Tại buổi hội thảo với chủ đề: “Phát triển bền vững NHCSXH góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, do NHCSXH và Tạp chí Ngân Hàng tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, thành công trong hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đó là đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển an sinh xã hội. Đồng thời, NHCSXH làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện để thực hiện sứ mệnh cho vay giảm nghèo cùng ngân hàng.
Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả
Đánh giá cao đóng góp của NHCSXH, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng cho rằng, mô hình hoạt động cho vay vốn ưu đãi hiệu quả như NHCSXH có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Mạng lưới của NHCSXH trải rộng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo nơi trình độ dân trí của người dân còn thấp. Ở hầu hết các địa phương đều xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Khi tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ nghèo được tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, học hỏi lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm trong đời sống xã hội. Bản thân người nghèo đã xóa bỏ được mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.
Là một trong những tỉnh thí điểm bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cho biết: Nhờ mô hình này, hoạt động của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển biến tích cực, quy mô tín dụng tăng nhanh. Nếu như năm 2003, chi nhánh mới chỉ triển khai cho vay 3 chương trình tín dụng với dư nợ 224 tỷ đồng, thì đến nay số chương trình tín dụng đã tăng gấp 4 lần với tổng dư nợ đạt 2.707 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với năm 2003; chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, chỉ chiếm 0,25% tổng dư nợ.
Năng lực tài chính vững chắc
Đề cập đến phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn của NHCSXH, PGS-TS Đinh Xuân Hạng - Học viện Tài chính cho rằng: Muốn phát triển bền vững, NHCSXH phải đảm bảo tính ổn định, hài hòa lợi ích của khách hàng và ngân hàng; phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển chung của nền kinh tế. Hoạt động của NHCSXH là phi lợi nhuận, nên nội dung cơ bản phát triển bền vững là phải dựa trên nền tảng, năng lực tài chính vững chắc.
TS Nguyễn Minh Phong đánh giá: Dư nợ của NHCSXH sau 11 năm tăng 18 lần, cho vay ND nợ quá hạn đã thấp nhưng cho vay qua NHCSXH nợ quá hạn còn thấp hơn, chỉ dưới 1%, điều này chứng tỏ hiệu quả của tín dụng ưu đãi. Theo TS Nguyễn Minh Phong, bên cạnh việc tăng vốn, tăng tự chủ tài chính cho NHCSXH, ngân hàng cũng cần phải nghiên cứu đa dạng các sản phẩm dịch vụ. Có thể, ngoài phương thức trực tiếp cho vay, cần ưu tiên cho vay phục vụ tái cơ cấu theo các chuỗi cung ứng sản xuất các nhóm, ngành, sản phẩm chủ lực liên kết giữa hộ gia đình - doanh nghiệp và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi ủy thác qua “kênh” 4 tổ chức hội, đoàn thể.
Tổng dư nợ của NHCSXH đến nay 126.349 tỷ đồng, tăng 117.718 tỷ đồng so 2003; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với năm 2003. Dư nợ bình quân từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) tăng lên hơn 18 triệu đồng/khách hàng hiện nay. Sau 11 năm hoạt động có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn;góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.