phải là muốn che dấu mãnh lực đó (ban đầu, anh muốn đặt tên bộ tranh của mình là DỤC), mà chúng ta cần phải tạm hiểu Dục như nền tảng tôn giáo, triết học, còn Mê là con đường của nghệ thuật. Anh không những đã đi đúng đường, mà còn gọi ra được đúng tên thật của nội dung và loại hình. Vậy, "Karma Dục" sâu thẳm thế nào mà lại giúp cho Phan Thiết triển "Dharma Mê" tuyệt luân như thế?

DỤC, là cội nguồn, là tinh hoa của vũ trụ. Hành trình dục bắt đầu với tự dục, khi đứa trẻ sinh ra đã biết tự yêu mình, nhận biết thân thể như một toàn thể, nó tận hưởng hồn nhiên sờ mó cơ quan dục. Thế rồi, xã hội và cha mẹ ngăn cản, cấm nó, "tính dục tự nhiên" bị ngăn trở, đạo đức giả xuất hiện, dối trá bước vào, ức chế muôn phần. Nó bắt đầu kiểm duyệt bản thân, nhưng cái "năng lượng dục" thì vẫn tuôn chẩy tự nhiên, như tự lúc đầu, tạo ra bi kịch. Rất nhiều người vẫn mắc kẹt tại đây. Đó là nguồn cớ của thủ dâm. Những người chịu trách nhiệm chính là cha mẹ, tu sỹ, chính khách, tức toàn thể tâm trí xã hội. Khủng hoảng này, là nguồn cơn dẫn đến đồng dục. Sự kẹt về tâm lý làm cho người ta dẫu có làm tình thật mà vẫn không khác thủ dâm. Chính những xã hội "được giáo dục" đã gây ra bi kịch tính dục của nhân loại bằng những lời lẽ lớn lao về đạo đức, tôn giáo, văn hoá, nhưng không dựa trên tình yêu. Khi trưởng thành, đến với dị dục, những tường thành ấy trong ý thức vẫn ngăn chặn người ta, tạo ra "bể khổ trầm luân". Để hòa điệu, con người cần biết chấp nhận đối lập cực (như nam và nữ, ngày và đêm). Sự "hòa khí" đó, khiến thực dục không khác gì vô dục, trong tồn tại "cùng nhau". Có thế, thèm dục mới trở nên tự nhiên, như hơi thở không ngừng. Vậy đó, thực dục tuyệt hảo phải như vô dục.

HAM MUỐN hay THÈM là NHÂN QUYỀN. Phan Thiết đã tranh đấu cho quyền tối thượng đó thông qua "Dharma Mê". Trên con đường từ tự dục đến vô dục, vượt qua bao thác ghềnh đỉnh cao vực sâu, anh đã cho chúng ta được hưởng muôn sắc thái đầy sống động, anh linh, man mải của dục tính một cách lung linh, huyền ảo mà táo tợn nhất, qua bộ tranh MÊ quá đặc sắc này. Phan Thiết có tính hiếu học vô chừng, và một con tim yêu tha thiết. Nhờ thế mà, "lượng biến thành chất", "vật cực tắc phản". Trên đường tinh tấn, thực học trong anh đã trở nên phong phú vô biên, tâm tình anh rộng rãi bao la. Hãy "mê" cùng anh để đến cõi "vô mê".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem