Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại trụ sở Chính phủ (Hà Nội) và các đầu cầu truyền hình của 63 tỉnh, thành phố.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 157. |
Chương trình nhân văn
Từ đầu cầu tỉnh Phú Thọ, ông Đinh Văn Minh (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập) xúc động phát biểu: “Gia đình tôi ở miền núi, hộ nghèo lại có 4 con vào đại học. Nếu không có chính sách cho con em hộ nghèo vay vốn đi học thì có lẽ đến giờ mấy đứa con của tôi bị thất học…”. Vợ chồng ông Minh có 4 con, tất cả đều đỗ vào các trường đại học danh tiếng và được vay vốn ưu đãi học tập. Tổng số vốn vay ưu đãi của gia đình ông lúc cao nhất lên tới 117 triệu đồng.
Tương tự như hộ ông Minh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chủng ở ấp Nhựt Long, xã Nhựt Minh (Tân Trụ, Long An) cũng lần lượt đưa 3 con vào học cao đẳng, trung cấp. “Vợ chồng tôi làm mướn, bán vé số cố lắm chỉ có thể nuôi được 1 đứa. Nếu không được vay vốn ưu đãi của nhà nước thì 2 đứa sau đã phải thất học…”- ông Chủng cho hay.
Nnhiều đại biểu cảm phục trước hoàn cảnh của gia đình ông Bùi Xuân Giáp (xã Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An). Vợ chồng ông có 5 con gái, cả 5 đều học giỏi và kế tiếp nhau thi đỗ vào các trường đại học có tiếng, đều được vay vốn ưu đãi. “Cho con em hộ nghèo vay vốn đi học là chương trình nhân văn, ý nghĩa nhất mà gia đình tôi được thụ hưởng. Vợ chồng tôi nhớ, các con tôi mãi nhớ ân tình sẻ chia gánh nặng của nhà nước trong lúc khó khăn”- ông Giáp thổ lộ.
Chính phủ cam kết bố trí đủ nguồn lực
Với sự vào cuộc nhanh, tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Quyết định 157, hầu hết các hộ gia đình, HS-SV được vay vốn đều được tuyên truyền, giải thích, hiểu rõ về cơ chế giải ngân, thu hồi vốn gốc, lãi nên có tránh nhiệm cao với chương trình. Ông Đinh Văn Minh chia sẻ: “Trong số 117 triệu đồng vốn gốc vay cho 4 đứa con ăn học, đến nay gia đình tôi đã trả được 74,5 triệu đồng, số còn lại sẽ trả nhanh vào thời gian tới để ngân hàng còn cho hộ khác vay”.
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, nhiều hộ được hưởng lợi từ chương trình đã tỏ rõ trách nhiệm khi trả nợ gốc trước hạn để được hưởng chính sách giảm lãi suất, ngân hàng có thêm vốn để cho vay quay vòng. Việc thu hồi nợ gốc chương trình tín dụng HS-SV tới nay rất khả quan. Năm 2010 mới có 949 tỷ đồng nợ gốc được thu hồi thì đến năm 2012, vốn gốc thu hồi đạt hơn 4.380 tỷ đồng, nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,47% trong tổng dư nợ là hơn 35.800 tỷ đồng.
5 năm triển khai thực hiện QĐ 157, hơn 3 triệu lượt HS-SV được vay vốn với tổng doanh số cho vay hơn 43.300 tỷ đồng. Hiện cả nước có 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HS-SV đi học, với tổng dư nợ hơn 35.800 tỷ đồng.
Khẳng định sự đúng, trúng, nhân văn, hiệu quả của chính sách cho HS-SV nghèo vay vốn đi học, tại hội nghị hôm qua, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất đề chương trình đạt được kết quả tốt hơn: Chính phủ xem xét nâng mức cho vay; mở rộng đối tượng được vay có 2 con cùng đi học mà không phải là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, có khó khăn tài chính đột xuất; giãn thời gian trả nợ gốc đối với những hộ có con em ra trường nhưng chưa có việc làm…
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chương trình tín dụng đối với HS-SV có tác động tích cực, hiệu quả tới an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ bố trí đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng này trong những năm tới. “Trong các năm học tới, Chính phủ xem xét bố trí nguồn để tăng mức cho vay, mở rộng đối tượng thụ hưởng. Các bộ, ngành, Ngân hàng CSXH, các địa phương cần rà soát và phân loại và xây dựng tiêu chí cụ thể. Mức vay có thể tăng lên nhưng cho vay sẽ không theo bình quân mà có phân theo các ngành, nghề đào tạo…”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân; Ngân hàng CSXH VN công bố tặng Giấy khen cho 148 tập thể và 259 cá nhân do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GDĐT: Những năm gần đây, ngành giáo dục tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh. Từ năm 2008, tất cả các trường ĐH-CĐ đều thành lập trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động. Việc tăng tỷ lệ SV ra trường có việc làm sẽ giúp tăng khả năng trả nợ vốn vay.
Ông Nguyễn Ngọc Phi - Thứ trưởng Bộ LĐ TBXH: Theo Ngân hàng CSXH, chỉ có 86.000 HS-SV, chiếm 3,8% tổng số HS-SV được vay vốn học nghề. Điều này cho thấy thực tế đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các đối tượng vay vốn phân theo cấp bậc đào tạo mà Ngân hàng CSXH, các bộ, ngành, địa phương cần phải lưu ý trong thực hiện Quyết định 157. Định hướng chung là đúng, nhưng từng địa phương cần phải hướng từng đối tượng cụ thể; cần chú ý cho vay vốn học nghề ở các địa phương nông thôn, miền núi…
Ông Nguyễn Văn Bình-Thống đốc NHNN: Quan điểm của Chính phủ, dù khó khăn đến đâu không để HS-SV bỏ học vì thiếu tài chính. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành sẽ tiếp tục cân đối, đảm bảo nguồn vốn cho HS-SV nghèo, khó khăn vay học tập thông qua phát hành trái phiếu, ủng hộ của các tổ chức tín dụng. Chúng tôi cam kết triển khai ổn định, bền vững và hiệu quả chương trình tín dụng này…
Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh (Nghệ An): Ước mơ của tôi đã thành hiện thực
Hai mươi tuổi tôi chưa một lần được cảm nhận tình yêu của cha, đã gần 10 năm nay thiếu vắng tình thương của mẹ. Tuổi thơ tôi không có được niềm hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, nhưng tôi may mắn hơn những bạn nhỏ cùng hoàn cảnh, bởi tôi được cắp sách tới trường, được gia đình cậu mợ đùm bọc. Ngày còn nhỏ, dù cuộc sống khó khăn, bữa cơm chỉ có canh rau, cà muối, nhưng tôi vẫn được đi học cho đến bây giờ là sinh viên đại học.
Việc thi đỗ đại học là niềm vui vô bờ bến đối với tôi, gia đình cậu mợ. Sau giờ phút vui mừng là nỗi lo vì không biết lấy đâu ra tiền để cho tôi ăn học. Có lúc, tôi nghĩ đến chuyện gác lại ước mơ học đại học để đi làm phụ giúp cậu mợ. Trong lúc tưởng chừng như bế tắc đó, tôi được biết chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với HS-SV diện mồ côi ở Ngân hàng CSXH qua các cô bác trong xã. Tôi đến Ngân hàng CSXH Thừa Thiên-Huế xin vay vốn. Tôi được các anh, chị cán bộ ngân hàng ân cần hướng dẫn làm thủ tục và nhanh chóng được vay vốn.
Sự quan tâm của Nhà nước đã giúp những sinh viên nghèo, mồ côi như tôi có điều kiện được tới trường, có cơ hội thoát khỏi cái nghèo, mở mang kiến thức quay về đóng góp một phần nhỏ trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước…
Nguyễn Thị Thùy Linh - quê xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, sinh viên Khoa học cây trồng, Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế.
Đông Hoàng (ghi)
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.