Phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “khẩn”

19/02/2021 16:00 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các ngành chức năng kiểm soát sự phát triển điện mặt trời tránh tình trạng quá tải lưới điện gây hậu quả xấu về sau.

Cụ thể, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các địa phương thực hiện nghiêm về phát triển điện mặt trời, mặt đất và trên mái nhà.

Trong đó, Bộ Công Thương được giao chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát tổng thể các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời mái nhà.

Cũng theo nội dung chỉ đạo nói trên, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác kiểm tra, thanh tra phải chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là những hành vi trục lợi chính sách.

Cùng với đó, ngành chức năng cần đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả đối với nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, tuyệt đối không để xảy ra sơ hở trong cơ chế, chính sách ban hành. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc sớm trình đề án Quy hoạch điện VIII đúng tiến độ.

Phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “khẩn” - Ảnh 1.

Phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát có thể gây nhiều hệ quả xấu trong tương lai

Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW.

Trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; Công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện. Đặc biệt, vào tháng 12/2020, tình trạng này gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid – 19 cũng gây bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kwh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt vào cuối năm 2019.

Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, điều này có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.

Trước tình trạng trên, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều phản ánh trên về phương án EVN dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục