Đề xuất bố trí tập trung thay vì trích 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội từ dự án nhà thương mại

23/09/2022 08:03 GMT+7
Cử tri thành phố Hà Nội đã đề xuất nên chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên.

Cử tri đề xuất bố trí nhà ở xã hội tập trung

Thông tin từ Bộ Xây dựng ngày cho hay đã nhận được ý kiến của cử tri TP.Hà Nội về những kiến nghị liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội. Cụ thể, theo cử tri TP.Hà Nội, để tránh những bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên.

Theo Bộ Xây dựng, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong thực tế về quy hoạch khi bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ có quy định: đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Cử tri thành phố Hà Nội đề xuất bố trí nhà ở xã hội tập trung thay thế quy định trích 20% quỹ đất từ dự án nhà ở thương mại (Ảnh: TK)

Cử tri thành phố Hà Nội đề xuất bố trí nhà ở xã hội tập trung thay thế quy định trích 20% quỹ đất từ dự án nhà ở thương mại (Ảnh: TK)

Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc đã được tháo gỡ tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ thì vẫn còn một số nội dung tồn tại, vướng mắc cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có vướng mắc, tồn tại như kiến nghị của cử tri TP.Hà Nội.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Bộ đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Phát triển dự án nhà ở xã hội phải đảm bảo việc dành quỹ đất phù hợp với các quy hoạch

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển dự án nhà ở và dự án đô thị, Bộ Xây dựng đang đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, trong thời gian qua, pháp luật về nhà ở đã quy định đối với việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Việc dành quỹ đất được giao cho các chủ đầu tư, các dự án thương mại 20% quỹ đất và thực hiện từ các đô thị từ loại III trở lên. Việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực hiện trên diện rộng, do đó nếu chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III trở lên sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loại III, đặc biệt là những khu vực khu công nghiệp, có nhiều lực lượng người lao động.

Việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội có thể khiến dự án nhà ở thương mại "đội giá" (Ảnh: TN)

Việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội có thể khiến dự án nhà ở thương mại "đội giá" (Ảnh: TN)

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ Xây dựng đã xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân là chính sách được Đảng, Nhà nước quan tâm cho người nghèo, người thu nhập thấp và lực lượng vũ trang. Chính vì vậy, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đề xuất việc dành quỹ đất giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng phải dành lượng đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội tại một dự án sẽ khiến kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích... Ngoài ra, ở nhiều dự án, chủ đầu tư đã phải bồi thường giá cao, trong khi tiền đất được khấu trừ cho quỹ đất nhà ở xã hội theo đơn giá Nhà nước với chênh lệch rất lớn và doanh nghiệp phải gánh. Điều này dẫn tới giá nhà thương mại sẽ bị đội lên cao.

Trong văn bản gửi tới Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng,

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản gửi tới Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Ông Châu nhận định nếu cho phép doanh nghiệp "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%", Nhà nước sẽ có nhiều nhà ở xã hội hơn ở vị trí khác với mức giá vừa túi tiền cho người dân có thu nhập thấp.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục