dd/mm/yyyy

Phát triển mô hình tôm - lúa: Phải chú trọng cả hai

“Chú trọng cả tôm và lúa” là khuyến cáo của nhiều chuyên gia dành cho nông dân tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề nuôi tôm lúa đạt hiệu quả cao thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức.

Phụ thuộc nhiều vào thời tiết

Diễn đàn đã tập trung trao đổi thực trạng mô hình nuôi tôm trên đất lúa cũng như khó khăn của mô hình; việc chuẩn bị mương/ruộng nuôi, các hình thức nuôi; việc theo dõi, chăm sóc tôm - lúa; việc tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; sản xuất an toàn sinh học, ưu tiên chế phẩm sinh học; công tác chọn giống…

Mô hình tôm – lúa có lịch sử phát triển 50 năm ở vùng ĐBSCL.
Mô hình tôm – lúa có lịch sử phát triển 50 năm ở vùng ĐBSCL.

Canh tác tôm lúa ở ĐBSCL có lịch sử hơn 50 năm, sơ khai của hệ thống tôm - lúa đã hình thành từ những năm 70 thế kỷ trước. Qua quá trình phát triển, sự chủ động về nguồn giống tôm thả nuôi và thị trường xuất khẩu tôm ngày càng mở rộng đã thúc đẩy nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm - lúa nói riêng ở ĐBSCL phát triển.

“Trong mô hình tôm - lúa, nông dân cần phải thiết kế mương nuôi đồng bộ, có ao lắng; lựa chọn con giống tốt, mua ở những cơ sở có uy tín, tốt nhất là nên ương hai giai đoạn; phải tạo được thức ăn tự nhiên; tăng sức đề kháng cho con tôm; phải quản lý thức ăn…”. Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Mô hình tôm - lúa kết hợp có tốc độ tăng trưởng nhanh ở ĐBSCL, năm 2000 diện tích đạt 71.000ha. Đến năm 2015 diện tích nuôi tôm - lúa các tỉnh ĐBSCL đạt 175.000ha, chiếm 30,5% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng, sản lượng đạt 75.000 tấn; trong đó nhiều nhất là Kiên Giang 77.866ha, tiếp đến là Cà Mau 42.800ha, Bạc Liêu 29.400ha, Sóc Trăng 10.200ha.

Đối tượng nuôi là tôm sú, có một số ít mô hình được tiếp tục nuôi tôm càng xanh xen canh với vụ lúa, thả mật độ thấp. Năng suất nuôi tôm – lúa bình quân khoảng 300 - 500kg/ha tôm và 4 - 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 - 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa).

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Công Thành - Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), hầu hết người dân nuôi tôm - lúa vùng ĐBSCL chưa quan tâm đúng mức về mối tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi và cây trồng trong hệ sinh thái đồng ruộng, phần lớn chú trọng phát triển nuôi tôm, thờ ơ với trồng lúa. Hầu hết hộ dân tích lũy kinh nghiệm canh tác tôm - lúa ngay trên đồng ruộng/vuông của họ, ít có điều kiện tham quan những mô hình hiệu quả.

Cũng theo thạc sĩ Thành, hầu hết hệ thống công trình canh tác tôm - lúa được thiết kế từ nền tảng canh tác lúa trước đây không còn phù hợp với điều kiện canh tác tôm - lúa như hiện nay. Mô hình tôm - lúa hiện nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nên nông dân thụ động trong việc rửa mặn, trong khi đất mô hình tôm - lúa có xu hướng tích lũy mặn tăng dần. Hầu hết tôm giống lưu hành đến các hộ nuôi tôm ở mô hình tôm - lúa thường có chất lượng kém. Nông dân vẫn còn thói quen thả giống nhiều lần/vụ và thả giống lần đầu mật độ dày.

Trong khi đó, theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, đó là xâm nhập mặn, nắng nóng, cực đoan thời tiết. Hiện tượng xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, mùa mưa ngắn, lượng mưa ít đang ngày càng thể hiện rõ ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Các hiện tượng này đang và sẽ gây ra những tác động bất lợi rất lớn cho nuôi trồng thủy sản của vùng.

Mô hình tôm lúa mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Mô hình tôm lúa mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Tại tỉnh Cà Mau, hiện nay diện tích tôm lúa là 51.570ha chiếm 17,9% diện tích nuôi tôm nước lợ (280.000 ha) của tỉnh, đứng thứ hai về diện tích tôm lúa trong vùng ĐBSCL.

Ông Mã Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau thừa nhận: Hình thức canh tác tôm lúa ở Cà Mau rất đặc thù, phụ thuộc rất lớn đến thời tiết và lượng mưa hàng năm. Mùa khô, đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa thì ruộng được đưa nước mặn vào để nuôi tôm, mùa mưa nước ngọt thì trồng lúa.

Cần quan tâm cải tạo đồng ruộng

Những tác động của biến đổi khí hậu rõ ràng đã, đang và sẽ ngày càng ảnh hưởng đến hệ thống tôm lúa ở vùng ĐBSCL. Thách thức này đòi hỏi sớm phải có các giải pháp về giống lúa, xây dựng các mô hình canh tác thích ứng, bền vững về môi trường, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Nói về giải pháp canh tác tôm - lúa hiệu quả và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, thạc sĩ Nguyễn Công Thành cho rằng: Cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân canh tác tôm lúa hiểu được mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữ vật nuôi và cây trồng trong hệ sinh thái đồng ruộng. Tăng cường tổ chức tham quan để học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình ứng dụng kỹ thuật có hiệu quả. Khuyến khích nông dân phát triển theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, việc phát triển đơn lẻ sẽ khó kiểm soát nước, gây thẩm lậu, xâm nhập mặn…

Nhiều đại biểu cho rằng, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương trọng điểm vùng nuôi tôm lúa cần rà soát và điều chỉnh các quy hoạch thủy lợi để đáp ứng kịp thời nhu cầu nước tưới tiêu cho vùng phát triển mô hình tôm - lúa. Ngoài ra, đối với người dân trước hết phải xây dựng, cải tạo đồng ruộng phù hợp với điều kiện canh tác tôm - lúa, xây dựng diện tích ao ương phù hợp để ương giống trước khi thả nuôi.

Chúc Ly